Liệu châu Âu có thể tự bảo vệ mình mà không cần Mỹ?

Mặc dù châu Âu có tiềm năng quân sự và kinh tế lớn hơn so với Nga, việc thiếu hỗ trợ từ Mỹ và các thách thức như ưu thế phòng không của Moskva, kinh nghiệm chiến trường của quân đội Nga, và sự phối hợp khó khăn giữa các quốc gia châu Âu là những yếu tố đáng lo ngại.

Binh sĩ Đức tham gia cuộc tập trận quân sự chung Litva-Đức tại Pabrade (Litva), ngày 26/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ Đức tham gia cuộc tập trận quân sự chung Litva-Đức tại Pabrade (Litva), ngày 26/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của Gabriel Elefteriu, Phó Giám đốc Hội đồng Địa chiến lược tại London (Anh) và là thành viên của Viện Yorktown tại Washington, D.C (Mỹ) ngày 30/7, viễn cảnh từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang làm gia tăng sự lo lắng trong cộng đồng xuyên Đại Tây Dương. Mặc dù cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều cam kết với NATO, nhưng nếu cựu Tổng thống Trump tái đắc cử, vai trò của Mỹ trong NATO có thể sẽ thay đổi cơ bản.

Chuyên gia Elefteriu cho rằng, trong khi châu Âu sở hữu tiềm năng quân sự và kinh tế lớn hơn so với Nga, việc tự vệ mà không có sự hỗ trợ của Mỹ vẫn là thách thức lớn. Trong bối cảnh này, châu Âu phải chuẩn bị cho tương lai mà không có sự đảm bảo từ Mỹ.

Tác động với châu Âu

Việc tìm cách ngăn chặn hoặc giao chiến với Nga mà không có sức mạnh quân sự của Mỹ khiến châu Âu sợ hãi. Sự phụ thuộc vào Mỹ từ năm 1945 đã khiến châu Âu không chuẩn bị cho kịch bản tự vệ mà không có sự hỗ trợ từ Washington. Ý tưởng về cuộc chiến mà không có Mỹ là một điều không mong muốn. Nếu đảng Cộng hòa giành được chiến thắng vào tháng 11 tới, một sự thay đổi chưa từng có của Mỹ với châu Âu có thể diễn ra nhanh chóng.

Xét về sức mạnh của châu Âu, tiềm năng quân sự và kinh tế của riêng châu Âu trong NATO lớn hơn đáng kể so với Nga. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS-Anh) và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), châu Âu có khoảng 6.000 xe tăng, 9.000 xe chiến đấu bộ binh (IFV), 21.000 xe bọc thép chở quân (APC), hơn 7.000 hệ thống pháo binh và khoảng 1,9 triệu quân thường trực. Nga có khoảng 2.000 xe tăng, 4.000 xe chiến đấu bộ binh, 5.000 xe bọc thép chở quân, 2.700 hệ thống pháo binh và khoảng 1,2 triệu quân thường trực.

Dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS-Mỹ) cho thấy các đồng minh NATO không bao gồm Mỹ có 8.500 xe tăng so với 3.300 của Nga; 43.000 xe chiến đấu bọc thép các loại so với 13.000 của Nga; khoảng 7.000 khẩu pháo so với 3.500 của Nga; nhưng rõ ràng là họ đang tụt hậu về phòng không. Mặc dù con số chính xác chưa rõ ràng, nhưng các thành viên châu Âu của NATO có nhiều xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và binh sĩ hơn đáng kể so với Nga, số lượng hệ thống pháo binh gần bằng nhau và ít hệ thống phòng không hơn đáng kể so với Moskva.

Thách thức đối với châu Âu

Hiện châu Âu phải đối mặt với ba thách thức chính. Thứ nhất, Nga có ưu thế rõ ràng trong một số lĩnh vực thiết bị quan trọng như phòng không, tác chiến điện tử và thiết bị bay không người lái. Thứ hai, quân đội Nga hiện được hưởng lợi từ lợi thế của kinh nghiệm chiến trường rộng lớn. Thứ ba, lực lượng quân sự châu Âu đối đầu với Nga sẽ là một hỗn hợp các đơn vị rất khác biệt từ hàng chục quốc gia, khiến việc phối hợp, hiệp đồng trở nên khó khăn.

Trong khi đó, Mỹ hiện có 5 lữ đoàn tác chiến trên bộ ở châu Âu, được trang bị, đào tạo và cung cấp nguồn lực tốt, đóng góp giá trị "không cân xứng" cho quốc phòng của châu Âu. Tổng cộng có 83.000 quân Mỹ đang phục vụ tại châu Âu, trong đó 26.000 là Lục quân và gần 30.000 là Không quân.

Không quân Mỹ đóng vai trò quan trọng trong một số nhiệm vụ chuyên biệt: nhiệm vụ chế áp hệ thống phòng không đối phương (SEAD), nhắm mục tiêu động và tình báo, giám sát và trinh sát (ISR). Mỹ cũng cung cấp yếu tố chỉ huy và kiểm soát thiết yếu cho NATO.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (brusselssignal.eu)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/lieu-chau-au-co-the-tu-bao-ve-minh-ma-khong-can-my-20240731174724339.htm
Zalo