'Letní škola, 2001': Tiếng vọng mùa Hè và bản sắc thế hệ gốc Việt tại Séc

Tác phẩm 'Letní škola, 2001' chính thức ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary vào ngày 8/7 với tư cách là phim đầu tiên của dòng 'viet‑film' trong lịch sử điện ảnh Séc.

Một cảnh quay trong “Letní škola, 2001.”

Một cảnh quay trong “Letní škola, 2001.”

Tháng 7/2025, điện ảnh Cộng hòa Séc chứng kiến một dấu mốc đặc biệt với sự ra mắt của “Trường Hè 2001” hay “Letní škola, 2001” trong tiếng Séc, bộ phim đầu tay của đạo diễn gốc Việt Dužan Duong.

Không chỉ là một tác phẩm mang tính tự truyện sâu sắc, phim còn là tiếng nói mạnh mẽ và chân thực của thế hệ người Việt lớn lên tại Séc, một cộng đồng từng bị lặng tiếng trong đời sống điện ảnh chính thống.

Tác phẩm “Letní škola, 2001” chính thức ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary vào ngày 8/7 với tư cách là phim đầu tiên của dòng “viet‑film” trong lịch sử điện ảnh Séc.

Bộ phim sau đó được phát hành tại các rạp chiếu trên toàn lãnh thổ Séc từ 24/7, do nhà phát hành Aerofilms đảm trách.

Lấy bối cảnh mùa Hè năm 2001 tại một chợ sầm uất ở Cheb, bộ phim xoay quanh câu chuyện của Kiên một thiếu niên 17 tuổi với mái tóc đỏ nổi bật sau khi trở về từ Việt Nam sau 10 năm xa nhà.

Thay vì sự chào đón nồng nhiệt, cậu đối diện với sự xa cách của người cha, lo lắng của mẹ và mâu thuẫn với em trai nhỏ.

Qua hoạt động như ủi Pokémon lên áo phông, học tiếng Séc và hẹn hò tuổi teen bên hồ, những bí mật dần lộ diện và ảnh hưởng đến cả cộng đồng đang sống quanh khu chợ.

Phim sử dụng cấu trúc kể chuyện đa góc nhìn kiểu Rashomon, theo chân ba nhân vật: Người cha Zung, đứa trẻ Tài và thiếu niên Kiên.

 Diễn viên Bùi Thế Dương trong một phân đoạn trong phim.

Diễn viên Bùi Thế Dương trong một phân đoạn trong phim.

Mỗi góc nhìn mang màu sắc và nhịp điệu riêng từ mafia đến hài hước tuổi teen và nội tâm giằng xé từ sự pha trộn văn hóa.

Bộ phim lấy bối cảnh tại thị trấn biên giới Cheb vào mùa hè năm 2001. Nhân vật chính, Kiên, một thiếu niên 17 tuổi, trở lại Séc sau 10 năm sống ở Việt Nam.

Với mái tóc đỏ rực và ánh mắt vừa bỡ ngỡ vừa u sầu, Kiên bước vào một thực tại lạ lẫm: Gia đình mà cậu từng biết giờ đã xa cách, văn hóa thì xa lạ, còn ngôn ngữ trở thành rào cản vô hình.

Phim được kể lại qua ba góc nhìn của Kiên, người cha (Zung) và cậu em trai (Tài) theo phong cách Rashomon - một kỹ thuật kể chuyện nổi tiếng trong điện ảnh và văn học, bắt nguồn từ bộ phim "Rashomon" (1950) của đạo diễn Nhật Bản Akira Kurosawa) -cho thấy cùng một sự kiện nhưng mỗi người mang một cách nhìn, một tổn thương và một nỗi niềm riêng.

Sự mâu thuẫn, khoảng cách thế hệ và những bí mật được giấu kín dần hé mở khi Kiên dấn thân vào những hoạt động tưởng chừng đơn giản đi học tiếng Séc, làm áo in Pokémon, hẹn hò ở bãi hồ và giúp đỡ cha trong khu chợ.

Nhưng ẩn sau bề nổi ấy là cả một hệ thống xã hội chồng chéo: Từ những “ông trùm chợ” gốc Á, áp lực đồng hóa văn hóa, đến những chuẩn mực gia đình bị xung đột bởi hai nền giáo dục, Việt Nam truyền thống và Séc hiện đại.

Là người Việt sinh ra và lớn lên tại Séc, đạo diễn Dužan Duong không chỉ là người kể chuyện, anh là một phần của chính câu chuyện đó.

Tác phẩm mang đậm yếu tố tự truyện, phản ánh trải nghiệm của một đứa trẻ trong gia đình nhập cư, nơi cha mẹ vắng mặt vì mưu sinh, nơi ngôn ngữ mẹ đẻ dần phai mờ, và nơi bản sắc cá nhân luôn ở trạng thái lưng chừng.

Dužan sử dụng nhiều diễn viên không chuyên từ cộng đồng người Việt, chọn cách làm phim gần gũi, chân thực với lối quay tay cầm, ánh sáng tự nhiên và phong cách thị giác tối giản, đậm chất Á Đông.

Phim mở đầu bằng một cảnh đậm chất biểu tượng: Kiên ngồi trên chuyến xe đêm xuyên rừng trở lại Cheb một “biên giới” không chỉ về địa lý mà cả về tâm lý và bản sắc. Từ đó, máy quay theo chân cậu thanh niên ấy bước qua những ngóc ngách của khu chợ người Việt, những căn phòng thuê tạm, những buổi học hè cũ kỹ nơi mà từng đồ vật, từng tiếng cười cũng trở thành chất liệu điện ảnh.

Không chỉ là ký ức của một cá nhân, bộ phim là ký ức tập thể của hàng chục ngàn gia đình người Việt từng và đang sống tại châu Âu.

Trong một cảnh cao trào, nhân vật người cha gào lên bằng tiếng Việt pha Séc: "Tao làm tất cả vì tụi bây không phải sống như tao!" câu thoại khiến nhiều khán giả gốc Việt rơi nước mắt, vì thấy chính mình trong đó.

"Letní škola, 2001" là bộ phim điện ảnh đầu tiên tại Séc do một đạo diễn gốc Việt thực hiện, với phần lớn dàn diễn viên và bối cảnh đến từ cộng đồng người Việt. Tuy vậy, phim không chỉ dành cho người Việt.

 Đạo diễn gốc Việt Dužan Duong (trái) và diễn viên Bùi Thế Dương.

Đạo diễn gốc Việt Dužan Duong (trái) và diễn viên Bùi Thế Dương.

Với đạo diễn trẻ Dužan Duong cùng êkíp của "Letní škola, 2001," sự tiếp nhận của khán giả là cơ hội để thông điệp nhân văn của bộ phim được lan tỏa rộng hơn.

Và điều mà bộ phim muốn hướng tới không gì khác đó chính là giá trị của gia đình trong đời sống của người Việt tại Cộng hòa Séc. Dù là thời kỳ của những năm 90/2000 hay cho đến hiện tại và mãi về sau.

Câu chuyện về bản sắc, gia đình, sự hòa nhập và mất mát là những chủ đề phổ quát mà bất kỳ khán giả nào dù là người Séc, người Pháp, người Đức hay người Việt cũng có thể thấu cảm.

Sự thành công về mặt cảm xúc và kỹ thuật của bộ phim đã giúp nó được chọn công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary 2025 diễn ra tại thành phố Karlovy Vary (Cộng hòa Séc) từ ngày 7-12/7 và nhận nhiều lời khen từ giới phê bình.

“Letní škola, 2001” không chỉ là một bộ phim đó còn là một cánh cửa. Nó mở ra không gian cho những câu chuyện từng bị xem là “ngoại biên,” cho những con người từng bị gọi là “di dân” và cho những cảm xúc mà trước nay ít ai dám kể bằng điện ảnh.

Từ một thị trấn nhỏ nơi biên giới, từ một gia đình gốc Việt tưởng chừng im lặng, “Trường Hè 2001” đã cất lên một tiếng nói mạnh mẽ và chân thực: về ký ức, về bản sắc và về quyền được được kể lại câu chuyện của chính mình.

Có thể nói “Letní škola, 2001” không chỉ là một bộ phim mà còn là tuyên ngôn về tiếng nói mới của cộng đồng Việt tại Séc, mở ra hành trình đại diện văn hóa và kể chuyện chân thực hơn trong điện ảnh châu Âu./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/letni-skola-2001-tieng-vong-mua-he-va-ban-sac-the-he-goc-viet-tai-sec-post1051930.vnp
Zalo