Liên kết doanh nghiệp để tiếp cận vốn tín dụng

Theo số liệu thống kê, để có thể đạt 1 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế (GDP) sẽ cần trung bình hơn 2 điểm phần trăm tăng trưởng tín dụng. Điều này cho thấy vốn ngân hàng có vai trò cực kỳ quan trọng, được ví như huyết mạch của nền kinh tế. Thế nhưng, trên thực tế, việc tiếp cận vốn đối với từng khu vực doanh nghiệp (DN) lại đang có sự khác biệt.

Đặc biệt, với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), dù chiếm tỷ trọng gần 98% tổng số DN, nhưng chỉ có tổng nguồn vốn 16,6 triệu tỷ đồng, chiếm chưa đến 30% tổng nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn bộ khu vực DN.

Bởi vậy, câu chuyện về vốn luôn là nỗi “canh cánh” của khối DNNVV. Làm thế nào để tháo gỡ vướng mắc, đưa vốn đến với khối DN “yếm thế” này? Ông Nguyễn Văn Thân – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đã có cuộc trao đổi với PV Báo Công an nhân dân về vấn đề này.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân.

Tháo nút thắt từ chính doanh nghiệp, ngân hàng

PV: Thưa ông, là Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, ông có thể chỉ ra những khó khăn nào đang gây vướng mắc lớn nhất cho quá trình tiếp cận vốn ngân hàng của DN?

Ông Nguyễn Văn Thân: Thực ra mâu thuẫn giữa DN và ngân hàng từ trước đến nay luôn là về lãi suất. Ngân hàng thì muốn cho vay cao để tăng lợi nhuận trong khi DN thì chỉ muốn vay thấp để giảm chi phí.

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay đã liên tục giảm. Bên cạnh đó, nhiều nhóm DN, trong đó khối DNNVV là một trong các đối tượng được vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, nên lãi suất dù chưa thực sự đạt như mong muốn của DN, song về cơ bản đã tương đối hài hòa.

Ngoài ra, các thủ tục hành chính, các điều kiện vay vốn cũng đã được ngành ngân hàng đơn giản hóa, áp dụng công nghệ trong quá trình giải ngân khoản vay… Lúc này, vướng mắc lớn nhất của DN khi vay vốn chính là tài sản thế chấp. Hiện nay, các ngân hàng thương mại có xu hướng tập trung cho vay DN lớn, bởi áp lực doanh thu và yêu cầu kiểm soát rủi ro là rất lớn. Chỉ khoảng 30 - 35% DNNVV có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng do hạn chế về tài sản thế chấp.

P.V: Như ông nói, ngân hàng cũng chịu áp lực doanh thu và yêu cầu kiểm soát rủi ro, nên việc đòi hỏi tài sản đảm bảo là điều tất yếu. Có lẽ, nút thắt này phải tháo từ chính DN?

Ông Nguyễn Văn Thân: Chắc chắn rồi, DN cần phải nghĩ đến việc đảm bảo như thế nào để ngân hàng yên tâm cho vay. Ngân hàng cũng là DN, họ phải chịu trách nhiệm với từng đồng vốn cho vay, vì tiền cho vay là huy động phần lớn từ dân cư.

Bởi vậy, để tiếp cận vốn vay, thứ nhất, DN cần xác định rõ mục đích vay để đảm bảo dòng vốn được sử dụng hiệu quả. Lãi suất vay không phải lúc nào cũng là yếu tố quyết định. Có những DN dù có lợi nhuận cao vẫn vay thêm để mở rộng, trong khi một số khác dù lãi suất thấp vẫn không vay vì chưa biết cách tận dụng nguồn vốn hiệu quả.

Theo tôi, để thực sự nâng cao khả năng tiếp cận vốn, bản thân DN phải chủ động nâng cao năng lực bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường liên kết với nhau. Cùng với đó, DNNVV cần xây dựng báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập để tạo niềm tin với ngân hàng, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh đồng bộ với các kế hoạch tác nghiệp khác và phương án sử dụng vốn hiệu quả để thuyết phục ngân hàng.

Phát triển, đa dạng hóa thị trường vốn cho doanh nghiệp.

Phát triển, đa dạng hóa thị trường vốn cho doanh nghiệp.

Còn về tài sản thế chấp, việc có tài sản đảm bảo phù hợp sẽ giúp DN dễ dàng tiếp cận các khoản vay với điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thiếu tài sản thế chấp vẫn là trở ngại lớn nhất khiến DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng. Một số ngân hàng áp dụng hình thức cho vay dựa trên tài sản hình thành trong tương lai, song triển khai còn rất hạn chế, kiểu rất “nhỏ giọt”.

P.V: Nâng cao uy tín, nâng cao khả năng quản trị, công nghệ minh bạch báo cáo tài chính… đúng là yếu tố quan trọng, không phải chỉ để vay vốn, mà còn là cơ hội để DN phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, quay trở lại vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng, một bàn tay không thể vỗ nên tiếng. Cái DN cần phải nhiều hơn, có lẽ bắt đầu từ chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN và từ chính hành động của các tổ chức tín dụng, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thân: Có thể thấy chưa thời điểm nào, DN nói chung, DN tư nhân cũng như khối DNNVV được Chính phủ quan tâm nhiều như hiện nay. Hàng loạt chủ trương, chính sách, các chỉ thị của Chính phủ được đưa ra nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, rào cản từ Luật cho đến văn bản dưới luật về các chính sách tài khóa, các thủ tục hành chính. Riêng về vốn, Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thiết kế các sản phẩm tín dụng phù hợp cho DN… Tuy nhiên, với vướng mắc hiện nay, Hiệp hội DNNVV đề xuất Chính phủ khuyến khích hệ thống các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hình thức cho vay thế chấp dựa trên tài sản hình thành trong tương lai.

Ở cấp thứ 2, hiện NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN. Bởi vậy, theo tôi, điều quan trọng là sự thực hiện từ phía các ngân hàng thương mại. Như tôi đã trao đổi, có hiện tượng là các nhà băng đang tập trung cho vay DN lớn. Tất nhiên, chúng ta đều hiểu ngân hàng cũng là DN, họ phải chịu trách nhiệm với đồng vốn cho vay của mình.

Bởi vậy, ngân hàng với DN cần ngồi với nhau để tím hướng “gỡ”. Ngân hàng cần xây dựng các gói tín dụng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của DNNVV như: khoản vay tín chấp dựa trên dòng tiền kinh doanh, khoản vay theo hợp đồng đầu ra hoặc khoản vay dựa trên tài sản hình thành từ vốn vay. Ngoài ra, cần mở rộng mô hình đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu giao dịch thực tế của DN, thay vì chỉ tập trung vào tài sản đảm bảo. Ngân hàng cần linh hoạt hơn trong xét duyệt, phát triển sản phẩm tài chính "may đo" phù hợp hơn với DN. Ngân hàng phải xác định DN là đối tác sống còn của mình, đặt DN “ngang vai” với ngân hàng thì mới có thể hợp tác hai bên cùng có lợi.

Áp “KPI” cho ngân hàng, địa phương

P.V: Theo ông, có cần một cơ chế đặc thù nào cho DNNVV trong vay vốn hay không? Và những giải pháp cụ thể để hỗ trợ DN?

Ông Nguyễn Văn Thân: Về tín dụng ưu đãi theo ngành nghề, hiện NHNN cũng đã có chủ trương ưu đã lãi suất cho 6 nhóm DN ưu tiên gồm DNNVV; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghệ hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao. Mới đây, để phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư vào nền tảng AI, DN còn đề xuất có gói vay ưu đãi 0% lãi suất cho lĩnh vực này, đổi lại, DN sẽ “trả” lại ngân sách bằng thuế thu nhập DN. Đề xuất này đã được lãnh đạo NHNN ghi nhận và cho biết sẽ nghiên cứu.

Tuy nhiên, theo tôi, NHNN có lẽ nên có một chỉ tiêu nhất định cho các tổ chức tín dụng, ví dụ phải dành bao nhiêu % vốn tín dụng cho khối DNNVV. Khi có chỉ tiêu, các ngân hàng sẽ phải tìm cách tháo gỡ để giải ngân vốn cho DN, tránh tình trạng gặp khó là “rụt” thì mọi chủ trương đều chỉ là hình thức.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần “khoán” cho các địa phương hỗ trợ DN bằng cách giao chỉ tiêu về số lượng phát triển DN. Sau khi nhận “khoán”, các địa phương sẽ phải tìm mọi cách tạo cơ chế cho DN phát triển, ngoài động viên, phải tìm cách đẩy và kéo các hộ kinh doanh “lớn” thành DN. Trong guồng quay này, tất nhiên có câu chuyện vốn để hỗ trợ DN. Như thế, mục tiêu 2 triệu DN đến năm 2030 mới có thể đạt được.

Song song với đó, ngoài Hiệp hội DNNVV, còn hàng trăm hiệp hội ngành nghề khác, đều có chung nguyện vọng được giao nhiệm vụ cụ thể, không để các hiệp hội tự phát. Ví dụ như được tham gia theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, và các chương trình, kế hoạch phát triển của Nhà nước liên quan đến kinh tế tư nhân nói chung và DNNVV nói riêng; tham gia vào Hội đồng quản lý của các quỹ hỗ trợ Nhà nước liên quan đến DNNVV; thực hiện cung cấp một số dịch vụ công…

P.V: Vậy vai trò của Hiệp hội DNNVV thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thân: DN hãy cùng liên kết, sát cánh để tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Chúng tôi kêu gọi rất nhiều, DN có thể tổng hợp sơ lược hồ sơ, Hiệp hội sẽ giới thiệu cho các DN, ngân hàng cũng sẽ yên tâm hơn trong việc cấp tín dụng. Nếu DN tự “lọ mọ” đi vay, khi không đủ điều kiện, ngân hàng khó cho vay.

Bởi vậy, DNNVV muốn vay cần tập trung vào liên kết thành một địa chỉ, thông qua Hiệp hội để giới thiệu các DN có nhu cầu vay vốn tới ngân hàng. Điều này mang lợi ích về mặt thời gian. Các ngân hàng cho vay cũng yên tâm hơn rất nhiều. Có rất nhiều các phương án để DN huy động vốn, ngoài ngân hàng thì còn các quỹ… Nhưng vẫn cần tạo điều kiện cho các DNNVV dễ tiếp cận hơn so với đi vay ở ngân hàng.

P.V: Vâng, nhưng dù sao, vốn ngân hàng vẫn chủ yếu là vốn ngắn hạn. Về trung và dài hạn, cần phát triển thị trường vốn khác để hỗ trợ DN, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thân: Đúng vậy, hiện nay, DNNVV vẫn đang lệ thuộc lớn vào vốn ngân hàng, nhất là khi cơ chế trên thị trường vốn còn bất cập. Không còn cách nào khác, DN phải tự nâng mình bằng khoa học công nghệ, phải liên kết với nhau.

Bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng, các DN cũng có thể huy động nguồn vốn vay từ các quỹ, các tổ chức quốc tế ở trong và ngoài nước. Chính phủ và các tổ chức tài chính cần tăng cường vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, mở rộng phạm vi bảo lãnh để giúp nhiều DNNVV tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Đồng thời, cần cải tiến quy trình bảo lãnh để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả, giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí khi tiếp cận vốn.

Quỹ đã hỗ trợ, tức là phải chấp nhận rủi ro, mạnh dạn bảo lãnh cho vay. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các mô hình tài chính thay thế để mở rộng kênh huy động vốn như thuê tài chính, tín dụng chuỗi cung ứng bằng cách các DN có thể vay dựa trên hợp đồng đầu vào, đầu ra, giúp họ duy trì hoạt động sản xuất mà không cần tài sản thế chấp; gọi vốn cộng đồng; cho vay ngang hàng; kết nối trực tiếp nhà đầu tư và DN, giảm bớt các yêu cầu khắt khe của ngân hàng và giúp DNNVV tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần phát triển thị trường vốn khác như chứng khoán, trái phiếu DN…

P.V: Xin cảm ơn ông!

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/lien-ket-doanh-nghiep-de-tiep-can-von-tin-dung-i764256/
Zalo