Liên kết '7 nhà' trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn
Nông nghiệp tuần hoàn mang đến lợi ích không thể phủ nhận, nhưng đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan và đặt người nông dân vào trung tâm.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường.
Tư duy kinh tế tuần hoàn không chỉ là một chiến lược sản xuất nông nghiệp, mà còn là một triết lý quản lý tối ưu hóa tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Với mục tiêu giảm thiểu lãng phí và tối đa hóa giá trị các nguồn lực đa dạng, tư duy tuần hoàn không chỉ mang đến lợi ích kinh tế, đem lại thu nhập tăng thêm cho người nông dân, mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại.
Đồng quan điểm, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP T&T 159, nhận định, trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Việc triển khai kinh tế tuần hoàn sẽ là một trong những động lực giúp ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang mô hình phát triển hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Thắng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 60% dân số sống ở khu vực nông thôn và nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chủ lực. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn dựa nhiều vào mô hình truyền thống, khai thác tài nguyên theo chiều rộng, phát thải lớn và dễ bị tổn thương trước tác động môi trường. Trong khi đó, nông nghiệp tuần hoàn vận hành theo chu trình khép kín, giúp tiết kiệm vật tư đầu vào, tái tạo tài nguyên tại chỗ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nước, giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi.
Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch ThaiBinh Seed, Việt Nam hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực. Trong ngành lúa gạo, có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa - cá - vịt ở ĐBSCL, giúp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và kiểm soát sâu bệnh sinh học; mô hình thu gom rơm rạ để trồng nấm, sản xuất phân hữu cơ, làm chất đốt thay thế nhiên liệu hóa thạch tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Mặc dù một số mô hình đã cho thấy lợi ích nhưng phần lớn các mô hình này còn mang tính tự phát, thiếu liên kết vùng, thiếu cơ chế hỗ trợ đồng bộ về vốn, kỹ thuật và đầu ra thị trường. Việc phát triển tuần hoàn vẫn còn rời rạc, chưa hình thành chuỗi khép kín từ giống, canh tác, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ và tái tạo tài nguyên .
Đáng chú ý, theo bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc CTCP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, để doanh nghiệp nông nghiệp không một mình trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững, trước hết cần hình thành rõ mô hình liên kết “7 nhà” thay vì “4 nhà” như trước đây.
Trong đó, bao gồm Nhà nước - quy hoạch vùng, đầu tư hạ tầng sản xuất và chế biến; nhà khoa học chuyển giao kỹ thuật hữu cơ - truy xuất [ đánh giá đất; nhà tổ chức sản xuất là doanh nghiệp, đầu mối đơn hàng – phân phối; nhà nông: sản xuất theo quy trình - minh bạch đầu ra.
Cùng với đó là nhà tiêu dùng - bán lẻ để tiêu thụ có trách nhiệm; ngân hàng: tín dụng xanh, dài hạn cho vùng chuyển đổi; truyền thông - giáo dục để kiến tạo tạo hành vi tiêu dùng minh bạch mô hình này đã và đang được áp dụng thực tiễn, giúp chuỗi tuần hoàn không bị đứt gãy, đảm bảo lợi ích công bằng giữa nông dân - doanh nghiệp - người tiêu dùng.
Bà Hiếu cũng đề xuất, cần có quy hoạch vùng nguyên liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, có đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình tập huấn và đào tạo nhân lực hiểu biết về nông nghiệp hữu cơ chuyên sâu, ngăn “chảy máu chất xám” và hỗ trợ vùng nguyên liệu có người giám sát đạt chuẩn lâu dài.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, cho rằng để mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thực sự phát huy hiệu quả, cần đặt khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào vị trí trung tâm.
Theo đó, vừa qua Chính phủ đã ban hành Quyết định số 540, phê duyệt đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Đây là một chính sách kịp thời, phản ánh đúng yêu cầu của thực tiễn. Tuy vậy, ông Ngọc cũng cho rằng vẫn còn một số khó khăn nhất định trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là ở khía cạnh chính sách. Một số quy định pháp luật liên quan hiện vẫn mang tính khái quát, cần được rà soát và điều chỉnh để phù hợp hơn với đặc thù của mô hình sản xuất tuần hoàn.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận trong quản lý vẫn chủ yếu dựa trên tư duy sản xuất tuyến tính, trong khi các mô hình mới lại đòi hỏi sự linh hoạt và tính mở cao hơn. Những “khoảng trống” này phần nào ảnh hưởng đến khả năng thử nghiệm, triển khai các giải pháp đổi mới sáng tạo trong thực tiễn.
Do đó, để xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho kinh tế tuần hoàn, trước hết phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất. Trên cơ sở đó, ông Ngọc đề xuất cho phép địa phương được tiếp cận khoa học công nghệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện xây dựng mô hình thử nghiệm.