Lệch pha cung cầu nhân lực: Thách thức lớn cho doanh nghiệp

Dù việc tuyển dụng tăng lên là một tín hiệu tích cực, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng, đặc biệt là các vị trí đòi hỏi kỹ năng cao. Điều này đặt ra thách thức vừa mở rộng quy mô vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để cạnh tranh khốc liệt.

Niều doanh nghiệp tăng tuyển lao động. Ảnh minh họa: LH

Niều doanh nghiệp tăng tuyển lao động. Ảnh minh họa: LH

Nhu cầu tuyển dụng tăng trở lại

Nhu cầu tuyển dụng lao động tại TPHCM đang tăng cao, trái ngược với những lo ngại trước đó về ảnh hưởng của các biện pháp thuế quan từ Mỹ hay các yếu tố quốc tế khác.

Thực tế, các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp sản xuất như dệt may, da giày, chế biến gỗ vẫn duy trì và mở rộng hoạt động tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng. Theo bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, trong quí 3 này, các doanh nghiệp tại thành phố dự kiến cần tuyển khoảng 85.000 đến 90.000 lao động mới, cho thấy mức độ phục hồi rõ rệt của thị trường lao động nội địa. Trong đó, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 58% tổng nhu cầu, chủ yếu tập trung trong các ngành dệt may, da giày và lắp ráp đơn giản.

Các doanh nghiệp như Công ty May thêu giày An Phước, Đại Dũng, Hải Nam đều đẩy mạnh tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu. Đơn cử, An Phước dự kiến tuyển 135 lao động, chủ yếu làm các công việc như may, ủi, phụ giúp sản xuất tại các nhà xưởng trong KCN Tân Bình. Trong khi đó, Công ty Đại Dũng cần hàng trăm lao động kỹ thuật như thợ hàn, thợ cơ khí, lắp ráp; còn Công ty Hải Nam cũng tuyển hơn 100 lao động để phục vụ các dự án xuất khẩu và công trình nội địa.

Ngoài ra, các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế tạo tự động, cơ khí chính xác cũng ghi nhận nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Công ty Duy Khanh, sau khi tuyển hơn 30 lao động trong 6 tháng qua, tiếp tục cần thêm 20 người để đáp ứng đơn hàng và thay thế lực lượng lao động nghỉ việc do chuyển chỗ làm. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV, nhấn mạnh rằng việc tuyển dụng không chỉ nhằm mở rộng sản xuất mà còn giúp bù đắp thiếu hụt nhân lực do quá trình chuyển đổi địa bàn từ nội thành sang Khu Công nghệ cao TPHCM.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cũng ghi nhận, các doanh nghiệp lớn thường xuyên liên hệ để tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp.

Không chỉ TPHCM, doanh nghiệp Đồng Nai cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn. Các phiên giao dịch gần đây cho thấy thị trường lao động đối nghịch: nhu cầu tuyển dụng tăng cao, nhưng số lao động đến phỏng vấn rất hạn chế. Từ đầu năm 2025, khoảng 500 doanh nghiệp đăng ký tuyển gần 24.000 người, nhưng lực lượng lao động đáp ứng chỉ đạt 20-30% nhu cầu.

Nhu cầu tuyển dụng tại các tỉnh phía Bắc cũng đang ghi nhận xu hướng tăng cao, phản ánh một bức tranh tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp toàn quốc.

Các phiên giao dịch việc làm trực tuyến quy mô lớn tại 8 tỉnh thành phía Bắc gồm Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thái Bình, Quảng Ninh và Ninh Bình vào tháng qua đã minh chứng rõ nét cho điều này, khi nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp tại đây lên tới gần 100.000 vị trí.

Đặc biệt, các doanh nghiệp mở rộng hoạt động do nhu cầu đơn hàng tăng, nhu cầu mở rộng sản xuất. Các vị trí tuyển dụng thường tập trung vào những công việc dễ tuyển, không yêu cầu quá khắt khe, phù hợp với lao động phổ thông và những lao động có kỹ năng trung bình.

Các số liệu từ nền tảng tuyển dụng Việc Làm Tốt cũng cho thấy thị trường lao động Việt Nam đang có đà tăng trưởng cao. Trong nửa đầu năm, nhu cầu tuyển dụng toàn quốc đã tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù một số lĩnh vực như sản xuất chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế của Mỹ đã ghi nhận sự sụt giảm tuyển dụng trong tháng 4 và 5, nhưng đến giữa năm, các tín hiệu tích cực đã rõ ràng hơn nhờ các nỗ lực đàm phán thuế quan của Chính phủ.

Khoảng 77% doanh nghiệp trong khảo sát dự kiến sẽ duy trì hoặc tăng kế hoạch tuyển dụng trong 6 tháng cuối năm nay, trong đó hơn một nửa dự kiến mở rộng hoạt động sản xuất tại các địa phương mới sáp nhập để tận dụng nguồn lao động sẵn có.

Lệch pha cung cầu...

Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng, nhưng sự mất cân đối ngày càng rõ rệt giữa cung và cầu lao động khiến việc tuyển dụng trở nên ngày càng khó khăn.

Một trong những nguyên nhân chính là sự thay đổi trong xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của người lao động trẻ. Thay vì làm việc trong các nhà máy, dây chuyền hay ca kíp, họ ưu tiên các công việc linh hoạt, có thể chủ động về thời gian như tài xế công nghệ, bán hàng online hay các công việc tự do.

Việc tuyển lao động kỹ thuật càng khó.

Việc tuyển lao động kỹ thuật càng khó.

Giới trẻ ngày nay coi trọng trải nghiệm, sự tự chủ và môi trường làm việc phù hợp với giá trị sống mới. Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, nhận định rằng xu hướng này phản ánh sự thay đổi trong nhận thức và tiêu chuẩn về nghề nghiệp của thế hệ trẻ.

Ngoài ra, việc tuyển dụng lao động phổ thông cũng gặp khó khăn do nhiều người lao động chọn làm việc gần nhà để tiết kiệm chi phí, dù mức lương thấp hơn. Trước đây, các lao động từ các tỉnh thường đổ dồn về TPHCM, Bình Dương để tìm kiếm việc làm tại các KCN, nhưng hiện nay, nhiều địa phương đã phát triển các KCN, tạo việc làm tại chỗ, khiến người lao động ít còn mặn mà với việc di chuyển xa. Điều này gây ra lệch cung cầu rõ rệt: doanh nghiệp cần lao động có tay nghề cao, trong khi nguồn cung chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo, muốn việc nhẹ, lương cao, ít tăng ca, trái ngược hoàn toàn với yêu cầu sản xuất cần tăng ca để đảm bảo tiến độ.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho rằng thay đổi này xuất phát từ nhận thức và giá trị sống mới của thế hệ trẻ. Họ không chỉ quan tâm đến thu nhập mà còn chú trọng trải nghiệm, tự chủ và môi trường làm việc.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM (HAMEE), cho biết nhiều hội viên của HAMEE cũng gặp khó trong tuyển dụng nhân sự vì yêu cầu đào tạo chuyên sâu. Thực tế, kỹ thuật viên, kỹ sư cơ khí thường bị doanh nghiệp FDI hoặc các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan săn đón ngay từ trường học, khiến nguồn lao động trong nước thiếu hụt trầm trọng, phần lớn do xuất khẩu lao động.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia khuyên các doanh nghiệp cần đổi mới phương thức tuyển dụng phù hợp xu hướng số hóa, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa quá trình tuyển chọn, đánh giá ứng viên. Các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, phần mềm quản lý tuyển dụng giúp lọc ứng viên dựa trên kinh nghiệm thực tế, giám sát hiệu suất và tự động lập báo cáo, từ đó nâng cao hiệu quả tuyển dụng.

Bên cạnh đó, vấn đề giữ chân người lao động là yếu tố then chốt để giảm thiểu rủi ro thiếu hụt nhân lực. Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các chính sách thưởng, hỗ trợ về tài chính, điều kiện sinh hoạt như tiền thưởng thi đua, hỗ trợ tiền trọ, ăn uống, hoặc tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho nhân viên.

Tuy nhiên, để giải quyết bài toán lệch pha cung-cầu lao động một cách bền vững, các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực dài hạn. Điều này bao gồm việc xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo liên tục cho đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên trẻ, đồng thời tạo môi trường làm việc tích cực, thân thiện, phù hợp với xu hướng sống và làm việc của thế hệ mới. Chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần xây dựng một thị trường lao động ổn định, hiệu quả hơn trong tương lai.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lech-pha-cung-cau-nhan-luc-thach-thuc-lon-cho-doanh-nghiep/
Zalo