Liên minh châu Âu bị phản đối khi định cử đặc phái viên tới Syria

Liên minh châu Âu (EU) muốn bổ nhiệm một đặc phái viên tới Syria để đánh giá chính sách của họ nhưng động thái này đã tạo ra phản ứng tức giận hoặc cho rằng EU có thể cần một cách tiếp cận thống nhất hơn.

Khi cuộc khủng hoảng ở Trung Đông vẫn tiếp diễn, Liên minh châu Âu đã tuyên bố muốn tham gia nhiều hơn vào Syria, nơi mà sau nhiều năm chiến tranh, tình hình của thường dân ngày càng bấp bênh.

Gần đây, ông Michael Ohnmacht, người đứng đầu Phái đoàn EU về Syria có trụ sở tại Beirut, Lebanon đã công bố một video có cảnh ông đứng tại Thủ đô Damascus. Nhưng ông Ohnmacht đã không nhận được phản ứng như mong đợi.

Ông Michael Ohnmacht, người đứng đầu Phái đoàn EU về Syria trên đường phố Thủ đô Damascus

Ông Michael Ohnmacht, người đứng đầu Phái đoàn EU về Syria trên đường phố Thủ đô Damascus

Bình luận dưới video này, Yaman Zabad, một nhà nghiên cứu người Syria tại một nhóm nghiên cứu ở Istanbul, gợi ý: “Đừng quên đến thăm mộ những người bạn của tôi”. “Ông thật may mắn. Tôi không thể về thăm nhà mình ở Syria hoặc thậm chí không thể tham dự đám tang của cả cha và mẹ tôi”, Shadi Martini, người đứng đầu tổ chức từ thiện Multifaith Alliance có trụ sở tại New York viết.

Đây không phải là lần đầu tiên ý định của EU trong can dự nhiều hơn vào Syria gặp phản ứng giận dữ. Vào đầu tháng 11-2024, Ủy ban EU, cơ quan quản lý của khối, đã lưu hành một “văn bản phi giấy tờ” bí mật, một dạng tài liệu không chính thức để tìm kiếm sự đồng thuận về một số vấn đề thủ tục hoặc chính sách gây tranh cãi.

Tài liệu không chính thức đề xuất nới lỏng việc tài trợ cho tái thiết ở Syria đồng thời bổ nhiệm một “đặc phái viên về các vấn đề liên quan đến Syria” như một cách “duy trì sự hiện diện hạn chế trên thực địa”.

Văn bản này là phản hồi cho một lá thư vào tháng 7 do 8 quốc gia ký, cho rằng chính sách của EU đối với Syria cần phải thích ứng với những thay đổi trên thực tế kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến Syria vào năm 2011.

Thành viên ký vào lá thư nói trên gồm Áo, CH Cyprus, Italia, Hy Lạp, Cộng hòa Czech, Slovakia và Slovenia, vốn là những quốc gia có vấn đề về nhập cư bất hợp pháp hoặc chính phủ của họ ủng hộ chống nhập cư.

Nhóm người Syria nhận giấy phép cư trú tạm thời tại cơ sở tiếp nhận ban đầu dành cho người di cư và người tị nạn vào ngày 5-10-2023 tại Eisenhuettenstadt, Đức

Nhóm người Syria nhận giấy phép cư trú tạm thời tại cơ sở tiếp nhận ban đầu dành cho người di cư và người tị nạn vào ngày 5-10-2023 tại Eisenhuettenstadt, Đức

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, EU đã đóng góp khoảng 33,3 tỷ euro viện trợ cho các mục đích của Syria và tiếp nhận tới 1,3 triệu người tị nạn Syria. Năm 2023, số lượng người xin tị nạn lần đầu lớn nhất ở EU vẫn là người Syria.

Lập trường của EU về Syria thường được gọi là “ba không”. Nghĩa là: Không bình thường hóa, không dỡ bỏ lệnh trừng phạt và không hỗ trợ tái thiết cho đến khi chế độ cầm quyền Syria hiện nay tham gia tiến trình chính trị có ý nghĩa.

Đại sứ Christian Berger, người Áo, hiện là Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Ai Cập được cho là có thể sẽ đảm nhiệm chức vụ đặc phái viên EU tại Syria

Đại sứ Christian Berger, người Áo, hiện là Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Ai Cập được cho là có thể sẽ đảm nhiệm chức vụ đặc phái viên EU tại Syria

Nhưng đề xuất cử đặc phái viên tới Syria không được các nhóm vận động của Syria đón nhận. Laila Kiki, Giám đốc điều hành của The Syria Campaign, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại London cho rằng, đó là một thông điệp tàn khốc đến các nạn nhân và người sống sót sau tội ác chiến tranh bởi báo hiệu sự công nhận chính quyền Syria hiện tại.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng, EU đang mắc kẹt bởi chính sách đối với Syria. Theo ông Julien Barnes-Dacey, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, phân tích: Với chính sách “ba không”, họ không thể làm được nhiều để hỗ trợ người dân Syria cũng như không thể hy vọng cạnh tranh với Nga và Iran tại quốc gia này. Nhưng bất kỳ hình thức can dự nào lại bị chỉ trích là sự hợp pháp hóa chế độ cầm quyền Syria.

Một trong những câu hỏi được đặt ra là liệu đặc phái viên có thể đạt được điều gì, ngoài việc xoa dịu các chính trị gia chỉ trích trong nước của EU. Cựu luật sư Abdel Nasser Hoshan, 56 tuổi, sống trong trại tị nạn ở Idlib, miền Bắc Syria cho rằng, nếu coi đây là con đường giải quyết xung đột, thì điều đó là sai lầm bởi nó không mang lại lợi ích gì cho ông hoặc những người Syria khác. “Tôi không tin rằng văn phòng này có thể giám sát hoặc tác động đến hành vi của chế độ cầm quyền Syria hiện nay”.

Theo DW

Yên Vũ

Theo DW

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lien-minh-chau-au-bi-phan-doi-khi-dinh-cu-dac-phai-vien-toi-syria-post596786.antd
Zalo