'Lên đời' cho thực phẩm bẩn: 'Hô biến' rác thành... rau nhà trồng

Nhiều ngày có mặt tại Chợ Đầu mối Nông sản (ĐMNS) Thủ Đức (thành phố Thủ Đức, TPHCM), nhóm phóng viên Tiền Phong ghi nhận, ngoài những người nhặt rau củ phế phẩm về chăn nuôi, có không ít người của các sạp hàng tại chợ cũng tham gia nhặt thực phẩm rác này rồi bán lại.

Nhặt buổi sáng, bán buổi chiều

Sáng 6/8, người phụ nữ tên M. tiếp tục nhặt khoai lang đã hư hỏng và bốc mùi hôi được vứt thành đống trên bãi rau bắp cải ở khu chợ B, Chợ ĐMNS Thủ Đức. Cùng với bà M, có khoảng 10 người khác hì hục lựa từng củ khoai.

Nhóm người nhặt khoai lang đổ tràn bên đống rác Ảnh: Thuận Nhàn

Nhóm người nhặt khoai lang đổ tràn bên đống rác Ảnh: Thuận Nhàn

Trong vai một người đi lượm rau củ phế phẩm, phóng viên chần chừ khi thấy mùi khoai lang thối bốc lên. Thấy vậy, bà M, liền trấn an: “Thối đâu mà thối, ngon muốn chết nè. Thối một tí chứ lành nguyên thì ai mà cho, ai mà bỏ ra. Ăn được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Chê xấu nhưng cứ đổ ra thì có người nhặt ngay”. Nói rồi, người này dùng dao cắt đôi củ khoai để chứng minh khoai còn dùng được và khoe hôm nay bà gặp may, đến sau cùng nhưng nhặt được tới 3 bịch khoai lang.

Trước đó, bà M, đã nhặt nhiều trái cà tím hư hỏng bị vứt tại bãi rác ở đường B Chợ Thủ Đức. Đến khoảng 9 giờ, người này cột các túi chứa rau củ phế phẩm nhặt được lên xe máy và chở về nhà như thường lệ. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, bà M, chở các loại rau củ như: cà tím, khoai lang, khổ qua, bí đỏ, hành tây, bầu, bí đao, khoai tây, dưa leo, táo, cam… ra căn nhà trên đường Thủ Khoa Huân (tỉnh Bình Dương) để bày bán. Tất cả đều được cắt gọt bỏ phần hư hỏng, thối, bày tràn ra vỉa hè, ruồi bay, đậu khắp nơi.

Người phụ nữ nói, rau củ bán theo “mớ” với giá từ 5 nghìn đồng trở lên/mớ và không bán theo ký. Khi phóng viên hỏi vì sao các củ khoai đều bị cắt gọt gần hết, bị mốc và chấm đen thì người phụ nữ khẳng định “đây là loại khoai ngon, bị đứt một phần khi đào, ăn được bình thường, có thể để lâu”. Những củ khoai còn nguyên thì đã được bán sỉ cho bạn hàng. “Đồ nhà (rau củ nhà trồng - PV) xấu xấu nhưng mà chất lượng. Mua 5 nghìn đồng đến 10 nghìn đồng là đủ ăn, không cần mua nhiều”, bà M, nói và cho biết bà bán rau củ ở đây được hơn 10 năm.

Mua một phần cà chua được đóng sẵn trong bịch và một ít khoai lang, cà tím đem về nhà, phóng viên nhận thấy tất cả số rau củ này đều có dấu hiệu hư hỏng. 9 quả cà chua đựng trong túi nylon được lót bằng miếng xốp thì có 5 quả đã bị cắt bỏ một phần hoặc gần hết, bị chảy nước, mềm nhũn, có mùi hôi, còn số cà tím và khoai lang thì bị héo.

Để kiểm chứng nguồn gốc rau củ, phóng viên tìm đến căn nhà tạm của bà M, và ghi nhận xung quanh nhà bà có trồng một số loại rau thơm chứ không có cà tím, cà chua, khoai lang… Gần 2 tuần có mặt tại chợ ĐMNS Thủ Đức, phóng viên ghi nhận bà M, thường xuyên nhặt nhạnh rau củ bỏ đi và chở về căn nhà trên rồi mang đi bán.

Sáng 13/8, bà M, tiếp tục đến nhặt rau phế phẩm tại chợ ĐMNS Thủ Đức. Khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, bà M. chở nhiều loại rau củ ra căn nhà trên đường Thủ Khoa Huân (phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) để bày bán.

Trong khoảng một giờ quan sát, chúng tôi ghi nhận có nhiều người ghé vào mua rau củ, trái cây của bà M, Khoảng 17 giờ, người phụ nữ đi bộ đến sạp của bà M, để mua hàng. Sau một hồi chọn lựa, người này mua một túi cam hơn 10 quả (trong đó có 1 số quả đã được cắt một nửa, một số quả có đốm đen) với giá 10 nghìn đồng. Khi biết bà M. nhặt rau củ quả từ các đống rác tại chợ ĐMNS Thủ Đức về bán lại, người này hoảng hồn và vứt luôn bịch cam vừa mua.

Chia sẻ với phóng viên, một người phụ nữ khác cho hay, bà cũng thường mua rau củ tại đây vì thấy bà M. bán với giá “nới” hơn những nơi khác.

Gọt chỗ hư là ok

Trong buổi sáng 6/8, tại chợ ĐMNS Thủ Đức ngoài bà M, còn có khoảng 10 người khác tranh nhau đổ những bao nylon chứa khoai lang ra rồi dùng tay bới, nhặt các củ có thể dùng được. Một người đàn ông động viên chúng tôi: cứ nhặt về, cắt bỏ phần hư là có thể chế biến món ăn.

Sạp rau của bà M Ảnh: Thuận Nhàn

Sạp rau của bà M Ảnh: Thuận Nhàn

Một phụ nữ khoảng 50 tuổi kéo 2 túi nylon rau củ phế phẩm về phía mình và ra hiệu cho những người khác không được đụng vào, rồi gọi con gái mang rổ lớn ra để đựng. Khoai lang nhặt được, bà này mang về sạp rau củ gần đó và nhặt từng củ cho vào túi nylon rồi chất lên ô tô mang biển kiểm soát TPHCM của một thanh niên đang đỗ kế bên. Tiếp đến, người này bê rổ nhựa chứa số khoai lang còn lại vào bên trong sạp.

Sạp của người phụ nữ này có bán bí đỏ, hành tây, bí đao, gừng tươi… đựng sẵn trong túi nặng khoảng 10kg, 20kg. Khi phóng viên hỏi có bán số khoai lang vừa nhặt đựng trong rổ và túi nylon hay không, người này trả lời “có” và nói đây là giống khoai lang Nhật, giá bán 15 nghìn đồng/kg.

“Loại khoai này ở bên kia (các sạp khác - PV) giá 27 nghìn đồng/kg”, người phụ nữ nói.

Nghe chúng tôi hỏi mua 2kg, người phụ nữ nhặt khoảng 20 củ khoai cho vào túi nylon rồi để lên chiếc cân bên cạnh. Vừa nhặt, người phụ nữ đưa củ khoai lang lên và dặn phóng viên về cắt bỏ các chỗ bị hư hỏng. Dù túi khoai nặng hơn 5kg nhưng người phụ nữ chỉ lấy 30 nghìn đồng.

(Còn tiếp)

Trái ngược với lời khẳng định “rau củ dùng còn tốt, còn ngon” của những người lượm rau phế phẩm, anh T, (làm việc trong một sạp bán khoai môn, khoai tây tại nhà lồng chợ B) khẳng định, hầu hết số rau củ, quả bị vứt bỏ đều đã hư hỏng, không đủ chất lượng để bán lại cho khách. “Ngày nào cũng có người đến nhặt mang đi. Nhiều năm nay đều có cảnh tượng này tại chợ”, anh T, xác nhận.

Hoàng Thuận - Nhàn Lê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/len-doi-cho-thuc-pham-ban-ho-bien-rac-thanh-rau-nha-trong-post1664068.tpo
Zalo