Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ở vùng khó
Trong sản xuất nông nghiệp, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho bà con nông dân. Từ thực tế đó, các cấp, ngành chức năng và người dân trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Võ Nhai bước đầu hình thành các mô hình liên kết trong tiêu thụ nông sản, như: Liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với hộ dân; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã (HTX) với hộ dân; liên kết theo chuỗi giá trị khép kín... Từ đó góp phần tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện, nhất là sản phẩm từ cây trồng; duy trì sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Đơn cử như để có đầu ra cho sản phẩm bí đỏ, một số hộ dân ở xã Tràng Xá đã đứng ra thu mua bí của bà con rồi liên kết tiêu thụ với các HTX, doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố. Nhờ đó, 3 năm gần đây, giá bí đỏ luôn duy trì ổn định từ 5-8 nghìn đồng/kg.
Ông Lê Văn Mão, ở xóm Mỏ Đinh, là một trong những người chuyên thu gom bí đỏ, cho biết: Vào vụ bí, trung bình một ngày tôi thu mua từ 5-10 tấn bí của bà con trong xã. Cứ sau 7-10 ngày thu gom thì tôi lại liên hệ với các đơn vị đã ký hợp đồng trước đó đến lấy hàng. Do có ký kết từ trước nên việc tiêu thụ bí khá thuận lợi, giá bán cao hơn từ 3-5 nghìn đồng/kg so với khi chưa ký kết...
Đầu ra ổn định, giá bí lại duy trì ở mức cao nên bà con nông dân rất phấn khởi, tích cực mở rộng diện tích trồng bí. Người dân tận dụng tối đa những diện tích đất hoang hóa trước đây, cũng như chuyển đổi những diện tích cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng bí. Vụ xuân vừa qua, tổng diện tích trồng bí của cả Tràng Xá đạt khoảng 100ha, sản lượng trên 1.500 tấn.
Ông Nguyễn Văn Tôn, xóm Mỏ Đinh, cho hay: Vụ vừa qua, gia đình tôi trồng hơn 10 sào bí dưới tán cây ăn quả và thu được 3 tấn quả. Trừ hết chi phí, gia đình thu lãi gần 20 triệu đồng.
Còn tại Thần Sa, vụ xuân vừa qua, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Võ Nhai đã liên kết với 28 hộ dân trong xã để trồng thử nghiệm 4ha cây đậu tương rau. HTX cung ứng trước giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật và người dân sẽ hoàn trả sau khi thu hoạch xong. Mặc dù là vụ đầu tiên đưa cây đậu tương rau vào trồng nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Chị Lê Thị Lâm, xóm Trung Sơn, xã Thần Sa, cho biết: Gia đình tôi có 5 sào đậu tương rau, sau 75 ngày trồng cho thu hoạch gần 2,5 tấn quả, trừ hết chi phí, thu được trên 10 triệu đồng. So với cây ngô, trồng đậu tương rau đầu ra thuận lợi và lãi cao hơn khoảng 1 triệu đồng/sào.
Bà Trương Thị Tuế, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Võ Nhai, chia sẻ: Sau vụ đầu tiên đạt kết quả khả quan, chúng tôi tiếp tục liên kết với 60 hộ dân trên địa bàn xã Thần Sa để triển khai trồng tiếp 10ha. Dự kiến khoảng gần 1 tháng nữa là sẽ cho thu hoạch và năng suất ước đạt khoảng 5-6 tạ/sào.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thần Sa, cho biết: Việc liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với hộ dân không chỉ giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản mà còn thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng đậu tương rau và bí đỏ. Bởi những loại cây trồng này được HTX ký kết bao tiêu sản phẩm với mức giá cao và ổn định.
Là huyện vùng cao, Võ Nhai hiện có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng, như: cây ăn quả, mỳ gạo, mật ong, măng khô, gạo nếp Thượng Nung… trong đó, có 15 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 và 4 sao. Nhằm góp phần tạo đầu ra cho các sản phẩm nông sản, trong những năm qua, huyện đã tăng cường phối hợp với ngành chức năng của tỉnh tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản.
Đơn cử như quả na, UBND huyện đã phối hợp tổ chức chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ, nhất là ký kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị trên địa bàn tỉnh. Việc giải quyết được đầu ra cho cây na đã giúp bà con nông dân có thêm động lực mở rộng diện tích. Đến nay, tổng diện tích na của Võ Nhai đạt trên 700ha và sản lượng năm 2024 ước đạt trên 6.000 tấn.
Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, chia sẻ: Muốn nông nghiệp phát triển bền vững thì vấn đề đầu ra ổn định cho nông sản đóng vai trò hết sức quan trong. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ có những chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân, như: Hỗ trợ tư vấn liên kết; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường chỉ đạo phòng chức năng và các xã, thị trấn phối hợp tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp; tạo mọi điều kiện tốt nhất để các HTX trong và ngoài huyện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân…