Liêm, chính trong hội thảo, Hậu 'Pháo' ở ngoài đời

Mấy năm trong công cuộc 'đốt lò', xảy ra bao chuyện bi hài. Không ít vị lãnh đạo mới hôm qua còn 'lên lớp' khuyên răn cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ phải trọng chữ đức, phải liêm, chính, không tham ô, tham nhũng, không suy thoái, vậy mà hôm sau bị khui lộ biết bao chuyện giật mình. Trong hội thảo, hội nghị, những bài học về giáo dục đạo đức, liêm, chính vẫn diễn ra đều đặn, người học vẫn mải miết học, người dạy say sưa dạy, nhưng ngoài đời dường như nhiều người lại coi việc dạy và làm là hai phạm trù tách biệt nhau.

Hôm bà Hoàng Thị Thúy Lan (nữ cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) dính vào vòng tố tụng với những chứng cứ nhận hối lộ hàng triệu USD được công bố, tôi đọc trên một diễn đàn thấy có bạn vào "còm" với câu hỏi bỏ ngỏ: "Ủa kìa, dạo nọ mình mới thấy bà ý đứng trên bục nói rất hay về sống trung thực, lý tưởng, chống tham lam, vụ lợi, cả trăm thanh niên dán mắt hóng nghe. Thế mà, giờ như này là như nào". Vào "còm dạo" ở đoạn này, nhiều nick bày tỏ bất ngờ, không tin đó lại là sự thật. Song, cũng có nick tỏ ra có kinh nghiệm hơn, nói rằng chuyện đó "thường ngày quen rồi, chỉ là hôm nay mới bị lộ thôi"...

Thấy anh em thanh niên bàn tán rôm rả trên mạng như thế, tôi cũng "dò" xem sự thể nó ra làm sao để mình còn biết mà hóng chuyện. Và rồi, "dò" thế nào lại vào đúng cái bài phát biểu phải nói rất là hay của bà Thúy Lan khi đương nhiệm Bí thư Tỉnh ủy. Hôm đó bà đến dự Đại hội Đoàn Thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2022-2027 (ngày 29/9/2022). Đại hội Đoàn cấp tỉnh, có người đứng đầu Tỉnh ủy đến dự và phát biểu thì vinh dự là phải rồi, đương nhiên bài phát biểu ở sự kiện như thế phải thật chuẩn chỉ. Bà Lan đề nghị nhiệm kỳ mới, tổ chức Đoàn phải thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa để mỗi thanh niên cần có một lý tưởng sống, sống đẹp trong cuộc đời.

Một số bị can trong vụ án Hậu "Pháo".

Một số bị can trong vụ án Hậu "Pháo".

"Trong giai đoạn hiện nay đó là tinh thần yêu nước, yêu quê hương Vĩnh Phúc, là khát vọng chinh phục đỉnh cao của khoa học công nghệ, đỉnh cao của tri thức, cống hiến cho đất nước, cho quê hương và có cuộc sống ổn định cho bản thân, cho gia đình; là khởi nghiệp, làm giàu chính đáng trên quê hương" - báo chí trích lại phát biểu của nữ Bí thư Tỉnh ủy.

Một cuộc họp khác, sáng 1/2/2024, bà Thúy Lan tới dự sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 2/2024 tại thôn Đinh Xá 1, Đảng bộ xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Tại đây, bà Lan đề nghị chi bộ tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý đảng viên, nhất là đảng viên đi làm ăn xa để mỗi đảng viên là tấm gương sáng cho quần chúng, nhân dân noi theo. "Nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ bắt đầu từ cấp ủy, Bí thư chi bộ phải luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua, dám nghĩ, dám làm; tránh tình trạng tổ chức các buổi sinh hoạt qua loa, chiếu lệ" - bà Lan đề nghị.

Ngôn từ hay thế, nhưng mà thấy báo chí trích lại câu cú chuẩn chỉ, lại ngắt câu bằng những chỗ chấm, phẩy thì tôi nghĩ hẳn đây là bài phát biểu bằng văn bản, có bộ phận chuẩn bị kỹ trước chứ không phải "nói vo". Tuy nhiên, phát biểu bằng văn bản hay nói vo thì bài đó cũng là của cá nhân rồi, mang tính chỉ đạo của người đứng đầu Tỉnh ủy. Thế nên, cái chỗ "làm giàu chính đáng trên quê hương" mới khiến các bạn trẻ cảm thấy không biết phải nghĩ thế nào khi chính bà lại làm giàu bằng cái cách rất độc đáo như vậy, như chuyện giơ ngón trỏ ra hiệu thì ngay lập tức, Nguyễn Văn Hậu (Hậu “Pháo”) mang ngay đến thùng chứa 1 triệu USD! Hẳn là ngày đó bà cũng không hình dung lại có ngày hôm nay, ngày mà mình phải ngồi trong 4 bức tường bê tông của trại tạm giam để chờ sự phán xét của luật pháp.

Chuyện giáo huấn một đằng, sau lại bị khui ra sự thật một nẻo thực ra không hề lạ trong mấy năm qua, khi nhiều người giữ vị trí lãnh đạo cấp cao ở các bộ, ngành, địa phương bị "vào lò". Còn nhớ, năm 2016, ông Trương Minh Tuấn (khi đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) từng chủ biên cuốn sách "Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay". Tuy nhiên, sau đó ông Tuấn đã bị truy tố 2 tội danh "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ". Khi rơi vào vòng tố tụng, có bài báo từng đặt vấn đề liệu có nên thu hồi cuốn sách bởi sự phản cảm nếu tiếp tục lưu hành? Tuy nhiên, những ý kiến được hỏi cho rằng không cần thiết phải thu hồi và hiện pháp luật cũng chưa quy định trong trường hợp này phải thu hồi, trừ khi nội dung cuốn sách sai phạm.

Những vụ án đưa và nhận hối lộ liên quan các tập đoàn với lãnh đạo bộ, ngành, địa phương gần đây đang cho thấy, chuyện tham nhũng, hối lộ không còn là sự đơn lẻ, cá biệt mà đang hình thành như một thông lệ, một thói quen, hay là một nguyên tắc kiểu "luật bất thành văn". Nghĩa là doanh nghiệp muốn được dự án, được làm ăn, thi công tại địa bàn thì tất yếu phải lo lót, gói ghém để quà cáp cho các vị lãnh đạo của tỉnh và bộ, sở, ngành có liên quan. Cho nên, việc ăn hối lộ cũng mang tính dây chuyền và theo hệ bậc thang, doanh nghiệp phải tính toán chia quà theo vị trí quyền lực như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch phụ trách, rồi đến Giám đốc, Phó Giám đốc sở trực tiếp quản lý, sau cùng là các "râu ria" có liên quan, mà con số này cũng không hề ít.

Việc nhận hối lộ tạo thành "lệ làng" nên không phải cứ đưa một lần là xong mà doanh nghiệp phải thường xuyên qua lại thăm hỏi, trao quà vào các dịp lễ, tết, sinh nhật, hay đơn giản là "khi sếp cần". Như trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, VKSND Tối cao đã truy tố 41 bị can, trong đó hành vi đưa, nhận hối lộ liên quan nhiều quan chức ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Vĩnh Long. Nguyễn Văn Hậu lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với các cá nhân có chức vụ, quyền hạn để tạo điều kiện cho các công ty thuộc hệ sinh thái Phúc Sơn trúng thầu, thực hiện các dự án, gói thầu.

Để được thực hiện dự án, gói thầu tại các tỉnh trên, Nguyễn Văn Hậu đã đưa hối lộ hơn 132 tỉ đồng. Trong đó, cựu Bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhận 25 tỷ đồng và 1 triệu USD, bị can Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) nhận 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD... Hành vi của Nguyễn Văn Hậu và các đồng phạm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước với số tiền hơn 1.168 tỷ đồng.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, bị can Đặng Văn Minh (cựu Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, sau này là Chủ tịch UBND tỉnh) bị truy tố tội "Nhận hối lộ" cùng bị can Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh), bị can Lê Viết Chữ (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh).

Theo cáo trạng, cuối năm 2011, Nguyễn Văn Hậu thông qua các mối quan hệ gặp các ông Cao Khoa, Lê Viết Chữ và được ủng hộ tới Quảng Ngãi đầu tư. Nguyễn Văn Hậu và Đặng Văn Minh thỏa thuận với Tập đoàn Phúc Sơn là tập đoàn sẽ chi 5% số tiền được nghiệm thu, thanh, quyết toán để "cảm ơn" lãnh đạo tỉnh. Tổng cộng ở cả 2 dự án, Đặng Văn Minh đã nhận của Hậu “Pháo” 13 lần, tổng số tiền 22,6 tỷ đồng và 240.000 USD, trong đó, Đặng Văn Minh được hưởng lợi hơn 11,4 tỷ đồng.

Như vậy, số tiền đưa hối lộ được tính bằng phần trăm theo dự án chứ không phải đưa theo tự ý của tập đoàn. Với con số thỏa thuận 5% như trên, chúng ta sẽ thấy, với những dự án có nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng thì tiền "cảm ơn" là bao nhiêu.

Bây giờ, chúng ta chỉ biết về những vụ án như Hậu “Pháo”, Thuận An để chỉ tên từng doanh nghiệp đưa hối lộ, từng lãnh đạo nhận hối lộ. Nhưng, như lời khai của các bị can là doanh nghiệp cho thấy, việc họ đưa hối lộ đã "niêm yết" theo giá và buộc phải đưa, kể cả đổi bằng dự án như biệt thự, nhà phố, liền kề... Vậy thì, hàng loạt doanh nghiệp đang đầu tư, làm ăn ở các tỉnh, thử hỏi nếu không đưa lót như vậy, liệu có "cửa" thi làm ăn không? Và, những vị bị "điểm tên" nhận tiền nói trên là trong một vụ án, liên quan một tập đoàn, trong khi ai cũng hiểu là vị trí lãnh đạo tỉnh thì các doanh nghiệp muốn vào địa bàn phải theo "luật chơi", người sau nhìn người trước, cứ thế mà theo. Và, các tỉnh bị liệt kê như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi... cũng mới chỉ là điểm tên trong một doanh nghiệp mà thôi. Nếu như trước đây, nhắc đến con số thùng xốp chứa vài triệu USD khiến dư luận giật mình thì nay, con số và hình tượng đó lại trở nên bình thường như lẽ phải thế...

Đến đây, tôi lại nghĩ đến những hội nghị, hội thảo bàn về giáo dục đạo đức công vụ, giáo dục liêm, chính, không tham nhũng, không "lảng vảng" lợi ích tiền bạc. Tôi thấy những người nghiên cứu, các nhà khoa học, họ viết bài rất sâu, lý luận và thực tiễn, rồi kèm giải pháp khắc phục đủ cả. Họ say sưa đọc, những cặp kính cũng thật dày. Đương nhiên, chúng ta nhận thấy "tính cấp thiết" và những giải pháp được nêu ra là sản phẩm mang tính khoa học.

Thế nhưng, hẳn là đang có những nguyên tắc khác đang xảy ra trong đời sống mà những nguyên tắc đó được định hình bằng thói quen, bằng thông lệ, đáng nói là dù bất thành văn song nó lại có sức mạnh ghê gớm mà dường như họ "không biết" có các hội thảo, hội nghị đó?!

Đăng Trường

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/liem-chinh-trong-hoi-thao-hau-phao-o-ngoai-doi-i767869/
Zalo