Liên kết phát triển du lịch 6 tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Mỗi địa phương nên xây dựng một sản phẩm đặc trưng, gắn kết thành các tour, tuyến phù hợp để tăng thời gian lưu trú cho khách, thúc đẩy du lịch các tỉnh trong chuỗi liên kết cùng phát triển.

Đó là chia sẻ của đại diện lãnh đạo ngành du lịch 6 tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh, gồm: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kom Tum và Đắc Lắk năm 2024. Hội nghị diễn ra tại Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào chiều 20/12.

Bước đầu tạo được hiệu ứng tích cực trong hoạt động quảng bá du lịch

Trao đổi tại hội nghị, ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định chia sẻ, trong năm 2024, ngành du lịch 6 tỉnh đã tăng cường hợp tác hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm mới, thực hiện kế hoạch xúc tiến và các chính sách đối với hoạt động du lịch…

Quang cảnh hội nghị. Ảnh:TD

Quang cảnh hội nghị. Ảnh:TD

Các hoạt động nằm trong chuỗi liên kết này góp phần giúp 6 tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Doanh thu du lịch năm 2024 của 6 tỉnh đều tăng trưởng so với năm 2023. Báo cáo chung từ hội nghị dẫn chứng, Bình Định doanh thu hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 55%; tỉnh Gia Lai doanh thu 890 tỷ đồng, tăng gần 13%; Đắc Lắk 1.255 tỷ đồng, tăng hơn 21%; Kon Tum thu 890 tỷ đồng, Phú Yên thu 8.000 tỷ đồng, tăng 62% tỷ đồng, Quảng Ngãi thu hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 30%.

Theo đó, ngành du lịch 6 tỉnh thường xuyên thông tin cho nhau về kế hoạch tổ chức sự kiện lễ hội, văn hóa, thể thao và du lịch để hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, thu hút khách du lịch như: Tuần lễ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Bình Định Amazing Fest 2024 (từ ngày 22/3 - 31/3/2024); Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Bình Định năm 2024; Lễ hội Tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024 (Bình Định); Tuần lễ Hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đang năm 2024; Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (Gia Lai) năm 2024; Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3 năm 2024 (Đắc Lắk); Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên 2024 (Phú Yên); Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum năm 2024 (Kon Tum); Tuần lễ Du lịch tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 (Quảng Ngãi).

Bình Định thu hút du khách từ các sự kiện thể thao quốc tế trong năm 2024. Ảnh: Phan Tín

Bình Định thu hút du khách từ các sự kiện thể thao quốc tế trong năm 2024. Ảnh: Phan Tín

Nhiều sản phẩm du lịch mới được hình thành tự sự liên kết này như: các tuyến du lịch tham quan vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, thác nước đẹp của các tỉnh Tây Nguyên, kết hợp với trải nghiệm các dịch vụ du lịch sinh thái biển, đảo.

Đồng thời, kết nối di sản văn hóa phi vật thể như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên qua các lễ hội như Festival cồng chiêng, lễ mừng nhà rông với việc tìm hiểu về hát bài chòi, hát bội, lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và Võ cổ truyền Bình Định…

Theo đánh giá chung của 6 tỉnh, hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương đã tạo ra được sự đa dạng về sản phẩm; kết hợp du lịch sinh thái rừng với sinh thái biển; kết nối di sản văn hóa đặc trưng của vùng miền; giúp doanh nghiệp kết nối tour, tuyến du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch…

Cần có sản phẩm đặc trưng, tạo hiệu ứng liên kết

Với vai trò là nhóm trưởng trong năm 2024, ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, cho rằng, hiện nay việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch, xúc tiến chung của 6 tỉnh còn chưa thực hiện được; việc liên kết tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa du lịch chung để tạo thành sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn còn khó khăn.

"Mỗi địa phương đều sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn độc đáo, hấp dẫn, việc cần thiết là kết nối những tài nguyên du lịch này thành các gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết", ông Thanh chia sẻ.

Tháp Nghinh Phong, một điểm check-in hấp dẫn của tỉnh Phú Yên. Ảnh: Phan Tín

Tháp Nghinh Phong, một điểm check-in hấp dẫn của tỉnh Phú Yên. Ảnh: Phan Tín

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hạnh – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai cho rằng nên có một tuần lễ, một sự kiện quảng bá du lịch tại từng địa phương, trong đó mời các tỉnh trong chuỗi liên kết tham gia quảng bá, thu hút khách.

"Gia Lai với Bình Định rất gần nhau, nhưng mà với tình trạng giao thông như bây giờ thì chẳng khách du lịch nào muốn từ biển (Bình Định) lên rừng (Gia Lai) cả. Ngay như tôi ngày hôm nay xuống dự hội nghị mà còn sợ bị kẹt xe ngay đèo An Khê đây. Nói gì thì nói, du lịch muốn phát triển, yếu tố kết nối giao thông đồng bộ, thông suốt quan trọng lắm", ông Hạnh nói.

Vẻ đẹp nguyên sơ của vùng đất Kon Tum. Ảnh: Phan Tín

Vẻ đẹp nguyên sơ của vùng đất Kon Tum. Ảnh: Phan Tín

Bà Bạch Thị Mân – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Kon Tum cũng cho rằng du lịch Kon Tum ở dạng tiềm năng chưa khai thác hết. Trong chuỗi liên kết, ngoài việc tạo dựng sản phẩm đặc trưng riêng cho du khách để làm nổi bật, quảng bá được hình ảnh của địa phương thì kiến tạo một sản phẩm mà có thể phù hợp trong chuỗi liên kết tour, tuyến 6 tỉnh cần thiết.

Bên cạnh các nhà quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch của 6 tỉnh đã có nhiều trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp… để xây dựng được sản phẩm du lịch hấp dẫn cho 6 tỉnh.

Năm 2022, 6 tỉnh đã ký Biên bản thỏa thuận, hợp tác phát triển du lịch gồm: Bình Định - Đắk Lắk - Gia Lai - Quảng Ngãi - Kon Tum - Phú Yên giai đoạn 2022 – 2027. Năm 2024, tỉnh Bình Định là nhóm trưởng. Tại hội nghị chiều 20/12, ông Trần Văn Thanh- Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định đã trao cờ trưởng nhóm cho lãnh đạo của Sở VH-TT&DL tỉnh Đắc Lắk năm 2025.

Nguyễn Thị Thu Dịu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lien-ket-phat-trien-du-lich-6-tinh-duyen-hai-nam-trung-bo-va-tay-nguyen-204241220190314196.htm
Zalo