Lịch sử con kênh đào mà Tổng thống đắc cử Trump muốn đòi lại từ Panama - Kỳ cuối
Trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ hàng thế kỷ kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, những người xây dựng kênh đào Panama nhanh chóng nhận ra rằng xây dựng con kênh qua một dải đất hẹp trông có vẻ dễ dàng trên bản đồ nhưng lại vô cùng khó khăn trong thực tế.
Kỳ cuối: “Chiến trường” trên kênh đào
Dải đất hẹp của Panama hóa ra là một trong những nơi khó khăn và chết chóc nhất thế giới để xây dựng một con kênh. Những người xây dựng kênh đã cố gắng thay đổi cảnh quan tự nhiên, nhưng thiên nhiên không dễ dàng chịu khuất phục.
Các đội xây dựng phải “dời núi” trong một khu rừng đầy rắn ở nhiệt độ trung bình 27 độ C và lượng mưa trung bình 266 cm mỗi năm. Trong mùa mưa, những trận mưa như trút nước biến sông Chagres thành dòng nước chảy xiết và khiến công nhân luôn trong tình trạng ướt sũng. Một công nhân tên là Rufus Forde nhớ lại: “Đôi khi không thấy mặt trời trong suốt hai tuần. Sáng nào cũng phải mặc quần áo ướt. Không có mặt trời để hong khô quần áo”.
Cái chết có thể ập đến bất thình lĩnh khi một tảng đá nặng 18 tấn lao xuống hoặc những con muỗi mang bệnh sốt rét sinh sôi hàng triệu con trong các đầm lầy. Trong hơn ba thập kỷ, ít nhất 25.000 công nhân đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng kênh đào Panama.
Một công nhân khác tên là Alfred Dottin hồi tưởng: “Điều kiện làm việc khi đó kinh khủng đến mức khó mà tưởng tượng. Cái chết là người bạn đồng hành thường trực. Tôi không bao giờ quên những đoàn tàu chở đầy thi thể bị đưa đi hàng ngày, như thể đó chỉ là những khúc gỗ”.
Khi công ty của ông Ferdinand de Lesseps tham gia xây dựng, ông đã phát hiện ra rằng việc xây dựng một kênh dài 82 km qua khu rừng núi của Panama khó khăn hơn nhiều so với một kênh dài 193 km qua sa mạc bằng phẳng ở Ai Cập.
Mưa lớn liên tục gây ra những vụ lở đất vùi lấp công nhân. Lũ cuốn trôi thiết bị xây dựng. Thêm vào đó, một trận động đất làm rung chuyển Panama và hỏa hoạn đã thiêu rụi thành phố Colón trong một cuộc nội chiến. Kỹ sư trưởng người Pháp Adolphe Godin de Lépinay than phiền: “Quá nhiều nước, đá thì cứng vô cùng, đất thì gồ ghề và khí hậu thì chết người. Cả đất nước này như bị nhiễm độc”.
Dịch lỵ, sốt vàng da và sốt rét đã tàn phá lực lượng lao động. Ước tính ¾ số kỹ sư Pháp tham gia dự án đã tử vong trong vòng ba tháng kể từ khi đến Panama. Theo tác giả Matthew Parker trong cuốn “Panama Fever” (tạm dịch: Sốt Panama). Một bác sĩ người Canada ước tính rằng vào các mùa mưa năm 1882 và 1883, có từ 30 đến 40 công nhân chết mỗi ngày.
Khi Pháp bỏ dở dự án năm 1888, tai nạn và bệnh tật đã cướp đi sinh mạng của 20.000 công nhân. Hầu hết các nạn nhân đến từ các đảo Caribe như Antigua, Barbados và Jamaica.
Mười sáu năm sau khi dự án của Pháp phá sản, Mỹ đã tiếp tục công việc trên con kênh đang xây dang dở. Nhưng người Mỹ cũng phải đối mặt với những trở ngại tương tự trong năm đầu tiên khi sốt vàng da và sốt rét giết chết hàng trăm công nhân. Khi cái chết lan tràn trong vùng kênh, kỹ sư trưởng John Findley Wallace chán nản và chuẩn bị về nước, mang theo một quan tài kim loại trong đó có chứa thi thể một trong những công nhân của ông.
Người kế nhiệm ông Wallace, ông John F. Stevens, đã tập trung vào công việc của ông William Crawford Gorgas, người phụ trách vệ sinhcủa dự án. Trong nhiều thế kỷ, người ta tin rằng tình trạng ô uế, rác thải mục nát và vi khuẩn trong không khí từ đất nhiệt đới là nguyên nhân gây ra sốt vàng da và sốt rét (tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Italy nghĩa là “không khí xấu”). Là người từng sống sót sau bệnh sốt vàng da, ông Gorgas là một trong các bác sĩ thực hi nghiên cứu và chỉ ra vai trò của muỗi trong làm lây lan các bệnh nhiệt đới.
Chỉ đạo một chiến dịch y tế công cộng quy mô lớn tại khu vực kênh đào, ông Gorgas ra lệnh xông khói các ngôi nhà, thoát nước ở các vũng nước đọng và lắp lưới chắn cho cửa sổ cùng máng nước. Để tiêu diệt ấu trùng muỗi, các quan chức y tế phun dầu thô pha dầu hỏa vào các nguồn nước và vũng nước đọng. Nhờ những nỗ lực này, các ca sốt vàng da trên eo đất này gần như không còn vào cuối năm 1905. Dù số ca mắc bệnh giảm, sốt rét vẫn là thách thức lớn. Thanh tra vệ sinh Joseph Le Prince ước tính rằng 80% lực lượng lao động đã phải nhập viện vì sốt rét trong năm 1906. Tuy nhiên, ông Gorgas được ghi nhận là đã cứu sống hàng chục nghìn người.
Khi mối đe dọa từ sốt vàng da giảm bớt, các tai nạn lại thay thế bệnh tật, trở thành nguyên nhân chính gây tử vong tại khu vực kênh đào năm 1909. Công việc nguy hiểm nhất diễn ra khi công nhân đào một con hào sâu 13,7 m và rộng ít nhất 91,4 m qua đoạn núi dài 12,8 km được gọi là đoạn Culebra.
Có biệt danh là “Hẻm vực địa ngục”, đoạn đào Culebra là nơi đầy tiếng ồn với tiếng gầm rú của các đầu máy và máy xúc hơi nước. Công nhân đối mặt với nguy cơ tử vong do đuối nước v điện giật. Họ sử dụng hơn 27,2 triệu kg thuốc nổ để phá núi, nhưng khí hậu nhiệt đới của Panama khiến thuốc nổ dễ phát nổ sớm. Các máy đào cũng vô tình kích hoạt thuốc nổ chưa phát nổ, như vụ tai nạn tháng 12/1908 làm 23 người thiệt mạng.
Lũ lụt thường xuyên làm ngập thiết bị và mặt đất không ổn định có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Một quản lý cấp cao của Mỹ than thở: “Công sức của nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, có thể bị xóa sổ trong một trận lở đất”.
Những công nhân bị lãng tai do tác dụng phụ của thuốc quinine mà họ uống để đề phòng sốt rét nên họ khó nghe thấy tiếng động, khiến tai nạn đường sắt xảy ra thường xuyên. Trong hồi ký, ông George Hodges kể lại rằng một đồng nghiệp đã ngã khi cố nhảy lên tàu và bánh xe của một đoàn tàu khác cắt đôi cơ thể người này.
Một công nhân tên là Antonio Sanchez mô tả công việc ở đoạn Culebra như “đi ra chiến trường”. Các bệnh viện trong khu vực kênh đào giống như các bệnh viện ở vùng chiến sự vì số công nhân bị thương nghiêm trọng, nhiều người phải cắt cụt chi. Nhiều công nhân kênh đào Panama bị thương đến mức các nhà sản xuất chân tay giả tranh nhau giành hợp đồng với các nhà thầu kênh đào. Một nhà sản xuất là A.A. Marks tự hào rằng các sản phẩm chân tay không thấm nước của họ phù hợp nhất với khí hậu và điều kiện địa phương và là loại duy nhất đáp ứng được nhu cầu của công nhân bị thương trở lại làm việc trên kênh đào Panama.
Từ năm 1904 đến khi hoàn thành vào năm 1913, Mỹ có 5.855 công nhân kênh đào thiệt mạng. Khi cộng thêm số người chết từ dự án của Pháp, ông Parker ước tính tổng cộng có 500 người thiệt mạng cho mỗi km kênh đào.