Lệ 'thu thẩm' xét án

Thời nào cũng vậy, chính quyền đều cẩn thận trong việc xử án, mong muốn giảm nhẹ hình phạt để người dân hưởng sự khoan hồng, người phạm tội có cơ hội cải tạo. Do đó, các triều đại phong kiến đều có chính sách kiểm soát lại các án đã xử.

Thời Lê trung hưng, đời Lê Dụ Tông, năm Vĩnh Thịnh thứ 13, triều đình đã đưa ra lệ “loát tụng”, cấp trên soát lại án đã xử của cấp dưới: Hạ tuần tháng 10 (tháng ngày xưa chia làm 3 tuần, mỗi tuần 10 ngày), quan phủ soát lại những án quan huyện đã xử; thượng tuần tháng 11, Thừa ty soát lại án của quan phủ xử; trung tuần tháng ấy, Hiến ty soát lại những án xử của các nha môn Thừa ty và Trấn thủ, Lưu thủ; hạ tuần tháng ấy, Cai đạo soát lại những án xử của Hiến ty; cũng trong tuần ấy, quan Ngự sử soát lại các án của Cai đạo xử, các án đều có hạn một tuần phải soát xong. Đến thượng tuần tháng Chạp, quan Ngự sử đem hết sổ án của mình mà các nha môn gửi lên Chính đường (thuộc phủ chúa Trịnh).

Nhờ chính sách nhân đạo, soát lại án trong kỳ "thu thẩm", nhiều tội nhân thời Nguyễn được giảm tội chết, đổi thành tội lưu (đày tới miền xa), hay đồ làm lính. (Ảnh minh họa).

Nhờ chính sách nhân đạo, soát lại án trong kỳ "thu thẩm", nhiều tội nhân thời Nguyễn được giảm tội chết, đổi thành tội lưu (đày tới miền xa), hay đồ làm lính. (Ảnh minh họa).

Đó là thời Lê mạt quyền hành cả nước nằm trong tay chúa. Sang đến triều Nguyễn, hằng năm đích thân nhà vua sẽ soát lại các án lớn và thường soát vào mùa thu, gọi là kỳ “thu thẩm”. Như trong bộ sử “Đại Nam thực lục” của triều Nguyễn cho biết, ngay sau khi Vua Gia Long qua đời, Vua Minh Mạng lên nối ngôi, vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820), vào mùa thu, tháng 7: “Bộ Hình tâu dâng án thu thẩm. Vua thân tự xét xử phần nhiều giảm nhẹ và hành hình”.

Đến mùa thu năm Minh Mạng thứ 3 (1822), mùa thu, tháng 9, bộ sử này cho biết, khi nhà vua xét tù phạm trong kỳ thu thẩm năm đó, các hình quan đã chia làm hai sách, là “tình chân” (tức tình thực đáng tội) và “hoãn quyết”(hoãn hành hình) mà tâu lên. Vua duyệt xem, phê rằng: “Tù phạm đáng xử quyết thì bắt giam. Có tên trọng phạm là Trần Hung kỳ thu năm ngoái kêu oan, giao tra xét án chưa tâu lên, Bộ Hình nhân thế ghi lầm vào sách tình chân. Lại có tù hoãn quyết là Lê Nhị bỏ sót không đăng để xét”. Các quan Bộ Hình nghe vậy, tự giác nêu ra xin chịu tội. Nhà vua giao xuống đình thần bàn xử, mỗi vị đều bị xét đáng phải giáng 4 cấp, đổi đi nơi khác.

Sau đó, nhà vua dụ rằng: “Nhà nước minh việc hình để giúp giáo hóa, cho nên đặt ra Bộ Hình, thì tất cả các án phải nghiên cứu rõ ràng cẩn thận, phân biệt tội trạng, đình nghị tâu lên, trẫm mới có thể nắm mức chung mà xét đoán. Nếu có việc chưa xác đáng, tình có thể tha, không khai vào sách tâu thì trẫm biết đâu mà rửa oan được. Phỏng có một kẻ nào không được ơn, phải ngậm oan trong ngục, đến nỗi phạm hòa khí của trời, thì ai chịu lỗi ấy. Trẫm mới nghĩ đến đấy đã thấy rùng mình rồi. Án Trần Hung và Lê Nhị, may mà biết sớm, không thế thì kẻ vô tội đã bị chết oan, kẻ có tội lại được may sống. Kẻ có tội giả sử được chậm giết cũng không hại lắm, mà kẻ vô tội trót đã bị hình mà chết thì có sống lại được đâu. Tội của Bộ Hình đã bất tất nói, mà trẫm cũng chẳng khỏi lỗi bất minh. Làm tôi con mà để lo cho vua cha thì tội còn nói sao đây? Lời bàn của đình thần thực là xác đáng, không phải nghiêm khắc đâu”.

Sau đó, các vị quan này do tự phát hiện ra sai sót sớm nên chỉ bị giáng 1 cấp, lưu lại làm việc để bắt gắng sức sau này.

Theo “Đại Nam thực lục” thì đến mùa thu năm Minh Mạng thứ 4 (1823), triều Nguyễn mới định lại lệ thu thẩm. Cụ thể: Hằng năm, đến kỳ thẩm án mùa thu, Bộ Hình xét chép tội trạng những tù tử hình phân biệt làm 3 loại: tình chân, hoãn quyết và căng nghi (tức là đáng thương và còn ngờ), giao đình thần duyệt rõ bàn lại làm tờ tâu lên, cho Thiêm sự 6 bộ cũng được dự.

Vua Minh Mạng ban dụ rằng: “Hình ngục là mệnh lớn của nước, cốt sao không oan uổng, không buông thả, cho được công bình. Trẫm nay sai Thiêm sự dự nghị là muốn hỏi rộng lời bàn của nhiều người mà xem bọn ngươi giữ lòng đoán ngục thế nào?”.

Mùa thu năm Minh Mạng thứ 4 (1823), nhà vua xem sách án thu thẩm, thấy nhiều chỗ nhầm lẫn, đã dụ Bộ Hình: “Từ sau phải cẩn thận hơn, sao cho công bằng đúng đắn, để giúp cho trẫm hình ngục được thận trọng, công việc được nghiêm cẩn”.

Một vụ trọng án cụ thể sau khi soát thu thẩm năm Minh Mạng thứ 5 (1824) đã khiến các quan Bộ Hình bị giáng chức. Đó là vụ án mạng Lê Văn Triệu, bọn biện lý công việc Bộ Hình là Ngô Bá Nhân vì quá nghe lời ty thuộc trong bộ mà mở buộc tội cho Nguyễn Tử Bộc; sau khi đình thần xét lại, kẻ phạm là Nguyễn Văn Thân nhận tội, tình oan của Nguyễn Tử Bộc mới được rõ. Do đó, Vua Minh Mạng đã dụ bảo thị thần rằng: “Khó khăn thay việc xử đoán hình án. Trước kia nếu ta chẳng xét kỹ, cứ theo lời bộ bàn, thì Văn Thân lọt lưới mà ngậm oan như Tử Bộc cũng chẳng phải là ít. Mỗi năm đến kỳ thu thẩm, đã sai đình thần duyệt kỹ, lại khiến Thiêm sự đều được dự để cho rộng ý kiến nhiều người, trẫm lại tự kiểm duyệt, chính vì thế thôi”.

Đến khi án dâng lên, Ngô Bá Nhân là người thụ lý chính, triều đình bàn giáng 4 cấp đổi đi, Trần Bá Kiên dự việc ấy ít ngày, bị nghị án giáng 2 cấp lưu. Vua thấy bọn Bá Nhân sau khi bị lỗi biết cảm khích mà lo hăng hái tình cũng đáng thương, nên gia ân cho Bá nhân giáng 3 cấp, Bá Kiên giáng 1 cấp, đều cho vẫn biện lý việc bộ.

Tháng 5 năm Minh Mạng thứ 6 (1825), triều Nguyễn cho đổi lại lệ thu thẩm cho các địa phương. Bộ Hình tâu rằng: “Việc hình ngục là quan hệ đến mạng người. Người xưa trong lúc xử đoán, 3 lần xét lại, 5 lần tâu lên, là để cẩn thận việc hình vậy. Xét trong luật lệ chép rằng: Đến kỳ thu thẩm thì các quan dinh trấn đem cả những tù phạm tội nặng mà xét nghĩ chia làm các hạng tình chân, hoãn quyết, căng nghi mà đề lên, do bộ xét lại sách án mà tâu lên. Nhưng, từ trước đến nay, sách án các địa phương tâu lên chỉ kể qua những họ tên quê quán tội trạng của tù phạm mà thôi, còn như tình chân hoãn quyết hay căng nghi thì chưa từng xét nghĩ. Xin bắt đầu từ năm nay, phàm đến kỳ thu thẩm, các thành dinh trấn đều xét kỹ những tù tội nặng, người nào tình thực tội đúng, hoặc nên hoãn, hoặc nên thương, thì chia làm 3 bản tình chân, hoãn quyết, căng nghi, do bộ xét lại sách án mà xin giao đình thần xét lại đề lên để đợi chỉ định đoạt”. Nhà vua chuẩn y lời tâu này.

Tháng 9 năm đó, Vua Minh Mạng lại sai Bộ Hình xét rõ điển lệ nước Thanh và xem xét châm chước phép đời xưa, định ra phép 3 lần phúc.

Vua dụ rằng: “Hình ngục là mệnh lớn của thiên hạ. “Ngu điển” nói kính cẩn thương xót. “Chu thư” nói cẩn thận việc hình, thực là coi trọng mạng người, không thể không xét cẩn thận. Đời xưa mỗi khi có tử hình phải 3 lần tâu lại mới hành hình, đó là lấy lòng không nỡ mà làm chính trị không nỡ, cốt là giết để khỏi phải giết, dùng hình để không có việc hình mà thôi. Trẫm sớm trưa lo lắng, chỉ nghĩ sao cho trăm họ cho được toàn, rất thương dân ngu chưa biết tự quý thân mình mà không phạm phép. Lại sợ các nha môn xử hình xét đoán chưa đúng hết, cho nên các giấy tờ về hình án trong ngoài dâng lên, không việc gì là không lặng lẽ suy xét kỹ càng, nếu có một chút đáng thương đáng ngờ thì không nỡ làm tội ngay, như trước nghĩ xử trảm giảo ngay thì thường đổi mà hoãn quyết để đợi xét lại.

Tới kỳ thu thẩm Bộ Hình dâng sách hình thì giao cho đình thần bàn lại. Tới khi dâng trình trẫm lại mở xem 2-3 lần để tìm kỹ những lẽ có thể cho sống. Gián hoặc tội trạng rõ rệt muôn phần không thể tha được, trẫm cũng phải xét đi xét lại kỹ càng 5-6 lượt. Đến khi bắt hành hình còn phải châm chước bàn bạc mãi, sao cho không còn ngờ chút nào mới cho bắt. Là bởi do bất đắc dĩ nên động lòng xót thương mà tự mình cũng không biết, chứ có phải chỉ 3 lần xét lại thôi đâu!”.

Nhà vua nói tiếp: “Gần đây thu thẩm, trẫm mới một lần cho bắt Bộ Hình đã tuân hành ngay, không có tâu lại nữa, sợ không phải là bản ý cẩn thận về án thương xót về hình. Vậy, từ nay người bị tội chết thì cứ hằng năm tới kỳ thu thẩm các thành dinh trấn trước hết xét lục làm danh sách đề lên, hạn trong tháng 6 thì đến bộ, bộ thần xét hỏi, hạn trong tháng 8 tâu sách lên, giao cho đình thần bàn lại, hạn trong tháng 9 làm bản dâng trình, đợi trẫm xét định. Nếu có lệnh bắt người phạm tội thì Văn thư phòng phải đóng dấu “Ngự tiền chi bảo” vào bản dụ và trong bản bắt đến để đưa sang bộ; bộ thần lại cứ người phạm bắt đến mà làm bản khác tâu lại, sau khi được chỉ mới thi hành. Còn những án được phân xử từ đầu mùa thu về sau thì xếp vào sách thẩm sang năm. Ghi làm lệ”.

Sau đó, vua xem sách thu thẩm, những phạm nhân đáng tội đều được đình bắt, những phạm nhân hoãn quyết và còn ngờ thì trích ra kẻ nào tội tình nhẹ thì giảm tội chết phát đi sung quân.

Vua dụ đình thần rằng: “Mạng người rất trọng, nếu có một chút đáng thương mà cứ hành hình ngay, thì lòng hiếu sinh không nỡ. Gần đây lại gặp sao chổi thì việc hình ngục càng nên cẩn thận, cho nên nay cho đình bắt một lần, đó là biểu hiện của lòng thương xót, không phải là việc chính trị nhu nhơ đâu. Huống chi các địa phương xét hỏi, bản lai diện mục chưa chắc đã là không sai, nay lại chỉ xét đoán ở trên giấy tờ mà lại không để ý kính cẩn thương xót hay sao?”.

Các năm sau đó, trong các kỳ thu thẩm, Vua Minh Mạng đều sai tha tội chết cho nhiều tội nhân, như năm Minh Mạng thứ 9 (1828), giảm án tử hình cho hơn 150 người, năm thứ 15 (1834), cho giảm tội chết, thay bằng phát đi sung quân hơn 60 người. Dịp thu thẩm năm thứ 20 (1839), Vua Minh Mạng đặc cách chuẩn cho hơn 70 người được giảm tội chết, cho phát đi làm quân làm binh.

Sang đời Vua Thiệu Trị, năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), khi xét danh sách thu thẩm có hơn 450 tội phạm, nhà vua cũng xem xét 2-3 lần, thấy tội phải chết, thương lắm, dụ bảo Nội các xét những người tình có đáng thương, được giảm án, phát đi đày 197 người. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Bộ Hình tâu lên vua có 7 tên tù phạm phải giết. Nhà vua sai trích ra những tên nào tình tội nặng hơn thì xử tử, còn thì hoãn lại chưa giết, đợi đến kỳ thu thẩm, sẽ biên vào danh sách thực tình.

Lệ thu thẩm tiếp tục được thi hành cho đến những năm cuối của triều Nguyễn.

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/le-thu-tham-xet-an-i754532/
Zalo