Lệnh ngừng bắn Ấn Độ - Pakistan: Chỉ là khoảng lặng ngắn ngủi?

Lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan mang lại sự tạm yên, nhưng nguy cơ căng thẳng tái diễn vẫn hiện hữu khi cả hai bên chưa tìm được giải pháp lâu dài.

Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý ngừng bắn ngay lập tức vào thứ Bảy, chấm dứt bất ngờ cuộc xung đột tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ngay khi các cuộc tấn công trả đũa của họ có nguy cơ mất kiểm soát.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump là người đầu tiên công bố thông tin về lệnh ngừng bắn, nhưng Ấn Độ và Pakistan lại đưa ra các thông tin mâu thuẫn về mức độ tham gia của Mỹ trong thỏa thuận ngừng bắn.

Ngay sau khi thông báo ngừng bắn được đưa ra, đã có báo cáo về việc vi phạm từ cả hai bên, khiến nhiều người đặt câu hỏi về thời gian duy trì của thỏa thuận này.

Lực lượng an ninh Ấn Độ tuần tra đường phố ở Pahalgam, vùng lãnh thổ Jammu và Kashmir ngày 24/4/2025. Ảnh: Getty

Lực lượng an ninh Ấn Độ tuần tra đường phố ở Pahalgam, vùng lãnh thổ Jammu và Kashmir ngày 24/4/2025. Ảnh: Getty

Lệnh ngừng bắn được thiết lập như thế nào?

Trước 8 giờ sáng ngày 10/5 giờ ET (khoảng 17 giờ ở Ấn Độ và Pakistan), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo về lệnh ngừng bắn trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social.

“Sau một đêm đàm phán dài do Mỹ làm trung gian, tôi rất vui mừng thông báo rằng Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức”, ông Trump viết, đồng thời ca ngợi các nhà lãnh đạo của cả 2 quốc gia vì “sự khôn ngoan và trí tuệ tuyệt vời” trong việc đạt được thỏa thuận này.

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Marco Rubio khẳng định rằng Ấn Độ và Pakistan không chỉ đồng ý ngừng bắn mà còn “bắt đầu đàm phán về một loạt vấn đề tại một địa điểm trung lập”.

Theo ông Rubio, thỏa thuận ngừng bắn đã được thực hiện sau khi ông và Phó Tổng thống JD Vance dành 2 ngày qua để nói chuyện với các quan chức cấp cao của cả hai quốc gia.

Pakistan sau đó xác nhận lệnh ngừng bắn có hiệu lực ngay lập tức. Ấn Độ cũng xác nhận thông tin tương tự.

Tuy nhiên, hai bên đưa ra thông tin trái ngược về vai trò của Mỹ trong thỏa thuận. Bộ Thông tin Ấn Độ khẳng định thỏa thuận được đạt được “trực tiếp giữa hai quốc gia" và không có sự can thiệp mạnh mẽ của Mỹ, mâu thuẫn với tuyên bố của ông Trump.

Trong khi đó, các quan chức Pakistan lại ca ngợi Washington.

“Chúng tôi cảm ơn Tổng thống Trump vì sự lãnh đạo và vai trò chủ động của ông trong việc duy trì hòa bình ở khu vực”, Thủ tướng Shehbaz Sharif cho biết.

Một nguồn tin Pakistan quen thuộc với các cuộc đàm phán nói rằng Mỹ, đặc biệt là Ngoại trưởng Rubio, đã đóng vai trò then chốt trong việc đạt được thỏa thuận.

Không có gì bất ngờ khi Ấn Độ và Pakistan đưa ra những thông tin khác nhau về cách thức đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Trong khi Ấn Độ luôn phản đối mọi sự can thiệp quốc tế, thì Pakistan, với nền kinh tế yếu hơn, lại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia lớn như Mỹ để gia tăng sức ép với Ấn Độ.

“Ấn Độ chưa bao giờ chấp nhận sự can thiệp trong bất kỳ tranh chấp nào, dù là tranh chấp Ấn Độ-Pakistan, Ấn Độ-Trung Quốc hay bất kỳ vấn đề nào khác”, Tiến sĩ Aparna Pande, nghiên cứu viên về Ấn Độ và Nam Á tại Viện Hudson ở Washington DC cho biết.

“Pakistan, ngược lại, luôn tìm kiếm sự can thiệp quốc tế, vì vậy họ sẽ ca ngợi điều này”, bà Pande nói, cho rằng đó là “cách duy nhất để gây sức ép lên Ấn Độ để thảo luận và giải quyết vấn đề Kashmir”.

Vai trò của Mỹ trong việc giải quyết xung đột Ấn Độ-Pakistan

Trước khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan đã lên đến đỉnh điểm. Sáng 10/5, Pakistan cáo buộc Ấn Độ tiến hành các cuộc không kích vào các căn cứ quân sự chủ chốt của nước này. Đáp trả, Pakistan cũng đã tấn công các căn cứ không quân của Ấn Độ. Các vụ nổ và các vụ tấn công tiếp tục xảy ra ở các khu vực tranh chấp như Kashmir.

Dư luận khu vực lo ngại, nếu không có áp lực quốc tế đáng kể, các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ tiếp tục leo thang.

Chỉ hai ngày trước, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã hạ thấp khả năng can thiệp của Mỹ khi cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan leo thang.

“Chúng ta có thể làm gì? Cố gắng khuyến khích họ giảm leo thang, nhưng chúng ta sẽ không can thiệp vào một cuộc chiến mà về cơ bản không phải là việc của chúng ta và không liên quan gì đến khả năng kiểm soát của Mỹ”, ông Vance nói với Fox News hôm 8/5.

Tuy nhiên, sự thay đổi quan điểm của ông Vance phản ánh mức độ lo ngại của Mỹ về cuộc xung đột đang leo thang giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết, sau khi nhận được thông tin tình báo báo động vào ngày 9/5 về mức độ có thể leo thang của cuộc xung đột, Bộ Ngoại giao Mỹ cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng một vai trò lớn hơn trong đàm phán giữa hai bên.

Liệu ngừng bắn có duy trì được lâu dài?

Mặc dù cả hai bên đã đồng ý ngừng bắn, nhưng những vi phạm liên tiếp ngay sau đó đã làm dấy lên lo ngại về tính bền vững của thỏa thuận. Ấn Độ và Pakistan đều cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, khiến nhiều người hoài nghi về khả năng duy trì thỏa thuận lâu dài.

Trong bối cảnh mâu thuẫn giữa hai quốc gia chưa được giải quyết triệt để, và với các động thái căng thẳng ở khu vực Kashmir, nguy cơ xung đột sẽ tiếp tục bùng phát nếu không có một giải pháp toàn diện và bền vững.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lenh-ngung-ban-an-do-pakistan-chi-la-khoang-lang-ngan-ngui-post1198589.vov
Zalo