Lịch sử ấm áp của chiếc Áo len Giáng sinh xấu xí'

Trong thập niên qua, Áo len Giáng sinh xấu xí (Ugly Christmas Sweater) đã vững vàng chiếm vị trí 'quen thuộc' trong văn hóa mùa lễ hội, bên cạnh cây thông trang trí lấp lánh, vòng nguyệt quế, tất len...

Người dẫn chương trình Jimmy Fallon tặng khán giả một chiếc áo len Giáng sinh. Ảnh: CNBC

Người dẫn chương trình Jimmy Fallon tặng khán giả một chiếc áo len Giáng sinh. Ảnh: CNBC

Chiếc áo len bông xù, thường mang sắc đỏ, trắng và xanh lá, và luôn đi kèm ít nhất một họa tiết đậm chất Giáng sinh như người tuyết, tuần lộc hay kẹo que... Một số áo len “chơi trội” còn được điểm thêm quả bông 3D hoặc chuông leng keng.

Kênh CNN (Mỹ) cho biết, trang phục này nhanh chóng trở thành biểu tượng không thể thiếu của mùa lễ, phổ biến như đèn Giáng sinh hay giấy gói quà. Chúng vừa lòe loẹt vừa kém sang, nhưng đồng thời cũng ấm áp và có chút gì đó thật đáng yêu.

Tuy nhiên, phải mất một thời gian, Áo len Giáng sinh xấu xí mới tìm được chỗ đứng trong danh sách những món đồ kinh điển của mùa Giáng sinh.

Những chiếc áo len lấy cảm hứng từ Giáng sinh này bắt đầu xuất hiện vào thập niên 1950 của thế kỷ trước. Ban đầu, nó được gọi là “Jingle Bell Sweaters” (Áo Len Chuông Ngân), chúng không lòe loẹt như phiên bản ngày nay và cũng không mấy được ưa chuộng.

Phải đến thập niên 1980, chiếc áo mới thực sự tạo được cú hích trên thị trường, nhờ vào văn hóa pop và các bộ phim hài. Những chiếc áo với họa tiết bông tuyết tuy không được xem là sành điệu, nhưng lại toát lên tinh thần Giáng sinh rực rỡ. Mọi người diện chúng tại các bữa tiệc công sở và bàn tiệc ngày lễ.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy này không kéo dài lâu. Đến những năm 1990, áo len Giáng sinh dần mất sức hút. Chúng trở thành món đồ mà chỉ những người họ hàng có tuổi mới mặc hoặc tặng quà. Vào đầu thập niên 2000, chiếc áo này gần như được xem là một thảm họa thời trang.

Nhưng cảnh quay nổi tiếng trong bộ phim Nhật Ký Tiểu Thư Jones (2001), với nhân vật Mark Darcy (Colin Firth thủ vai) quay sang chào nữ chính Bridget (Reneé Zellweger) tại một bữa tiệc gia đình trong bộ áo len Giáng sinh nổi bật với hình tuần lộc mũi đỏ khổng lồ, đã khiến công chúng một lần nữa để mắt tới trang phục này.

Diễn viên Colin Firth trong chiếc áo len Giáng sinh "kinh điển" của bộ phim Nhật Ký Tiểu Thư Jones. Ảnh: Miramax

Diễn viên Colin Firth trong chiếc áo len Giáng sinh "kinh điển" của bộ phim Nhật Ký Tiểu Thư Jones. Ảnh: Miramax

Từ đó, các bữa tiệc Áo len Giáng sinh xấu xí bắt đầu rộ lên. Ông Brian Miller, người sáng lập trang web UglyChristmasSweaterParty.com đánh giá: “Thật khó để nói điều gì đã làm thay đổi cách nhìn nhận, nhưng tôi nghĩ khoảnh khắc ai đó mặc chiếc áo len này, mọi người bắt đầu thấy khía cạnh khôi hài của nó và nghĩ rằng: ‘Món đồ bị lãng quên ở cuối tủ này cũng thú vị đấy’, thay vì là thứ chẳng ai muốn mặc”.

Sự phổ biến của chiếc áo len xấu xí đã từ đó tăng vọt. Những chiếc áo len lễ hội đã phát triển thành "truyền thống mới" cho kỳ nghỉ Giáng sinh. Các ông lớn thời trang nhanh như Topshop và nhà bán lẻ cao cấp như Nordstrom bắt đầu lấp đầy kệ hàng và trang web của họ bằng những chiếc áo len thiết kế lòe loẹt mỗi mùa lễ.

Ngay cả giới thời trang cao cấp cũng không thể cưỡng lại xu hướng. Năm 2007, Stella McCartney ra mắt mẫu áo len họa tiết gấu trắng trên núi tuyết. Givenchy nối gót vào năm 2010, và Dolce & Gabbana cũng gia nhập cuộc chơi vào năm sau đó.

Từ Taylor Swift đến Kanye West, các ngôi sao cũng nhanh chóng đón nhận xu hướng này. Người dẫn chương trình nổi tiếng người Mỹ Jimmy Fallon thậm chí còn mở một chuyên mục mang tên “12 Ngày Áo Len Giáng Sinh”, và nó vẫn tiếp tục phát sóng đến tận ngày nay.

Sự bùng nổ của mạng xã hội, cũng giúp nâng tầm vị thế của Áo len Giáng sinh xấu xí. Ngày nay, mọi người đua nhau khoe tình yêu dành cho những chiếc áo len Giáng sinh trên Instagram.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/lich-su-am-ap-cua-chiec-ao-len-giang-sinh-xau-xi-20241223171930483.htm
Zalo