Lịch sử suy nghĩ của loài người
Từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên (TCN), các triết gia thuộc mọi độ tuổi và mọi khu vực đều nhất trí về một điều: Tâm trí con người là một công cụ để giải quyết vấn đề.
Lịch sử (cực kỳ) ngắn gọn của tư duy
Suy nghĩ là một việc quan trọng. Nhưng không phải ý nghĩ nào cũng bình đẳng như nhau. Chất lượng của ý nghĩ mới là điều quan trọng nhất. Hoàng đế La Mã và triết gia khắc kỷ Marcus Aurelius đã có phát biểu hay nhất về điều này: “Vũ trụ là sự đổi thay; cuộc đời do suy nghĩ của chúng ta định hình”.
Lướt nhìn quanh mình, ta thấy cuộc sống đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Nhiều công việc biến mất, điện thoại thông minh biến ta thành xác sống, chi phí giáo dục lên đến hàng ngàn đô, chi phí sinh hoạt tăng vùn vụt, tiền lương không tăng, bạn ít có thời gian cho riêng mình hơn, vân vân. Cuộc sống đổi thay nhanh đến nỗi ta có cảm tưởng như mỗi ngày mình đều thức dậy trong một thế giới mới!
Những ý nghĩ của bạn nói gì về điều đó? Nếu bạn giống tôi, những bước phát triển này khiến tôi nghĩ ngợi rất nhiều, đồng nghĩa với bất an và lo lắng. Làm sao để sống còn? Làm sao để công ty mình thích nghi với thị trường đang thay đổi? Làm sao thăng tiến trong sự nghiệp? Làm sao để không đánh mất lý trí? Làm chủ suy nghĩ của mình là cả một thách thức.
Khao khát làm chủ được suy nghĩ cũng tồn tại lâu đời như chính nền văn minh hiện đại. Từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên (TCN), các triết gia thuộc mọi độ tuổi và mọi khu vực đều nhất trí về một điều: Tâm trí con người là một công cụ để giải quyết vấn đề. Và nhiều triết gia đã lập luận rằng chất lượng của ý nghĩ quyết định chất lượng cuộc đời bạn. Từ Khổng Tử, Socrates, Descartes cho tới William James, tất cả đều nói về phương pháp tư duy của họ - một cách nhìn về thế giới.

Suy nghĩ quyết định chất lượng cuộc sống của mỗi con người. Ảnh: Sttimsmassillon.com.
Hầu hết chúng ta đều biết phương pháp kiểu Socrates là chất vấn mọi thứ, kể cả bản thân. “Tôi biết một điều: Đó là tôi chẳng biết gì cả”, là câu nói nổi tiếng của Socrates với nhà tiên tri của Delphi khi Socrates được tuyên bố là người thông thái nhất thế gian. Việc ông cho rằng mình không biết gì cả đã khiến ông thông thái. Đó là một lối nghĩ.
Triết gia người Pháp René Descartes của thế kỷ 17 đã tiến thêm một bước xa hơn. Ông chất vấn về mọi thứ trong cuộc sống, kể cả sự tồn tại của chính mình. Bởi vì làm sao ta biết không phải mình đang mơ hay đang sống trong Ma trận? Đó là lý do ông có câu nói nổi tiếng: “Cogito ergo sum”, thường được dịch thành một câu mà ai cũng biết là “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”. Descartes kết luận rằng ông phải tồn tại vì ông có thể tư duy.
Bất kể những ý nghĩ của bạn có điên rồ đến thế nào, cũng có thể khẳng định rằng bạn thật sự tồn tại. Vậy tại sao không làm cho sự tồn tại của mình trở nên thực tế, nhẹ nhõm, vui vẻ và hữu ích hơn?
Bạn có bao giờ quan sát hay ghi chép những ý nghĩ của mình chưa? Tôi thách thức bạn đấy, hãy thử làm vậy một ngày đi. Cứ khoảng hai giờ một lần, hãy ngồi lại và viết về điều bạn đang suy nghĩ ngay tại thời khắc đó. Chỉ cần nhớ đừng sợ hãi chính mình. Hầu hết những ý nghĩ của chúng ta chẳng hợp lý gì cả.
Chúng ta là một giống loài đầy mâu thuẫn. Descartes cũng từng xem xét lại những ý nghĩ của mình và tìm ra nhiều mâu thuẫn. Ý tưởng quan trọng nhất ông đề ra là chúng ta nên chất vấn nguồn gốc niềm tin của chúng ta, chứ không phải bản thân niềm tin. Bởi vì hầu hết những niềm tin của ta đều có nền tảng là nhận thức của chính ta hoặc của người khác.
Bạn có bao nhiêu quan niệm hình thành dựa trên những gì người khác nói với bạn? Hoặc dựa trên suy nghĩ và đoán định ban đầu của chính bạn? Cốt lõi của tư duy là khả năng phân biệt sự thật và điều giả dối. Cái gì là thật, cái gì là giả?