Lịch sử tỉnh An Giang - cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của vùng
Với biên giới dài hơn 100km giáp với Campuchia, An Giang mang vị trí địa-chính trị và địa-kinh tế quan trọng, là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với các nước khu vực ASEAN.

Khách du lịch tham quan rừng tràm Trà Sư, thị xã Tịnh Biên, An Giang. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
An Giang là một tỉnh nằm ở phía Tây Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mang vị trí địa-chính trị và địa-kinh tế quan trọng khi có đường biên giới với Campuchia, đồng thời là cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Nơi đây được biết đến với vẻ đẹp hùng vĩ của núi non xen lẫn đồng lúa bát ngát, những ngôi chùa cổ kính và bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, gắn liền với lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh An Giang là thành phố Long Xuyên.
Vị trí địa lý
An Giang là tỉnh đồng bằng xen lẫn đồi núi thấp, nằm ở thượng lưu sông Cửu Long. Điểm cực Bắc của tỉnh nằm ở vĩ độ 10°57'B (xã Khánh An, huyện An Phú), cực Nam ở vĩ độ 10°10'60"B (xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn), cực Tây ở 104°46'Đ (xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn), cực Đông trên kinh độ 105°35'Đ (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới).
Tỉnh An Giang cách Thành phố Hồ Chí Minh 187km, phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp dài 107km, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía Nam giáp thành phố Cần Thơ dài 44km, phía Bắc giáp tỉnh Kandal và tỉnh Takéo, Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài gần 104km.
Tỉnh An Giang có tổng diện tích tự nhiên hơn 3.500km2, dân số tỉnh khoảng 1.938.198 người tính đến hết ngày 30/6/2024.
An Giang giữ vai trò chiến lược trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, với đất đai phù sa trù phú, hệ thống sông ngòi phong phú và dãy Thất Sơn huyền bí, là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản và giao thương biên giới. Nằm ở vị trí thượng nguồn sông Hậu, An Giang là điểm kết nối quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia qua cửa khẩu quốc tế.
Tỉnh An Giang được chia thành 11 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố (Long Xuyên, Châu Đốc), 2 thị xã (Tân Châu, Tịnh Biên) và 7 huyện (An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Tri Tôn); 155 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 27 phường, 18 thị trấn và 110 xã.
Lịch sử tỉnh An Giang
Tên gọi An Giang
Tên “An Giang” xuất hiện từ thời nhà Nguyễn, mang ý nghĩa “sông nước bình yên”. “An” là yên ổn, “Giang” là sông, phản ánh đặc trưng của một vùng đất trù phú nằm giữa lòng sông Cửu Long, nơi người dân sống hòa thuận với thiên nhiên. Theo các tài liệu lịch sử, tên gọi này được đặt chính thức vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng, khi tỉnh An Giang được thành lập.
Nhờ đất đai màu mỡ, hệ thống kênh rạch phong phú và vị trí chiến lược gần biên giới, An Giang từ một vùng đất hoang sơ đã phát triển thành nơi hội tụ của nhiều cộng đồng dân cư. Người Kinh, người Hoa, người Chăm và người Khmer cùng sinh sống, tạo nên một bản sắc văn hóa đa dạng.
Khi đơn vị hành chính cấp tỉnh được thành lập, “An Giang” chính thức được chọn làm tên gọi, thể hiện vai trò quan trọng của vùng đất này trong lịch sử Nam Bộ.
Địa giới An Giang qua các thời kỳ lịch sử
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” triều Nguyễn, năm 1757, An Giang là đất Tầm Phong Long, đặt làm đạo Châu Đốc, đến đầu đời vua Gia Long gọi là “Châu Đốc Tân Cương.”
Năm 1808, vua đổi Gia Định trấn thành Gia Định thành, thống quản 5 trấn, tỉnh An Giang ngày nay thuộc trấn Vĩnh Thanh.
Đến năm 1832, vua Minh Mạng đổi “Ngũ trấn” thành “Lục tỉnh” (Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên). Danh xưng An Giang đến nay đã 190 năm.

Bản đồ hành chính Nam Kỳ Lục tỉnh. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang)
Qua các thời kỳ, tỉnh An Giang chia tách, sáp nhập nhiều lần, có nhiều tên gọi khác nhau, như: Châu Hà, Long Châu Tiền, Long Châu Hà, Long Châu Hậu... Nhưng danh xưng An Giang tồn tại lâu nhất, được ghi nhận nhiều nhất với nhiều dấu ấn đặc biệt.
Địa bạ An Giang đầu tiên (ngày 3/6/1836) ghi nhận tỉnh có 2 phủ, 4 huyện, 18 tổng, 167 làng.
Đến thời vua Tự Đức, sau nhiều lần tách nhập, tỉnh An Giang có 3 phủ, 9 hoặc 10 huyện.
Ngày 20/12/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 19/NQ-TW thành lập tỉnh An Giang, gồm 8 quận, 84 xã.
Đến tháng 2/1976, bãi bỏ danh xưng quận, tỉnh có 8 huyện và 2 thị xã, gồm: Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Bảy Núi, thị xã Long Xuyên và thị xã Châu Đốc.
Ngày 12/11/1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 669/TTg về việc xác định ranh giới giữa hai tỉnh An Giang và Kiên Giang
Năm 1996, hoàn tất việc xác định ranh giới giữa tỉnh An Giang và các tỉnh lân cận.
Ngày 1/3/1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 09/1999/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Long Xuyên trước đó.
Ngày 14/4/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 474/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang.
Ngày 19/7/2013, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về việc thành lập thành phố Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang trên cơ sở toàn bộ 10.529,05ha diện tích tự nhiên, 157.298 nhân khẩu và 7 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Châu Đốc trước đó.
Ngày 15/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 449/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang.
Ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1078/QĐ-TTg, công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang.
Ngày 13/2/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 721/NQ-UBTVQH15 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 10/4/2023). Theo đó, thành lập thị xã Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang trên cơ sở toàn bộ diện tịch tự nhiên và dân số của huyện Tịnh Biên. Tỉnh An Giang có 2 thành phố, 2 thị xã và 7 huyện như hiện nay.
Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.
Những điểm chung về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch trên cánh đồng lúa chín vàng tại thành phố Long xuyên, tỉnh An Giang. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh và thành phố, trải dài từ Long An đến Cà Mau, với diện tích tự nhiên khoảng 40.548km2, chiếm 12,25% diện tích cả nước.
Vùng này nằm ở hạ lưu sông Mekong, phía bắc giáp Campuchia, phía Đông và Nam giáp biển Đông, phía Tây giáp vịnh Thái Lan.
An Giang, với biên giới dài hơn 100km giáp Campuchia, là một trong những tỉnh có vai trò quan trọng trong giao thương đường bộ và phát triển nông nghiệp.
Với đặc điểm đất phù sa ngọt màu mỡ và hệ thống sông ngòi dày đặc, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, đồng thời nổi tiếng với các loại cây ăn trái. Đây cũng là khu vực giàu tiềm năng thủy sản và du lịch sinh thái./.