'Lên đời' cho thực phẩm bẩn - Kỳ cuối: Cơ quan chức năng vào cuộc
Ban Quản lý Cty Cổ phần Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản (ĐMNS) Thủ Đức khẳng định hành vi nhặt rác thải tại chợ rất phản cảm, các loại rau này là hàng hóa bỏ đi, không đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Do đó, đơn vị sẽ tăng cường kiểm soát và cấm tuyệt đối người dân đến nhặt rác tại chợ này.
xử lý tiểu thương vi phạm
Chiều 16/8, ông Nguyễn Nhu, Phó tổng giám đốc Cty Cổ phần Quản lý và kinh doanh (Cty Quản lý) chợ ĐMNS Thủ Đức đã có phản hồi với báo Tiền Phong về tình trạng người dân, tiểu thương nhặt rác ở chợ này để bán lại. Ông Nhu khẳng định rau củ quả trong đống rác mà báo nêu là hàng kém chất lượng, không thể sử dụng được. “Những thông tin báo Tiền Phong phản ánh hoàn toàn đúng. Nếu lượm về làm thức ăn chăn nuôi thì không có vấn đề gì nhưng đem bán lại thì không bảo đảm sức khỏe, bởi đây là hàng hóa bỏ đi. Việc này rất phản cảm”, ông Nhu khẳng định.
Theo lãnh đạo Cty Quản lý chợ ĐMNS Thủ Đức, mỗi đêm, một sạp hàng có thể nhập về 2 - 3 tấn nông sản và còn tồn 20 - 30 kg. Qua 2 - 3 ngày không bán được, số nông sản này được tiểu thương xem là hàng “nguội”, nếu trưng bày thì không đẹp mắt, còn bán thì chỉ được vài chục nghìn và tốn thời gian. Nhiều tiểu thương đổ bỏ hàng nguội để nhập hàng mới. Mỗi đêm, chợ ĐMNS Thủ Đức tiếp nhận trung bình khoảng 2.500 tấn rau củ quả. Lượng rác thải ra bình quân khoảng 36 tấn/ngày.
Về lý do để xảy ra việc người dân nhặt rau phế phẩm, ông Nhu cho biết, từ nhiều năm qua, đơn vị đã triển khai cho lực lượng bảo vệ tuần tra, kiểm soát nhưng còn sơ suất nên để xảy ra sự việc như báo nêu. “Người tới nhặt rác thường nói sẽ đem về làm thức ăn cho gia súc nhưng họ ra khỏi chợ thì chúng tôi không kiểm soát được. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cấm triệt để việc nhặt rác”, ông Nhu nhấn mạnh và cho biết thêm, Cty không hưởng lợi gì về việc này.
Ông Nguyễn Bình Phương, Giám đốc bộ phận Kinh doanh dịch vụ chợ ĐMNS Thủ Đức cho biết, một số chủ vựa cho người bên ngoài đến tận sạp lấy rác để đỡ tốn công vận chuyển ra điểm tập kết và nhân viên vệ sinh cũng đỡ tốn thời gian vào tận nơi thu gom. Đối với tiểu thương tại chợ nhặt rác bán lại, ông Nhu khẳng định sẽ xử lý nghiêm theo nội quy của chợ. Đơn vị sẽ mời tiểu thương lên làm việc để cảnh cáo và ký cam kết, nếu tái phạm sẽ niêm phong điểm kinh doanh từ 2 - 7 ngày. Trường hợp nghiêm trọng hơn, đơn vị sẽ báo cáo cho Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM hoặc chính quyền địa phương về việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng. Bước cuối cùng, Cty sẽ ngưng hợp đồng thuê sạp với tiểu thương vi phạm. “Trường hợp người vi phạm chỉ làm thuê hoặc là đối tác của chủ sạp, chúng tôi sẽ làm việc với chủ sạp”, ông Nhu cho hay.
Quản không xuể
Trao đổi với phóng viên, PGS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TPHCM cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay trong quản lý thực phẩm là quan điểm của người tiêu dùng chưa có nhiều chuyển biến. Sau dịch bệnh, mô hình buôn bán tự phát vẫn nở rộ, thu nhập giảm nên người dân có xu hướng sử dụng thực phẩm giá rẻ. Việc mua bán thực phẩm thông qua mạng không kiểm tra, kiểm soát được nguồn gốc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ. “Người dân mua thực phẩm trôi nổi có thể phải đối mặt với tình trạng một đồng tiết kiệm hôm nay, ngày mai phải trả giá bằng mười đồng mua thuốc trị bệnh”, PGS Phong Lan cảnh báo.
Theo giám đốc Sở ATTP TPHCM, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là các cơ sở chế biến thực phẩm cố tình trà trộn mặt hàng kém chất lượng vì mục tiêu lợi nhuận. Tình trạng mua bán thực phẩm tràn lan ở vỉa hè, lòng đường, chợ tự phát là rủi ro hiện hữu. TPHCM đã thành công trong việc tập trung tiểu thương vào chợ đầu mối, có những mối hàng quen, hàng ngon từ các chợ đầu mối cung ứng cho chợ truyền thống. Tuy nhiên, hàng hóa từ các chợ vỉa hè, chợ tự phát hoặc mối hàng riêng từ các địa phương tuồn về đang gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
“Các loại hàng hóa, thực phẩm nói trên hầu hết không có hóa đơn, chứng từ. Tôi không nói tất cả là thực phẩm mất an toàn. Tuy nhiên, nguy cơ ngộ độc, mất ATTP luôn tiềm ẩn với người tiêu dùng. Thực tế, không ai kiểm tra được và không có lực lượng nào có thể kiểm soát nổi hàng hóa này ở khu vực cửa ngõ vào thành phố và các đường nhánh khi gian thương cố tình vi phạm”, PGS Phong Lan thừa nhận.
Lãnh đạo Sở ATTP TPHCM cho biết, gần đây một loại thực phẩm đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tiêu dùng là các sản phẩm bao gói sẵn, nhập lậu từ các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc. Từ bánh kẹo cho đến thực phẩm chế biến sẵn đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Tình hình càng nghiêm trọng hơn với mô hình bán hàng online. Hàng lậu mất an toàn tràn qua biên giới, sau đó được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Trong khi, việc quản lý bán hàng online của cơ quan quản lý thị trường đang gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một trong những vấn nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng là tình trạng sử dụng hóa chất cấm trong thực phẩm. Theo PGS Phong Lan, hóa chất công nghiệp chứa nhiều tạp chất có thể gây bệnh lý nguy hiểm cho người sử dụng. Hiện nay, 16 sạp hàng trong chợ Kim Biên đã được kiểm soát chặt chẽ về mua bán hóa chất. Tuy nhiên, nhiều hộ bán hóa chất không thuộc quản lý của ngành ATTP, không được cấp phép và theo quy định, nếu không cấp phép thì không được kiểm tra gây khó khăn cho công tác quản lý.
“Nếu thực phẩm bị trộn hóa chất công nghiệp thì việc kiểm nghiệm rất khó phát hiện. Một loại hương liệu để làm cà ri nếu sử dụng phụ gia thực phẩm và sử dụng phụ gia công nghiệp thì kết quả kiểm nghiệm sẽ giống hệt nhau, độ tinh khiết đạt khoảng 95% nhưng không thể phát hiện được thực phẩm có lẫn tạp chất gì khiến việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta cần có giải pháp quản lý hóa chất chặt chẽ khiến người thường không thể mua được. Ai mua hóa chất phải có hóa đơn chứng từ, phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng để ngăn chặn hành vi phạm pháp”, bà Lan kiến nghị.
Giám đốc Sở ATTP TPHCM chia sẻ, khi đi kiểm tra ở chợ truyền thống, bà thường hỏi tiểu thương hàng được mua ở sạp nào của chợ đầu mối. Nếu không chứng minh được nguồn gốc thì rõ ràng đó là hàng trôi nổi. Theo quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng được quyền tịch thu, tiêu hủy. PGS Phong Lan khuyến cáo: “Để ngăn chặn thực phẩm bẩn, kém chất lượng, người dân chính là chìa khóa. Cộng đồng cần phải chủ động bảo vệ sức khỏe của mình bằng việc mua hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Mua hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ chẳng những có nguy cơ bị ngộ độc cấp tính mà nguy hiểm hơn là tình trạng ngộ độc mạn tính dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư”.
Kinh doanh rau phế phẩm bị xử lý như thế nào?
Luật sư Lê Thị Thủy (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: Kinh doanh rau phế phẩm, sản phẩm đã bị biến chất, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá thời hạn sử dụng, không đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm như trên là hành vi bị cấm. Tùy mức độ vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm, xử phạt khác nhau. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 - 500 nghìn đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1 triệu đồng thì mức xử phạt cao nhất lên đến 50 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng, với tổ chức là 200 triệu đồng. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người phạm tội có thể bị truy cứu hình sự. Mức phạt cho hành vi này là 12 - 20 năm tù. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Luật sư Nguyễn Văn Tín (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 1-6 tháng, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 1 tháng đến 24 tháng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.