Lên vùng cao đến chợ phiên
Chợ phiên là nét chấm phá độc đáo riêng có ở vùng cao. Vào dịp cuối năm, các phiên chợ càng trở nên thu hút hơn, bởi không khí và sản phẩm bà con mang xuống chợ.
Đa dạng sắc màu
Đi chợ những ngày cuối năm được nhiều người xem là sự lựa chọn thú vị. Trong đó, chợ phiên vùng cao là trải nghiệm không nên bỏ lỡ.
Ngay từ sáng sớm, khi trời còn mờ sương, trên các ngả đường vắt vẻo bám triền núi, những chàng trai, cô gái đã hối hả đổ về trung tâm xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) để tham gia chợ phiên. Không họp vào cuối tuần như nhiều phiên chợ vùng cao khác, chợ phiên Xá Nhè chỉ họp vào 2 ngày Mão và Dậu. Mặc dù quy mô nhỏ, song chợ hội tụ đủ nét văn hóa của cả đồng bào vùng núi và miền sông nước. Chợ cách trung tâm huyện chừng 15km về phía nam. Đây là nơi tập trung giao thương của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái… thuộc nhiều xã trải dài từ vùng thấp đến vùng cao, như: Xá Nhè, Mường Đun, Tủa Thàng và Mường Báng.
Đi chợ phiên những ngày cuối năm, bà con các dân tộc bản địa thường mặc trên mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Chính từ sự ý thức đó, người đến chợ đã biến nơi đây thành bức tranh sống động về sắc màu. Sự đa sắc của những chiếc váy xòe người Mông; chiếc khăn, áo ngũ sắc truyền thống của người Dao; những chiếc thắt lưng điệu đà hay sợi xà tích ấn tượng của chị em dân tộc Thái… Từng nét hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục của mỗi người đến chợ lại thể hiện nét riêng của dân tộc mình.
Hơn 7 giờ sáng, dòng người đổ về chợ phiên đông vui, nhộn nhịp. Xuống chợ dịp này, ông Sùng A Chớ, xã Xá Nhè mang theo những bó hương tự tay làm. Theo ông Chớ chia sẻ thì mặc dù hiện nay mặt hàng này được sản xuất và bày bán rất nhiều ở các cửa hàng, song đa phần đồng bào Mông vẫn có thói quen sử dụng hương tự làm theo cách truyền thống. Do vậy, ông Chớ không sợ ế, thậm chí vào các phiên chợ cận tết ông luôn hết hàng sớm.
“Với người Mông, dịp tết không thể thiếu nén hương và giấy gió tự làm. Nhưng không phải gia đình nào cũng có người biết làm và làm được. Vì nghề này rất vất vả, mất thời gian và cầu kỳ. Từ nhỏ tôi đã học làm theo bố và đến nay vẫn duy trì. Vừa để nhà dùng vừa mang bán cho các gia đình cần, nhất là dịp tết thế này. Đây cũng là cách chúng tôi giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.” - ông Chớ chia sẻ.
Tại chợ phiên Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) mặc dù mới đi vào hoạt động được vài tháng, song dịp này cũng bắt đầu nhộn nhịp với các mặt hàng chuẩn bị cho tết. Sau một năm làm lụng vất vả, phiên chợ cuối năm là lúc đồng bào vùng cao chi tiêu hào phóng nhất, bởi ai cũng muốn gia đình mình có một cái Tết thật tươm tất. Bởi vậy, trong số các gian hàng thì khu vực bán hàng thổ cẩm, trang phục truyền thống luôn thu hút đông đảo sự quan tâm. Các bà, các chị lựa chọn những bộ váy áo đẹp nhất để diện trong dịp Tết và tham gia các lễ hội xuân.
Nắm bắt nhu cầu người mua, chị Sùng Thị Trắng, bản Pu Nhi B, xã Pu Nhi mang xuống phiên chợ đa dạng mặt hàng và mẫu mã. “Trung bình mỗi phiên chợ trước tôi chỉ bán được vài bộ, nhưng từ cuối tháng 12 trở đi thì số lượng bán ra được nhiều hơn. Phiên chợ gần đây tôi bán được cả chục bộ. Không chỉ người đến mua, nhiều du khách ở nơi khác đến chơi chợ cũng vào gian hàng của tôi để tham quan và chụp ảnh nên không khí nhộn nhịp hơn rất nhiều.” - chị Trắng cho biết.
Tết ấm từ chợ phiên
Thông thường, hàng hóa được bày bán ở chợ phiên chủ yếu là nông sản, thực phẩm do bà con tự sản xuất. Tuy nhiên, vào dịp cận tết các mặt hàng trở nên đa dạng hơn, nhiều mặt hàng thâm chí “chỉ tết mới có”. Bởi thế, những chiếc gùi trên lưng người đi chợ cũng mang đủ loại, từ phương tiện sản xuất (rìu, dao, cuốc, xẻng); các loại khăn áo thêu tay; đến lương thực, thực phẩm (ngô, đậu đỗ, măng khô, rượu, gà, chó, vịt…). Thường các mặt hàng nông sản, rau củ quả được bà con bán khá rẻ (5.000 - 15.000 đồng/kg hoặc bó). Các sản phẩm thịt (lợn, gà) bán giá khá cao, gà từ 160 nghìn – 180 nghìn đồng/kg, thịt lợn 130 - 180 nghìn đồng/kg, song vẫn rất “đắt hàng” do là sản phẩm bà con tự nuôi.
Ở các vị trí rộng hơn thường bày bán hoa quả, đồ dùng thiết yếu (xoong nồi, chậu, bát đũa…) do các thương lái vận chuyển từ vùng khác lên bán. Giá cả phổ biến chỉ vài chục nghìn đồng mỗi chiếc (15 nghìn - dưới 100 nghìn đồng).
Không chỉ mang không khí, màu sắc riêng biệt, sự đa dạng về các mặt hàng cũng như nhu cầu mua bán, trao đổi tại các phiên chợ giáp tết cũng phần nào phản ánh cuộc sống có phần no đủ hơn và thành quả lao động đầy phấn khởi của bà con sau 1 năm vất vả lo toan.
Anh Sùng A Cháng, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) cho biết, năm nay việc chăn nuôi của gia đình khá thuận lợi, ít dịch bệnh. Sau khi tính toán để lại con giống nuôi tái đàn, anh Cháng dành 1 con lợn thịt ăn tết, còn 2 con mang xuống chợ phiên bán. “Năm nay chăn nuôi phát triển tốt. Phiên chợ vừa rồi tôi bán được 1 con rồi, phiên chợ tới bán 1 con nữa. Vậy là có thêm 1 khoản để sắm tết tươm tất cho các con.” - anh Cháng chia sẻ.
Không chỉ có nhu cầu mua bán hàng hóa, nhiều người đến chợ phiên dịp này đơn giản chỉ để hòa mình vào không khí nhộn nhịp ngày cuối năm. Họ tìm gặp người quen giao lưu, trò chuyện. Vì thế, ngoài nhộn nhịp bán mua, chợ phiên cuối năm bao giờ cũng đặc trưng hơn bởi một không gian đặc biệt ở khu ẩm thực. Những chén rượu men lá thơm nồng được nâng lên hạ xuống cùng với những cái bắt tay hồ hởi sau mỗi lần cạn chén. Đa phần người đến đây để trò chuyện, thăm hỏi, giao lưu với nhau. Những câu chuyện đời thường sau một năm lao động vất vả như nguồn khích lệ, động viên nhau lạc quan, tin tưởng vào năm mới nhiều khởi sắc.
Các phiên chợ thường họp từ sớm, nhưng đông vui nhất là tầm 9 – 12 giờ trưa, người dân từ các ngả xa, gần đã tụ họp về đông đủ. Chỗ thì chị em “túm năm tụm ba”, đôi tay thoăn thoắt với đường kim mũi chỉ; bên kia các chàng trai Mông chuếnh choáng bên can rượu mông pê thơm nồng; góc lại thấy dăm ba cụ già ngồi trao đổi với nhau về nghề rèn, nghề hương... Tất cả những mảnh ghép đơn giản ấy đã tạo nên một không khí nhộn nhịp, sống động.
Phiên chợ cuối năm đông vui, nhộn nhịp cho đến trưa. Đủ mọi nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng và đặc biệt là các sản vật của vùng cao đều được đưa đến bày bán. Đến khi mặt trời đứng bóng, các mặt hàng cũng vãn dần, bà con mới túc tắc rời chợ. Từng tốp, từng tốp người đeo gùi trên vai, men theo các con đường trở về bản. Mặc dù ngày nay cuộc sống của đồng bào cũng khác xưa, hòa nhập, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, nhưng những phiên chợ cuối năm vẫn đậm nét văn hóa đặc trưng của người vùng cao.