Lê Thánh Tông - Minh quân trong lịch sử dân tộc
Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi nhận công lao to lớn của nhiều vị vua sáng, trong đó Lê Thánh Tông được sử sách và người đời ngợi ca là đấng minh quân vĩ đại. Trong suốt 38 năm ở ngôi, ông có nhiều cách tân mạnh mẽ, đưa quốc gia Đại Việt đạt đến sự phát triển cực thịnh...

Bảo vật quốc gia bia Chiêu lăng khắc ghi về cuộc đời, sự nghiệp trị vì của minh quân Lê Thánh Tông.
Từ “tiên đồng giáng thế”
Sau đại thắng nhà Minh xâm lược, Bình Định vương Lê Lợi lập nên vương triều nhà Lê (Hậu Lê). Việc kiến thiết đất nước sau chiến tranh gặp không ít khó khăn. Đến khi vua Lê Thái Tông kế vị thì những khủng hoảng càng thêm nghiêm trọng. Sau khi vua Lê Thái Tông qua đời, vua Lê Nhân Tông nhỏ tuổi lên ngôi, đất nước rơi vào suy yếu, giặc ngoại xâm nhòm ngó. Đỉnh điểm là loạn Nghi Dân (Nghi Dân là người con cả của vua Lê Thái Tông, lúc trước bị cha truất quyền kế vị. Lợi dụng việc em trai ở ngôi khi còn nhỏ tuổi, Nghi Dân cùng với thân tín đã đột nhập hoàng cung giết vua Lê Nhân Tông để đoạt ngôi). Nghi Dân tính tình tàn bạo, ưa chém giết khiến quan lại trong triều chán ghét. Năm 1460, cuộc đảo chính xảy ra trong triều đình nhà Lê, Nghi Dân bị bắt.
Bấy giờ, người con út của vua Lê Thái Tông là Tư Thành được các quan đại thần rước về kinh, đưa lên ngôi vua - tức vua Lê Thánh Tông.
Lê Tư Thành sinh năm 1442, mẹ ông là Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Tương truyền, khi Hoàng Thái hậu còn là Tiệp dư, một lần bà mộng thấy Thượng đế sai tiên đồng đầu thai hạ giới. Tiên đồng cứ chần chừ không muốn hạ phàm khiến thượng đế phải cầm chén ngọc ném vào trán khiến tiên đồng chảy máu. Sau đó không lâu, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao có thai và khi sinh ra con trai Tư Thành thì trên trán có vết đỏ như bà đã từng thấy trong giấc mộng. Tư Thành sinh ra đã thần sắc rạng rỡ, thiên tư thông minh hơn người... Về sau, với những thành tựu vĩ đại của đất nước dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông, dân gian tin rằng nhà vua là tiên đồng do Thượng đế phái xuống để cứu nguy cho quốc gia Đại Việt.
Tuy nhiên, chào đời chưa được bao lâu, khi vua cha Lê Thái Tông qua đời, triều đình xảy ra khủng hoảng khiến mẹ con Lê Tư Thành phải “lưu lạc” bên ngoài hoàng cung, sống cùng dân nghèo. Và người đời tin rằng, chính những năm tháng khó khăn sống chan hòa với người dân đã giúp Lê Tư Thành thấu hiểu hết những khốn khó, vất vả của dân lành. Để khi lên ngôi, nhà vua đã mạnh mẽ đưa ra những cải cách nhằm phát triển kinh tế, dân sinh.
Đến vị vua anh minh
Ở ngôi 38 năm, vua Lê Thánh Tông để lại dấu ấn trị vì gắn liền với những thành tựu lớn về phát triển kinh tế, dân sinh; tổ chức bộ máy; chế độ tuyển chọn, sử dụng, giám sát quan lại; quốc phòng an ninh, mở mang bờ cõi...
Sau khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông bắt tay vào việc cải cách, đổi mới bộ máy hành chính từ trung ương xuống địa phương nhằm loại bỏ những quan lại bất tài, tham nhũng, cũng đồng thời để giảm chi cho ngân khố quốc gia.
Theo sách “Lê Thánh Tông vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại”, vua Lê Thánh Tông đã lập ra các cơ quan giúp việc, như: Hàn lâm viện (chuyên soạn thảo các dụ, chiếu chỉ, cùng các mệnh lệnh, văn bản khác của nhà vua); Đông các (cơ quan chuyên làm nhiệm vụ rà soát, hiệu đính, sửa chữa các văn bản trước khi trình lên vua duyệt); Trung thư giám (cơ quan chuyên ghi chép, lưu giữ các sắc lệnh, chiếu, chỉ, sắc phong tước hiệu do vua ban cho quan lại, người của Hoàng tộc...); Bí thư giám (cơ quan lưu giữ và trông coi thư viện của vua); Hoàng môn tĩnh (nơi lưu giữ ấn tín của vua).
Dưới thời vua Lê Thánh Tông, trên nền tảng của các bộ thời nhà Trần, nhà vua cho thành lập thêm các bộ với nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, như: bộ Lại (trông coi việc tuyển, bổ, thăng, thưởng quan tước); bộ Lễ (trông coi việc đặt và tiến hành các nghi lễ, yến tiệc, học hành, thi cử, đúc ấn tín...); bộ Hộ (trông coi việc liên quan đến ruộng đất, tài chính, hộ khẩu, tô thuế, kho tàng, thóc, tiền và lương, bổng cho quan lại); bộ Binh (trông coi việc binh, đặt quan trấn thủ nơi biên cương, tổ chức giữ gìn nơi hiểm yếu, ứng phó các việc khẩn cấp); bộ Công (trông coi việc xây dựng, sửa chữa cầu đường, cung điện, thành trì và quản đốc thợ thuyền).
Nhằm khuyến khích, mở mang phát triển kinh tế, nhà vua cho lập các sở đồn điền (trông coi các đồn trại sản xuất nông nghiệp tại các vùng biên ải, địa yếu...); tầm tang (trông coi việc trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, vải); điền mục (trông coi việc chăn nuôi súc vật)... Vua Lê Thánh Tông cũng cho đặt chức quan hà đê sứ trông coi việc xây đắp, tu bổ đê điều nhằm ngăn lũ, tiêu úng hoặc cứu hạn.
Trong đó, đồn điền, khẩn hoang là một trong những chính sách nổi bật trong phát triển kinh tế dưới thời vua Lê Thánh Tông. Dù ở các triều đại trước đấy, chính sách “Động vi binh, tĩnh vi dân” đã có, song việc lập đồn điền thì phải đến thời vua Lê Thánh Tông mới thực sự được thực hiện.

Vua Lê Thánh Tông được thờ tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Đồn điền được lập ở những vùng đất biên cương hiểm yếu - sự kết hợp của quốc phòng và kinh tế. Đồn điền được lập ở những vùng đất mới, chưa có người dân đến ở. Lực lượng sản xuất tại các đồn điền là tù binh, tội nhân và quân lính đồn trú tại các địa phương. Đến khi đồng ruộng thành hình, kinh tế bắt đầu phát triển thì tại các đồn điền lại chiêu mộ người dân đến ở. Theo thời gian, các đồn điền dần trở thành làng xã quần cư và phát triển.
Bên cạnh phát triển kinh tế thì bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là một trong những nhiệm vụ được minh quân Lê Thánh Tông đặc biệt chú trọng. Nhà vua cho xây dựng hệ thống quân sự, quốc phòng vững mạnh. Quân đội dưới thời vua Lê Thánh Tông thực sự hùng mạnh, giúp nhà vua không chỉ giữ gìn cương thổ, chủ quyền quốc gia, tạo vị thế trong quan hệ bang giao mà còn mở mang bờ cõi về phía Nam.
Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong Lời giới thiệu của sách “Lê Thánh Tông vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại”, đã viết: “Có những người mà sự nghiệp của họ sống mãi với thời gian. Nhà vua Lê Thánh Tông là một trong những người hiếm hoi đó. Ông là bậc vĩ nhân của đất nước... Ông thừa kế ngai vàng lúc vương quốc đang lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vậy mà, dưới sự trị vì của mình, nhà vua đã từng bước đưa vương quốc thoát khỏi mọi hiểm nguy, thù trong, giặc ngoại được dẹp yên. Đại Việt dưới thời Lê Thánh Tông là vương quốc có những phát triển rực rỡ nhất so với các triều đại phong kiến Việt Nam...”.
“Cho đến nay, nhắc đến vua Lê Thánh Tông, hậu thế nhớ đến câu nói nổi tiếng, “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được... Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”. Cuộc đời và sự nghiệp trị vì của vua Lê Thánh Tông là tấm gương sáng để hậu thế ngưỡng vọng, biết ơn”, nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Hùng chia sẻ n
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách: “Lê Thánh Tông vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại”; “Danh nhân họ Lê Thanh Hóa”).