Liên doanh nhà đầu tư ngoại muốn đầu tư dự án xử lý nước thải

Hiện nay, tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều thiếu hạ tầng xử lý nước thải. Mới đây, một liên danh nhà đầu tư đã đề xuất làm các dự án xử lý nước thải ở 2 thành phố là Biên Hòa và Long Khánh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi kiểm tra việc xử lý thoát nước tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi kiểm tra việc xử lý thoát nước tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc

Nếu làm được, đây sẽ là những dự án giúp các địa phương “trả nợ” tiêu chí đô thị, cải thiện chất lượng môi trường.

Chỉ 1/11 đô thị có hệ thống xử lý nước thải

Nhiều năm nay, các đô thị trên địa bàn tỉnh thiếu hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung. Toàn bộ nước thải từ các hoạt động như: sinh hoạt của hộ gia đình, sản xuất và kinh doanh nhỏ đều xả trực tiếp xuống đất hoặc ra sông, suối cùng với hệ thống thoát nước mưa. Việc này dẫn đến gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ở sông, suối; ngập nước ở đô thị.

Trước thực tế này, tháng 7-2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định là trên 30% đối với đô thị loại II trở lên và 10% đối với các đô thị còn lại. Đến năm 2030, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định là trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các đô thị còn lại. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện đạt rất thấp.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 1/11 đô thị (thành phố Biên Hòa) có nhà máy xử lý nước thải tập trung hoạt động từ năm 2018. Dự án này có quy mô công suất 9,5 ngàn m3/ngày đêm nhưng mới đầu tư được công suất 3 ngàn m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, nhà máy chưa có tuyến thu gom nước thải từ các hộ dân nên chỉ hút nước suối Săn Máu lên xử lý. Do vậy, thành phố Biên Hòa còn rất xa mục tiêu 30% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn vào năm 2025.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 dự án xử lý nước thải ưu tiên. Trong đó thành phố Biên Hòa có 3 dự án; các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch và thành phố Long Khánh mỗi địa phương có 1 dự án.

Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng, nhu cầu đầu tư mạng lưới thu gom và hệ thống xử lý nước thải tại các đô lớn như: Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành đang rất bức thiết. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh và các địa phương đã xác định 7 dự án ưu tiên nhưng tiến độ triển khai rất chậm.

Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đỗ Bảo Nam cho biết, tiến độ triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị do ban làm chủ đầu tư đang chậm so với kế hoạch. Cụ thể, cả 4 dự án ưu tiên ở 2 thành phố và 2 huyện là: Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thị trấn Trảng Bom, thị trấn Long Thành; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thành phố Long Khánh, giai đoạn 1; Tuyến thu gom về Trạm Xử lý nước thải số 1 phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa đều đang ở bước lập dự án đầu tư. Các đô thị còn lại chưa có chủ trương đầu tư dự án.

Nhà đầu tư ngoại quan tâm 3 dự án

Thiếu hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung là thực trạng chung của 11 đô thị trên địa bàn tỉnh. Hiện một số đô thị đã có dự án nhưng các dự án này cần nguồn vốn lớn, trong khi ngân sách tỉnh và địa phương hạn chế, vốn vay gặp nhiều khó khăn, kêu gọi xã hội hóa không được vì loại hình dự án này lợi nhuận thấp.

Phó trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Long Khánh Nguyễn Trần Phi cho biết, nhiều năm nay, thành phố có dự án xử lý nước thải đô thị nhưng chưa triển khai được. Theo tờ trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của địa phương gửi UBND tỉnh tháng 5-2024, dự án này có công suất 11 ngàn m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư hơn 1,4 ngàn tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và triển khai trong giai đoạn từ năm 2024-2027.

Nhà máy xử lý nước thải đô thị duy nhất của tỉnh tại phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc

Nhà máy xử lý nước thải đô thị duy nhất của tỉnh tại phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc

“Thành phố Long Khánh được định hướng trở thành đô thị xanh, hiện đại nên rất cần dự án này. Tuy nhiên, dự án chưa được phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương nên chưa thể triển khai các công tác tiếp theo” - ông Phi cho hay.

Vừa qua, liên doanh Tập đoàn Ion Exchange (Ấn Độ) - Tập đoàn Khang Nam đã đề xuất triển khai 2 dự án xử lý nước thải tại thành phố Biên Hòa và 1 dự án tại thành phố Long Khánh.

Ông Nguyễn Phi Long, Tổng giám đốc liên doanh 2 tập đoàn nói trên, cho biết qua nghiên cứu các dự án tỉnh ưu tiên đầu tư và Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, liên danh đề xuất thực hiện 3 dự án ở 2 thành phố. Các dự án này sử dụng thiết bị, giải pháp công nghệ xử lý nước thải tân tiến đến từ Tập đoàn Ion Exchange có kinh nghiệm 60 năm trong lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, liên danh đã tham gia thực hiện các dự án cấp nước và xử lý nước thải, trong đó có cả xử lý nước thải công nghiệp với những ngành nghề có độ khó cao như: thép, nhiệt điện, lọc hóa dầu, dệt nhuộm; xử lý nước thải đô thị đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Phan Trung Hưng Hà cho rằng, các đô thị trên địa bàn tỉnh hiện đều thiếu hạ tầng xử lý nước thải. Một số địa phương đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhưng chưa được phê duyệt, do còn vướng mắc về công nghệ xử lý, nguồn vốn, mặt bằng. Cả 3 dự án liên danh đề xuất đều rất bức thiết với tỉnh. Để có đủ cơ sở tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và đầu tư đã đề nghị liên danh nhà thầu làm rõ dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư hay theo đầu tư công; nguồn vốn ngân sách, vốn vay hay vốn doanh nghiệp…

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/lien-doanh-nha-dau-tu-ngoai-muon-dau-tu-du-an-xu-ly-nuoc-thai-60803ad/
Zalo