Liên tiếp các vụ ô tô gây tai nạn nghiêm trọng: Cần làm gì để hạn chế 'xe điên'?
Liên tiếp các vụ 'xe điên' tông liên hoàn, cướp đi sinh mạng của người vô tội xảy ra tại Hà Nội thời gian gần đây lại dấy lên hồi chuông báo động về ý thức người cầm lái. Luật sư cho rằng đã đến lúc cần siết chặt cả luật pháp lẫn đạo đức tài xế.

Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng ở phường Dương Nội (Hà Nội) tối 16/7/2025
Hàng loạt vụ ô tô gây tai nạn liên hoàn
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do "xe điên" gây ra. Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra tại phường Dương Nội, TP Hà Nội, vào tối 16/7. Hiện cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với tài xế Lê Minh Giáp (SN 1984, cán bộ một trường cao đẳng ở Hà Nội).
Theo công an, tối 16/7, sau khi sử dụng rượu bia, Giáp lái ô tô Honda BR-V về nhà. Khi đến khu vực CT7K (thuộc địa phận Dương Nội), Giáp đâm vào một xe máy, hoảng loạn, đạp nhầm chân ga rồi lao đi mất kiểm soát, gây tai nạn liên hoàn khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng - trong đó có một cháu bé 3 tuổi bị đa chấn thương nặng.

Đối tượng Lê Minh Giáp đã bị bắt tạm giam
Trước đó, ngày 9/7, tại khu vực ngã tư Đại La - Trần Đại Nghĩa (phường Tương Mai, Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng liên hoàn giữa 1 xe ô tô và 10 xe máy. Vụ tai nạn khiến 1 người tử vong, nhiều người khác bị thương.
Ngày 26/6, ông H.S.P. (Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh Bắc Ninh) điều khiển ô tô trên đường Bình Than, phường Đại Phúc, về đường Văn Miếu thì xảy ra vụ tai nạn giao thông. Xe ô tô do ông P. điều khiển đã va chạm với xe máy. Sau đó, ô tô tiếp tục va chạm với 9 xe máy khác đang dừng dưới lòng đường và 1 ô tô bán tải đang dừng đỗ. Hậu quả, 2 người phụ nữ bị thương, nhiều phương tiện hư hỏng. Kết quả kiểm tra có sự chứng kiến của người dân cho thấy, ông P. có nồng độ cồn là 0,435mg/l khí thở.
Hồi chuông cảnh báo về pháp luật và đạo đức của người cầm lái
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do "xe điên" không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Với trường hợp tài xế Lê Minh Giáp, người điều khiển phương tiện trong tình trạng có nồng độ cồn vượt mức quy định, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là chết người, đủ điều kiện để bị xử phạt tù từ 3 đến 10 năm tù, theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Ngoài trách nhiệm hình sự thì người vi phạm nồng độ cồn, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ gây tai nạn giao thông còn phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (bên phải)
Đối với nạn nhân tử vong thì còn phải bồi thường chi phí mai táng theo phong tục địa phương và bồi thường nghĩa vụ cấp dưỡng cho người mà nạn nhân phải cấp dưỡng theo quy định pháp luật.
Vụ án trên là điển hình cho tác hại của rượu bia đối với trật tự an toàn giao thông đường bộ. Khi đã uống rượu bia đến mức hạn chế khả năng nhận thức thì việc tham gia giao thông là rất nguy hiểm. Điều đáng chú ý là thời gian gần đây, rất nhiều người gây tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, người gây tai nạn là những người có trình độ học thức, thậm chí có chức vụ.
"Đây là hồi chuông cảnh báo không chỉ về pháp luật, mà còn là đạo đức của người cầm lái. Nhiều vụ tai nạn do người có học thức, có chức vụ gây ra, càng cho thấy việc tuyên truyền pháp luật cần được thực hiện nghiêm túc và sâu rộng hơn nữa", ông Cường nhấn mạnh.
Về mặt giải pháp để hạn chế các vụ "xe điên", ông Cường cho rằng, ngoài việc làm rõ xử lý đối với người vi phạm giao thông gây hậu quả nghiêm trọng có vi phạm về nồng độ cồn thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật của người tham gia giao thông.
Với những người tham gia giao thông là người của cơ quan tổ chức thì cũng cần quản lý bằng nội quy, quy chế, điều lệ để hạn chế cán bộ vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm về phòng chống tác hại rượu bia, vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ nói riêng, từ đó tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Lái xe mà không tỉnh táo thì xe nào cũng thành "xe điên"
Chị Nguyễn Hương Trà (45 tuổi, Hà Nội) cho biết, là người đi làm mỗi ngày bằng xe máy, chị luôn cảm thấy bất an khi ra đường, nhất là vào giờ tan tầm. Chỉ cần một chiếc ô tô bất ngờ mất lái hay tài xế thiếu tỉnh táo, là hàng loạt người có thể gặp họa.
"Vụ tai nạn vừa rồi xảy ra ở phường Dương Nội khiến tôi thực sự ám ảnh, nhất là khi có cả trẻ nhỏ bị nạn. Tôi nghĩ không thể chỉ phạt sau khi tai nạn đã xảy ra, mà phải có biện pháp phòng ngừa mạnh tay hơn, như kiểm tra đột xuất nồng độ cồn, hay xử lý nghiêm những người từng gây tai nạn có yếu tố rượu bia", chị Trà bày tỏ.
Anh Đinh Văn Dư, tài xế có gần 20 năm kinh nghiệm lái xe, cho biết, điều quan trọng nhất của một người trước khi bước lên ô tô cầm lái là phải tỉnh táo, bình tĩnh và kiểm soát được cảm xúc.
"Lái xe mà không tỉnh táo thì xe nào cũng có thể thành "xe điên". Chúng tôi luôn tự dặn mình, không được buồn ngủ, không nóng giận khi lên xe và đặc biệt là không được uống rượu bia dù chỉ 1 giọt. Nhưng không phải ai cũng giữ được nguyên tắc đó, đặc biệt là những người không sống bằng nghề lái xe", anh Dư nói.
Bên cạnh đó, có một thực tế buồn là ở nhiều cuộc gặp mặt, liên hoan hay đám cưới, người ta vẫn giữ thói quen mời lái xe uống rượu để lấy "may". Nhiều người ngại từ chối, phần vì sĩ diện, phần vì nể nang. Nhưng tài xế chỉ uống 1 chén rượu cũng có thể cướp đi tính mạng người khác nếu cầm lái.
"Tôi từng chứng kiến vài vụ tai nạn thương tâm chỉ vì tài xế "uống xã giao" trước khi lên xe. Tôi nghĩ đã đến lúc cần thay đổi nhận thức, không mời rượu người lái xe - đó mới là sự tôn trọng và trách nhiệm với nhau", anh Dư nói.
Anh Dư cho rằng, cần siết chặt hơn việc kiểm tra tâm lý, sức khỏe định kỳ với tài xế, kể cả những người không hành nghề chuyên nghiệp. Đồng thời, với người từng gây tai nạn có yếu tố rượu bia hay hoảng loạn mất kiểm soát, phải đình chỉ, bắt học lại luật và tái kiểm tra tay lái trước khi cho điều khiển xe trở lại.