Liên tục huy động, TCBS dẫn đầu ngành về nguồn lực vốn

Với gần 20 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ, TCBS đã trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất ngành; và vẫn đang muốn tăng vốn tiếp.

Liên tục huy động...

Mới đây, Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đã công bố kế hoạch huy động 5.000 tỷ đồng thông qua năm lô trái phiếu phát hành ra công chúng từ quý IV/2024 tới hết năm 2025. Các lô trái phiếu có kỳ hạn từ 24-30 tháng kể từ ngày phát hành.

Đây đều là các trái phiếu thuộc loại “3 không” - không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm. Lãi trái phiếu được thanh toán định kỳ 6 tháng, trong khi gốc được trả một lần khi đến hạn hoặc cũng có thể mua lại trước hạn.

Lãi suất các trái phiếu được xác định ở mức 8,5%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên và bắt đầu thả nổi trong các kỳ còn lại, được tính bằng tổng của 3%/năm và lãi suất tham chiếu đối với các trái phiếu kỳ hạn 30 tháng; tổng của 2,8% và lãi suất tham chiếu đối với các trái phiếu kỳ hạn 24 tháng.

TCBS cho biết sẽ phát hành và giải ngân từ quý IV/2024 đến quý IV/2025. Các hoạt động được giải ngân gồm: môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ và tự doanh.

Trên thực tế, tiềm lực vốn chủ sở hữu của TCBS đã chính thức soán “ngôi đầu” của SSI trong quý III vừa qua nhờ thặng dư vốn cổ phần gần 9.200 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối gần 14.200 tỷ đồng được tích lũy liên tục sau nhiều năm.

Nhờ nguồn lực tích lũy đó, TCBS đã triển khai phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phần cho 73 cổ đông với tỷ lệ thực hiện quyền 1:8 vào ngày 15/11, qua đó tăng vốn điều lệ gấp chín lần, lên 19.613 tỷ đồng.

Bên cạnh kế hoạch huy động 5.000 tỷ đồng trái phiếu, TCBS cũng vừa thông qua phương án chào bán thêm 118,8 triệu cổ phiếu cho 25 nhà đầu tư để thu về gần 1.377 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong nửa đầu năm sau.

Nếu hoàn tất kế hoạch trên, “bộ đệm” vốn điều lệ của TCBS sẽ vượt hơn 20.800 tỷ đồng, qua đó trở thành công ty chứng khoán đầu tiên có vốn điều lệ vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng, vượt qua đơn vị hiện đang dẫn đầu là SSI và bỏ xa các đối thủ khác trong ngành như VPBankS, VNDirect…

... cho vay lấy lãi

Vốn chủ sở hữu lớn cho phép TCBS có điều kiện sử dụng đòn bẩy để tăng quy mô tổng nguồn vốn. Tính tới cuối quý III/2024, TCBS ghi nhận nợ phải trả gần 24.300 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với đầu năm và chiếm gần một nửa tổng nguồn vốn. Trong đó có hơn 3.873 tỷ đồng trái phiếu dài hạn, cao gấp bốn lần so với đầu năm, cùng hơn 750 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn với mức lãi suất từ 7 – 11,6%/năm.

Với các khoản vay ngắn hạn, TCBS ghi nhận dư nợ hơn 18.250 tỷ đồng, bao gồm hơn 7.030 tỷ đồng nợ vay quy đổi bằng USD, phần lớn là khoản vay hợp vốn với Ngân hàng Quốc tế Taishin làm đại lý. Đồng thời, TCBS cũng vay tổng cộng hơn 6.610 tỷ đồng tại BIDV, VIB và các ngân hàng khác.

Nhờ có các nguồn vốn dồi dào nói trên, dư nợ mảng cho vay ký quỹ của TCBS cũng vươn lên dẫn đầu ngành.

Theo báo cáo tài chính quý III/2024 của TCBS, phần lớn các hoạt động kinh doanh đều ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, các tài khoản cho vay và phải thu tăng mạnh 67%, vượt mức 25.480 tỷ đồng, bỏ xa các tên tuổi như HSC hay SSI.

Các hoạt động này mang lại mức lãi hơn 700 tỷ đồng cho TCBS trong quý III và hơn 1.915 tỷ đồng kể từ đầu năm, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn thu của công ty.

Lũy kế chín tháng đầu năm, TCBS báo lãi trước thuế gần 3.870 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước và đã vượt 5% kế hoạch năm đề ra.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/lien-tuc-huy-dong-tcbs-dan-dau-nganh-ve-nguon-luc-von-d38288.html
Zalo