Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam ứng phó với các thách thức mới
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis trả lời phỏng vấn về nội dung Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững giai đoạn 2022-2026 giữa Việt Nam và các cơ quan LHQ.
Được sự ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng với Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis, thay mặt Liên hợp quốc, đã ký Văn kiện Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững giai đoạn 2022-2026 giữa Chính phủ Việt Nam và các cơ quan thường trú, không thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững giai đoạn 2022-2026, là tài liệu chiến lược chủ chốt hướng dẫn và định hướng sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
Nhân dịp này, bà Pauline Tamesis đã có những chia sẻ với báo chí về các nội dung liên quan đến Khung chiến lược hợp tác mới với Chính phủ Việt Nam.
- Xin bà cho biết những nội dung chính của Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững giai đoạn 2022-2026 mới được ký kết?
Bà Pauline Tamesis: Có bốn kết quả phát triển ưu tiên mà chúng tôi đã xác định bao gồm: Phát triển xã hội bao trùm, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống chịu thiên tai và bền vững môi trường, chia sẻ thịnh vượng thông qua chuyển đổi kinh tế, quản trị và tiếp cận công lý.
Thông điệp mà tôi muốn tất cả các bạn biết về Khung chiến lược hợp tác là nỗ lực của tất cả chúng tôi để đảm bảo rằng Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu phát triển của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Trong cuộc gặp với tôi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mới, phức tạp và bất ổn. Vậy làm thế nào để chúng ta thích nghi và ứng phó với các vấn đề đó? Đây chính là mục đích của khuôn khổ hợp tác này, để chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tất cả các nhu cầu và cùng Việt Nam ứng phó hiệu quả nhất với những thách thức phát triển đang thay đổi nhanh chóng.
- Vậy theo bà, Khung chiến lược hợp tác này sẽ giúp tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc như thế nào?
Bà Pauline Tamesis: Buổi lễ ký Văn kiện vừa mới diễn ra là một biểu tượng của sự hợp tác Liên hợp quốc-Việt Nam. Điều chúng tôi mong muốn là thông qua lễ ký kết này, Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc cam kết cùng nhau tăng cường đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác hiệu quả. Tuy vậy, đây mới chỉ là điểm khởi đầu.
Chúng ta có toàn bộ thời gian còn lại trong năm nay và các năm tiếp theo để làm việc cùng nhau, nhưng điều quan trọng hơn là tất cả chúng ta phải hành động cùng nhau trong mối quan hệ đối tác hiệu quả này, giữa bối cảnh có vô vàn các thách thức trên thế giới và trong khu vực. Và chúng ta cần đưa ra những kết quả cụ thể để Chính phủ và nhân dân Việt Nam thấy được hiệu quả của quan hệ đối tác này.
- Bà mới đảm nhận vị trí Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Bà có thể chia sẻ những ưu tiên của mình trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam?
Bà Pauline Tamesis: Các ưu tiên của tôi chắc chắn chính là các ưu tiên đã được đề ra trong Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững. Có thể tóm lược thêm một số ưu tiên sau: Đầu tiên và quan trọng nhất, là phải đảm bảo rằng Liên hợp quốc có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hiệu quả nhất trong thực hiện các cam kết đối với SDG, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Con người là trung tâm quan trọng và con người chính là yếu tố thúc đẩy sự tiến bộ đối với SDG. Thế hệ trẻ là tương lai của Việt Nam, và Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ rất nhiều tiềm năng. Họ đang và sẽ là những doanh nhân, quan chức Chính phủ, các nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam. Giao lưu với những người trẻ tuổi, lắng nghe quan điểm và nguyện vọng của họ và nghe những giải pháp cho sự phát triển của đất nước thực sự là điều quan trọng nhất đối với tôi.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, sự đổi mới, tri thức, tầm nhìn xa là chìa khóa để chúng ta hướng đến một thế giới đầy biến động. Vì vậy, nếu chúng ta không có tri thức, không có khát vọng đổi mới, chúng ta không thể vượt qua những thách thức phát triển ngày càng phức tạp.
Với những ý nghĩa đó, ưu tiên của tôi trong nhiệm kỳ công tác chính là các nội dung về quyền con người, bình đẳng giới, thanh niên và đổi mới.
- Bà có mong đợi kết quả gì ở Khung chiến lược hợp tác ?
Bà Pauline Tamesis: Tôi nghĩ chúng ta đều muốn thấy một cộng đồng các bên liên quan được trao quyền nhiều hơn, không chỉ dừng lại ở những cam kết mà còn cả hành động để đảm bảo rằng không có nhóm dễ bị tổn thương, không có cộng đồng thiệt thòi nào bị bỏ lại phía sau trong sự thịnh vượng mà Việt Nam đang hướng tới.
- Bà đánh giá thế nào về cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao đời sống người dân?
Bà Pauline Tamesis: Thước đo cam kết đầu tiên của Chính phủ luôn nằm trong các chính sách được ban hành. Các chính sách lấy con người làm trung tâm, các chính sách bảo vệ và đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất không bị bỏ lại phía sau.
Thứ hai là ở cách các chính sách này được cụ thể hóa thành đầu tư của Chính phủ trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội.
Và thứ ba là sự tham gia của Chính phủ trong việc tiếp cận với người dân trong tham vấn, hợp tác với nhiều cộng đồng để có thể mang lại sự phát triển và tôi biết điều này đang diễn ra, đặc biệt rất mạnh mẽ ở cấp tỉnh. Vì vậy, chúng tôi rất vui khi biết rằng công việc của chúng tôi đang thực sự tiến triển rất tốt đẹp.
- Bà có đánh giá thế nào về triển vọng của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới?
Bà Pauline Tamesis: Tôi cho rằng Việt Nam có thành tích rất tốt trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và đạt được nhiều chỉ tiêu của phát triển bền vững. Tuy nhiên, có rất nhiều cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng không chỉ với Việt Nam, mà còn cả thế giới.
Vì vậy, rất nhiều nguồn lực mà lẽ ra dành cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững giờ đây đã được chuyển một phần cho những trường hợp khẩn cấp hơn. Nhưng, điều này lại cho phép xây dựng các hệ thống cần thiết để thúc đẩy việc thực hiện SDG.
Đó là lý do tại sao tôi nói khủng hoảng là cơ hội để xây dựng và chuyển đổi hệ thống tốt hơn, đồng thời cũng là dịp để chúng ta có thể đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển của đất nước.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!