Liên tiếp 'sập bẫy' shipper dỏm
'Em để hàng chỗ cũ nha', 'Em đã gửi hàng cho hàng xóm của chị', 'Hàng em gửi dưới sảnh', 'Đã ném hàng vào sân nhà chị rồi đó'… là những câu nói quen thuộc từ các cuộc gọi của kẻ mạo danh người giao hàng (shipper) dùng để lừa đảo người nhận hàng.
Tiếp đó, các shipper dỏm sẽ hối thúc người nhận hàng chuyển khoản với lời lẽ rất thuyết phục: “Đơn mở hàng nên chị chuyển nhanh để em lấy hên”, “Sắp tới giờ em phải nộp tiền, chậm chút em không được tính công”… Nếu thấy người nhận lưỡng lự, các đối tượng lừa đảo sẽ nói “chỉ cần trả trước 30 ngàn tiền phí ship để em lấy doanh số, khi nào nhận hàng chị kiểm tra xong rồi chuyển tiền sau cũng được”… Nếu tin lời shipper dỏm mà thiếu kiểm tra, người chuyển sẽ bị mất tiền oan.
Dẫn dắt tinh vi
Thời gian gần đây, có rất nhiều trường hợp người mua hàng qua mạng sử dụng dịch vụ chuyển hàng nhanh bị lừa tiền. Kẻ mạo danh gọi điện, dẫn dắt câu chuyện rất tinh vi khiến nhiều người bị lừa từ vài chục ngàn đồng đến cả trăm triệu đồng nếu không tỉnh táo. Dù công an đã cảnh báo nhưng vẫn có nạn nhân “sập bẫy”.
Chị L. (ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa) kể, sáng 10-10, chị nhận được diện thoại từ người lạ tự xưng là shipper đang đứng trước cửa nhà chờ giao hàng. Do đang đi làm, trùng hợp sáng hôm đó, con gái chị L. trước khi đi học có nhờ nhận hàng giúp nên chị L. đã không ngần ngại chuyển khoản 470 ngàn đồng cho đối tượng này.
30 phút sau khi chuyển tiền thì chị L. bất ngờ nhận được điện thoại của người đàn ông này giọng nói có vẻ gấp gáp năn nỉ: “Chị ơi, thông cảm giùm em vì lúc nãy em gửi lộn số tài khoản đăng ký hội viên giao hàng nhanh. Chị vào Facebook hủy giúp em được không. Nếu không mỗi tháng em bị trừ lương hàng tháng, chị làm ơn giúp em với, em là sinh viên đi làm thêm…”.
Để phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo giả danh công ty giao hàng nhanh, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần xác minh chính xác thông tin những đơn hàng trước khi nhận, dù là những đơn hàng có giá trị thấp. Không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường phải dừng giao dịch ngay và cung cấp thông tin vụ việc cho lực lượng công an nơi gần nhất.
Sau đó, đối tượng này gửi cho chị L. một đường link, khi truy cập vào chị L. thấy hiện lên đoạn chat trên Facebook có tên Giaohangtietkiem. Trao đổi qua tin nhắn, chị L. được hướng dẫn là phải chuyển 17 triệu đồng vào một trang chuyển tiền giả lập để tự hủy đăng ký thành viên. Sau khi chuyển, toàn bộ số tiền đã chuyển trước đó sẽ tự động hoàn lại cho chủ tài khoản. “Biết ngay đây là thủ đoạn dẫn dụ người khác truy cập link để đánh cắp thông tin cá nhân, trộm tiền trong tài khoản nên tôi đã không thực hiện theo hướng dẫn. Tức thì, anh ta gọi điện năn nỉ kể khổ đủ thứ, đến khi tôi dọa báo công an mới không bị làm phiền nữa” - chị L. kể.
Với thủ đoạn tương tự, chỉ vì “mủi lòng” trước lời đề nghị giúp đỡ của một shipper dỏm, chị H. (ngụ Thành phố Hà Nội) đã bị lừa mất 100 triệu đồng vào ngày 3-10. Sau khi gửi link để chị H. truy cập, đối tượng lừa đảo đã gọi điện hướng dẫn chị thông qua video call để thực hiện các thao tác cung cấp thông tin cá nhân nhằm hủy đăng ký “hội viên giao hàng nhanh”. Khi các thao tác đang thực hiện giữa chừng thì tài khoản ngân hàng của chị H. bị treo do chưa đăng ký sinh trắc học. Người gọi đề nghị chị H. lấy tài khoản ngân hàng khác để thực hiện chuyển tiền, chụp hình 2 mặt thẻ ngân hàng… Cuộc gọi video call vừa dứt cũng là lúc tài khoản ngân hàng của chị H. báo đã bị trừ toàn bộ tiền trong tài khoản.
Đáng nói dù đã lấy được tiền của chị H., song đối tượng lừa đảo vẫn không dừng lại. Chiều hôm sau, đối tượng này tiếp tục gọi lại cho chị H. và yêu cầu thao tác thêm trên tài khoản ngân hàng để được hoàn lại tiền đã chuyển trước đó nhưng lần này chị H. đã cảnh giác.
“Mọi người nên cảnh giác hơn trước các chiêu trò đánh vào tâm lý thương người để không bị lừa như tôi. Không làm theo hướng dẫn từ người lạ để mất tiền oan” - chị H.chia sẻ.
Dẫn dụ không được thì hù dọa “xử đẹp”
Sau khi lừa chiếm đoạt được số tiền khách hàng trả tiền hàng, shipper giả còn liên hệ để tiếp tục thực hiện các chiêu trò lừa đảo, nếu vẫn không dụ được “con mồi”, đối tượng sẽ chuyển sang hù dọa.
Chị N. (ngụ thành phố Biên Hòa) cho biết, dù rất cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo qua mạng trong thời gian gần đây, thế nhưng chị vẫn bị “shipper giả” lừa mất 315 ngàn đồng. “Người gọi đọc đúng tên, địa chỉ nhà và món hàng mà tôi đã đặt mua, rồi bảo đã ném hàng vào cửa nhà. Vì đã nhiều lần nhận hàng bằng cách này nên tôi không nghi ngờ gì, liền chuyển khoản theo yêu cầu” - chị N. nói.
Thấy “dễ ăn”, 20 phút sau đó, kẻ mạo danh giao hàng đã điện thoại lại xin lỗi vì đã báo giao hàng nhầm, nhờ chị N. gọi lại cho bên chăm sóc khách hàng để được hoàn lại tiền. Với giọng điệu đáng thương, người này nói việc gọi điện sẽ giúp cho shipper không bị trưởng nhóm trừ tiền và đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Biết đây là trò lừa đảo, chị N. nhất quyết từ chối rồi cúp máy.
Tối đến, chị N. lại nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là trưởng nhóm giao hàng nhanh thông báo chị đã có thẻ hội viên với chi phí duy trì là 3,5 triệu đồng/tháng, 42 triệu đồng/năm. Muốn hủy thẻ hội viên thì phải chuyển khoản 3,5 triệu đồng, rồi tiếp tục năn nỉ chị chuyển tiền để “cứu” người đã giao hàng nhầm, nếu không anh này sẽ trừ lương hàng tháng… Khi năn nỉ không hiệu quả, người này đe dọa sẽ đưa hồ sơ của chị N. lên hệ thống truy soát để trừ tiền trong các tài khoản ngân hàng của chị. Nếu không có tiền trong tài khoản để hệ thống trừ thì hồ sơ sẽ chuyển qua Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và chị thành người có nợ xấu…Thấy không thể “hù” được chị N., đối tượng này gọi lớn tiếng chửi, dọa sẽ “xử đẹp” chị.