LHQ, Brazil bày tỏ quan ngại khi Mỹ rút khỏi WHO và Hiệp định khí hậu Paris

Ngày 21/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, khiến Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều quốc gia, trong đó có Brazil, bày tỏ lo ngại sâu sắc. Các quyết định này được đánh giá sẽ có tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng toàn cầu cũng như nỗ lực kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu.

Biểu tượng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại châu Mỹ dẫn lời người phát ngôn WHO Tarik Jasar cho biết tổ chức y tế lớn nhất thế giới “lấy làm tiếc trước thông báo của Mỹ rút khỏi WHO, đồng thời mong muốn Washington sẽ xem xét lại quyết định này”.

WHO hiện là tổ chức y tế lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng. Với tư cách là nhà tài trợ lớn nhất, Mỹ đã có những đóng góp đáng kể cho các chương trình y tế toàn cầu. Việc Mỹ rút lui không chỉ làm gián đoạn các sáng kiến y tế mà còn đòi hỏi WHO phải tái cấu trúc đáng kể hoạt động của mình.

Về vấn đề khí hậu, bà Clare Nullis - quan chức Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) - nhấn mạnh: “Trong bối cảnh năm 2024 nóng kỷ lục, việc các quốc gia tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là vô cùng cần thiết để hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu”.

Tại Nam Mỹ, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP30), ông Andre Correa do Lago quan ngại quyết định của Mỹ sẽ làm suy yếu nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Ông nói: “Mỹ là quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu. Quyết định này sẽ gây tác động lớn đến quá trình chuẩn bị COP30”.

COP30, dự kiến diễn ra từ ngày 10-21/11 tại Belem (Brazil), sẽ đánh dấu 10 năm thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và là cơ hội để các quốc gia đưa ra cam kết mới nhằm giảm thiểu lượng khí thải nhà kính. Tuy nhiên, quyết định của Mỹ đang đặt ra thách thức lớn đối với Brazil trong việc thúc đẩy các cam kết tài chính từ các nước phát triển để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng ở các nước đang phát triển.

Tổng thống Brazil Lula da Silva khẳng định: “Brazil sẽ tổ chức một COP30 lịch sử, vì một tương lai công bằng và bền vững hơn cho hành tinh”. Ông cũng nhấn mạnh cam kết của Brazil trong việc giảm nạn phá rừng ở Amazon, "lá phổi xanh" của thế giới, đồng thời theo đuổi mục tiêu giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt quốc gia này vào nhóm rất ít các nước đứng ngoài thỏa thuận, bao gồm Iran, Libya và Yemen. Hành động này không chỉ làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu mà còn tăng thêm các thách thức cho các quốc gia khác trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu trong tương lai.

Theo các chuyên gia khí tượng, năm 2024 đã chứng kiến tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, từ nhiệt độ cực đoan đến các hiện tượng thời tiết bất thường. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn 1,55 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đe dọa sự ổn định khí hậu và các hệ sinh thái của Trái đất. Trong bối cảnh đó, việc Mỹ không tham gia nỗ lực toàn cầu càng làm gia tăng rủi ro cho những thảm họa khí hậu trong tương lai.

Thanh Tuấn – Diệu Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lhq-brazil-bay-to-quan-ngai-khi-my-rut-khoi-who-va-hiep-dinh-khi-hau-paris-20250122135111593.htm
Zalo