Lệnh báo động 1 trên sông Hồng
16h 00 chiều nay (10/9), Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Vĩnh Phúc ban hành lệnh báo động 1 tại các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường.
Hồi 16 giờ 00 phút ngày 10/9, mực nước trên sông Hồng tại trạm đo thủy văn Đại Định đã lên tới +13,45m, vượt mức báo động I là 0,05m và có khả năng tiếp tục lên do lượng nước ở thượng lưu dồn về. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Vĩnh Phúc ra lệnh báo động 1 trên sông Hồng cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc.
Theo báo cáo nhanh của các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, hiện nay tại các xã Liên Châu, Hồng Châu, Trung Hà, Đại tự, Trung Kiên có 389 hộ dân sinh sống bám mặt đê Bối; có 25 ha hoa màu, 14 trang trại chăn nuôi quy mô lên đến hàng chục ngàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bị ngập trong nước lũ.
Trước tình hình đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các huyện triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo cấp báo động 1 đúng quy định. Tổ chức lực lượng, thực hiện công tác tuần tra, canh gác đê theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những hư hỏng của đê, kè, cống; nhất là các cống dưới đê và các trọng điểm xung yếu đê điều.
Đồng thời, thông báo cho nhân dân sinh sống vùng ngoài đê để chủ động sơ tán khi sự cố xảy ra. Bảo đảm thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra; thường xuyên cập nhật, gửi báo cáo sự cố công trình đê điều về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Vĩnh Phúc theo số điện thoại: 02113.862.518
Ngay sau khi có lệnh báo động 1, UBND huyện Yên Lạc đã tổ chức họp khẩn với 6 xã vùng ven sông Hồng bao gồm Liên Châu, Hồng Châu, Hồng Phương, Đại Tự Trung Hà, Trung Kiên để triển khai phương án di dời, cụ thể như sau:
Tại xã Liên Châu hiện có 76 công nhân đang làm việc trong các khu trang trại chăn nuôi, gần 100 hộ dân ngoài đê, khi mực nước lên mức báo động 3, đã lên phương án sẽ di rời vào trong đê Bối, tập trung tại các nhà văn hóa thôn dân cư, khu vực giáp sông Hồng không có cư dân sinh sống. Toàn xã có 12 trang trại, 7 trang trại chăn nuôi đang hoạt động quy mô lớn, tổng số diện tích trang trại là 81ha. Với 5 trang trại lợn đang nuôi hơn 5.000 lợn,; đàn gà tổng 413.000 con, trâu 50 con, hươu 30 con. Phương án di dời: 1 trang trại 2000 con sẽ cho di dời vào sân vận động, 1 trang trại 58.000 gà di dời vào nhà thể chất Trường Tiểu học Liên Châu, trang trại 220.000 con sơ tán vào nhà thể chất Trường THCS Liên Châu. Hiện nay, xã đã huy động hơn 100 người hỗ trợ di dời, chốt chặn tại các điểm xung yếu có nguy cơ ngập úng; phương tiện, vật lực hỗ trợ sẵn sàng.
Tại xã Hồng Châu có 197 hộ dân sinh sống bám mặt đê Bối, cách xa sông Hồng, xã có 1 trang trại 1 tập trung với 1.700 con lợn, đã tuyên truyền, vận động chủ trang trại di dời lợn, đem đi gửi ở trang trại khác an toàn hơn. Đàn bò sữa có 350 con, phương án cho tập Trung lên đê trung ương, tạo hàng rào chắn bảo vệ an toàn. Hỗ trợ di chuyển hơn 60 tấn chuối thu hoạch của người dân lên đê Trung ương.
Tại xã Trung Hà: Có 2 hộ dân thuê đất làm trang trại gà với hơn 40.000 con, UBND xã đã hỗ trợ 30 người tới di chuyển về nơi an toàn.
Tại xã Đại Tự: Hiện có 4 thôn dân cư tổng số 141 hộ ngoài đê Bối, nguy cơ nước lên xã đã có phương án di dời vào bên trong đê bối tập trung ở các trường học, nhà văn hóa thôn và các nhà dân. Hiện tại chưa thống kê được tổng số vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng. Ở các thôn Tam Kỳ 1, 2, 3 có tổng 341 hộ dân, triển khai các phương án tuyên truyền, săn sàng di dời về nơi an toàn.
Tại xã Trung Kiên: Hiện có 51 hộ gia đình ngoài đê bối, 25ha hoa màu đã đắp đê bao giữ. Đã lên phương án di dời nếu nước dâng cao.
Dự báo nước sông Hồng tiếp tục dâng cao, các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với các phương án sẵn sàng ứng phó thiên sẽ giảm tối thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra./.