Lệnh trừng phạt dầu, khó khăn của Hungary và chiến lược âm thầm của EU

Liên minh châu Âu chuẩn bị gia hạn các lệnh trừng phạt Nga vào tháng 7, tìm cách vượt qua sự phản đối của Hungary để duy trì sức ép lên Moscow.

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Nga vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay vẫn là Hungary - cụ thể là Thủ tướng Viktor Orbán - người nhiều lần đe dọa sẽ phủ quyết nếu không được đáp ứng các yêu cầu riêng.

Cờ NATO bay trong gió, biểu tượng cho liên minh quân sự quốc tế.

Cờ NATO bay trong gió, biểu tượng cho liên minh quân sự quốc tế.

Theo quy định hiện tại, các lệnh trừng phạt của EU cần được toàn bộ 27 quốc gia thành viên đồng thuận. Nhưng thời gian qua, điều này ngày càng trở nên khó khăn do Thủ tướng Viktor Orbán duy trì quan hệ khá thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và thường tận dụng các cuộc bỏ phiếu trừng phạt để đổi lấy lợi ích cho riêng mình.

Trước tình hình đó, Ủy ban châu Âu đang cân nhắc một hướng đi mới: thay vì coi đây là các biện pháp trừng phạt, họ sẽ phân loại lại thành “biện pháp thương mại”. Theo luật EU, những biện pháp dạng này chỉ cần đa số phiếu, không cần toàn bộ đồng thuận. Điều này có nghĩa là nếu Hungary phản đối, lệnh vẫn có thể được thông qua.

Dầu mỏ tiếp tục là lĩnh vực nhạy cảm nhất trong các lệnh trừng phạt. Thời gian qua, nhờ các biện pháp cấm vận, lượng dầu Nga xuất khẩu qua vùng Baltic đã giảm khoảng 10%. Ngoài ra, các hạn chế về công nghệ và kim loại như nhôm cũng được triển khai nhằm cắt giảm nguồn thu phục vụ hoạt động quân sự của Nga.

Tuy nhiên, Hungary vẫn thường xuyên phản đối, với lý do bảo vệ lợi ích năng lượng trong nước. Trên thực tế, nước này nhiều lần lên tiếng bênh vực các tập đoàn năng lượng Nga như Rosneft. Nhưng mỗi khi EU có động thái nhượng bộ và cam kết ưu đãi về giá hoặc nguồn cung, các phản ứng từ Budapest lại dịu xuống.

Nếu kế hoạch của Ủy ban châu Âu thành công, EU có thể dễ dàng vượt qua vòng gia hạn trừng phạt sắp tới mà không bị Hungary gây áp lực. Điều này giúp khối duy trì “vũ khí dầu mỏ” trong bối cảnh Nga vẫn thu được nguồn thu lớn từ năng lượng.

Dù phần lớn các nước EU đã tìm được nguồn cung khí đốt thay thế, một số nước như Slovakia và Hungary cho biết việc chuyển đổi sẽ khiến chi phí năng lượng tăng vọt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng, EU càng cần giữ sự đoàn kết nội khối để tiếp tục duy trì sức ép lên Moskva. Do đó, việc giảm bớt phụ thuộc vào lá phiếu của Hungary được xem là bước đi quan trọng, giúp khối giữ được thế chủ động trong các quyết sách về trừng phạt dầu mỏ.

Dũng Phan (Theo Oil Price)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lenh-trung-phat-dau-kho-khan-cua-hungary-va-chien-luoc-am-tham-cua-eu-10287150.html
Zalo