Liên ngành Tư pháp tỉnh Sóc Trăng thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
Ngày 11/4, tại Hội trường Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra Hội nghị trực tiếp và trực tuyến sơ kết Thông tư liên tịch về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Tham dự có đồng chí Kiều Hoài Phong - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Đại tá Phan Văn Ứng - Phó Giám đốc Công an tỉnh; Bùi Thị Thúy Nga - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự; lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh và lãnh đạo, cán bộ phụ trách của các cơ quan tư pháp tỉnh. Hội nghị còn được trực tuyến đến Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT, ngày 5/9/2018 của liên ngành tư pháp Trung ương quy định phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo và Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BTP-BNN&PTNT, ngày 5/4/2018 quy định việc phối hợp trong báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được liên ngành tư pháp tỉnh Sóc Trăng quan tâm quán triệt, triển khai thực hiện tốt. Khi đó, viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp để xây dựng quy chế phối hợp và thực hiện hiệu quả.
Từ khi các Thông tư liên tịch số 02 có hiệu lực đến ngày 30/11/2024, các cơ quan tư pháp 2 cấp đã tiếp nhận 1.011 đơn khiếu nại/979 việc; 54 đơn tố cáo/53 việc; 200 đơn phản ánh, kiến nghị/199 việc. Nguồn tiếp nhận chủ yếu là từ cơ quan Trung ương, cơ quan địa phương, cơ quan báo chí chuyển đến; tiếp công dân và qua đường bưu điện. Nhìn chung, sau khi Thông tư liên tịch số 02/2018 có hiệu lực thi hành, chất lượng công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng được nâng lên đáng kể, nhất là việc giải quyết được kịp thời, đúng quy định. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra trường hợp khiếu nại, tố cáo gây bức xúc đông người; cơ bản người khiếu nại đồng tình cao. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong việc nắm kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của từng vụ việc ngày càng chặt chẽ, đã góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp vẫn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc do: một số ít cán bộ tham mưu chưa chủ động thực hiện công tác phối hợp; một số quy định giữa Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 02 chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến cách hiểu, vận dụng chưa thống nhất; một số ít cán bộ phụ trách công tác này chưa được quan tâm, bồi dưỡng kịp thời; nhận thức pháp luật của một số người khiếu nại, tố cáo còn hạn chế dẫn đến đơn trùng nội dung, vượt cấp…
Tại hội nghị, các cơ quan đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp, đề xuất để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: SỚM MAI
Đồng chí Kiều Hoài Phong cho biết, để công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn tỉnh trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phối hợp báo cáo, thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, đối với những vướng mắc, bất cập đã được hội nghị chỉ ra, giao Thanh tra - Khiếu tố (thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) tổng hợp đề xuất vào báo cáo để cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan. Mong rằng, các đơn vị tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế và phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.