Liên kết du lịch giữa Đắk Lắk và các địa phương: Câu chuyện 'Chuyển hóa du lịch' từ rừng xuống biển, từ đô thị đến biên cương

Ngành Du lịch Đắk Lắk mới đây đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá 5 năm triển khai liên kết phát triển du lịch cùng 17 tỉnh thành trong cả nước. Đây là lần đầu tiên, một địa phương nhìn lại thực trạng và đặt vấn đề định hướng tiếp phương diện xúc tiến đầu tư vào du lịch, ngành kinh tế được xem là mũi nhọn của nhiều tỉnh thành.

Đắk Lắk có điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng

Đắk Lắk có điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng

Đây là một sáng kiến hành động do địa phương khởi xướng, và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương liên kết. Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, sáng kiến liên kết phát triển, du lịch địa phương đã nhận được hưởng ứng và kết nối tích cực từ các tỉnh, thành phố như: Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh…

“Chuyển hóa du lịch” từ rừng xuống biển, từ đô thị đến biên cương

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, từ năm 2019 – 2024, địa phương này đã tiến hành ký kết hợp tác phát triển du lịch với 17 tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, và Bà Rịa – Vũng Tàu…

Đây thực sự là một nỗ lực rất lớn của ngành Du lịch địa phương này trong mục tiêu ngày càng đa dạng hóa năng lực tổ chức, hoạt động, thu hút thành công du khách trong và ngoài nước, lan tỏa những giá trị văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh đất và người…

Theo ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VHTTDL Đắk Lắk), công tác kết nối, hợp tác nghiên cứu cùng tổ chức những hoạt động, sự kiện quảng bá du lịch, thông tin văn hóa… giữa các địa phương, đều nhận được phản hồi tích cực từ các tỉnh thành hợp tác. Đã có nhiều hoạt động liên kết tổ chức, kết nối, thí điểm đưa các đoàn khách giao lưu, khám phá, tham gia các sự kiện, lễ hội giữa các địa phương, đã được thực hiện trong thời gian qua.

Vấn đề cùng phát huy vai trò các điểm đến hấp dẫn hơn giữa Đắk Lắk và các địa phương đã được bồi đắp. Nhất là câu chuyện “chuyển hóa du lịch” từ rừng xuống biển, từ đô thị đến biên cương… được các tỉnh thành quan tâm, nhằm đa dạng hóa thành công các điểm đến, các sản phẩm du lịch đặc hữu ở từng địa phương…

Tuy nhiên, do mới trải qua một thời gian ngắn, nên hoạt động liên kết, hợp tác vẫn chưa đạt các tiêu chí bền vững, chưa duy trì tốt các cơ chế đã thỏa thuận, như về xây dựng tour, tuyến du lịch gắn với các sự kiện địa phương; một số địa phương chưa tích cực tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch ở từng khu vực liên kết.

Các tỉnh thành chưa có được chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch chung ở các hội nghị, hội thảo chuyên đề, hướng đến các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước. Công tác quảng bá, xúc tiến vẫn hạn chế, chưa tạo được hình ảnh chung về du lịch các địa phương để quảng bá truyền thông. Vai trò các doanh nghiệp đầu tư tại các chương trình liên kết chưa được thể hiện đặc sắc, khiến việc tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch chung giữa các địa phương chưa mạnh mẽ.

Giải quyết 4 vấn đề trong liên kết

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk chia sẻ, qua thực tế 5 năm hợp tác nghiên cứu, tinh thần liên kết giữa các tỉnh, thành phố đã được bồi dưỡng tốt hơn. Nhiều hoạt động du lịch mới đã triển khai, vượt qua những rào cản như cách trở địa lý, hạn chế về hạ tầng, khác biệt khí hậu… Để tiếp tục phát huy tốt tinh thần phát triển này, Đắk Lắk và các tỉnh, thành phố liên kết đang cùng xem xét, giải quyết bốn lưu ý lớn.

Hình minh họa

Hình minh họa

Đó là cần tăng cường, hiệu quả hơn nữa các hoạt động đồng hành, kết nối quảng bá bên nhau, cùng triển khai những “thương hiệu chung” khi tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, các tỉnh, thành phố công khai minh bạch, cùng nhau trao đổi các thông tin về thực tiễn du lịch, định hướng quy hoạch và kêu gọi đầu tư, cùng sẻ chia những kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về phát triển du lịch, giải quyết những vướng mắc trong thanh kiểm tra, tư vấn, hợp tác quốc tế... Điều này sẽ giúp ngành du lịch các địa phương tăng cường được mối liên hệ giữa các cấp, các ngành quản lý kinh tế xã hội khác, đốc thúc kêu gọi đầu tư hiệu quả hơn vào các sản phẩm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa…

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố phải mạnh dạn cùng xây dựng những nhóm sản phẩm du lịch liên kết phù hợp, vừa làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương vừa tạo cơ hội liên hoàn khai thác du lịch, thu hút du khách. Cần tạo điều kiện và vận động các doanh nghiệp du lịch xây dựng những tour, tuyến, điểm đến hấp dẫn, tạo sức mạnh khai thác hiệu quả các dòng khách giữa các địa phương liên kết. Ý tưởng về những mô hình “từ rừng xuống biển”, “từ đô thị lên núi cao” cần được khai thác và tổ chức hiệu quả, thiết thực.

Cuối cùng, các tỉnh, thành phố cần tăng cường liên kết đào tạo, trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch lẫn nhau, xây dựng những đội ngũ nhân lực quản lý, điều hành, hướng dẫn viên chất lượng, từ trong các đơn vị quản lý đến các cơ sở du lịch, điểm đến đầu tư… để cùng tạo sức mạnh con người du lịch chung./.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/lien-ket-du-lich-giua-dak-lak-va-cac-dia-phuong-cau-chuyen-chuyen-hoa-du-lich-tu-rung-xuong-bien-tu-do-thi-den-bien-cuong-20241121094634867.htm
Zalo