Lễ Tết là lý do nhỏ, dòng tiền nội sụt giảm vì điều gì?
Trước áp lực về tỷ giá và ngành ngân hàng đang cần thanh khoản để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao dịp cuối năm, dự kiến dòng tiền nội vào thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực...
Chứng khoán ABS vừa đưa ra nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán tháng 1 trong đó nhấn mạnh mặc dù triển vọng kinh tế Việt Nam khá tích cực, trong ngắn hạn, thị trường vẫn phải đối mặt với khó khăn về dòng tiền khi vốn ngoại tiếp tục bán ròng trong bối cảnh đồng USD và lợi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng trở lại.
Trước áp lực về tỷ giá và ngành ngân hàng đang cần thanh khoản để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao dịp cuối năm, dự kiến dòng tiền nội vào thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, ABS dự báo 2 kịch bản cho thị trường trong tháng 1.
Kịch bản 1: Thị trường đã có nhịp tăng đầu tiên từ 1198 điểm từ ngày 20/11/2024, làm cơ sở cho các dự phóng nhịp tăng tiếp theo của thị trường. VN-Index có thể có nhịp hồi phục diễn ra tại ngưỡng Hỗ trợ 2. Trong kịch bản này, nhà đầu tư xem xét giao dịch ngắn hạn, đồng thời quản trị vốn chặt chẽ.
Kịch bản 2: Do thị trường chưa hoàn toàn xác nhận đi lên, các cổ phiếu lớn hầu hết chưa trở lại pha tăng giá, trong khi các cổ phiếu midcap vẫn đang trong quá trình tạo đáy. Do đó, nhà đầu tư vẫn cần quản trị giao dịch và quản trị vốn chặt chẽ, sẵn sàng cho các rủi ro có thể xảy ra. Trường hợp thị trường không hồi phục ở các ngưỡng Hỗ trợ 1 và Hỗ trợ 2 nêu trên thể hiện đà tăng giá suy yếu và rủi ro tăng dần.
Vùng Hỗ trợ 1: 1237 – 1240; Hỗ trợ 2 tại 1211 – 1218 điểm; Hỗ trợ 3 tại 1198 – 1205 điểm.
Mức đáy đã tạo ra trước đó ở 1198 điểm là ngưỡng phân định rủi ro cơ sở của thị trường. Nếu như VN-Inex vẫn giữ được mốc 1198 trong tháng 1/2025 cùng khối lượng giao dịch ổn định ở mức thấp, vẫn có cơ hội để giao dịch ngắn hạn.
Trường hợp VN-Index phá qua mốc đáy 1198 điểm sẽ xác nhận kịch bản xấu.
Triển vọng thị trường được xây dựng dựa trên nền tảng yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước. Thế giới đang chờ đợi ngày ông Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/1/2025 sắp tới, với dự kiến sẽ có nhiều thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhiều nước đã phải chuẩn bị đối mặt với việc Mỹ áp dụng chính sách thương mại thắt chặt với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, có thể khiến kinh tế toàn cầu thêm khó khăn.
Sản xuất và việc làm được chứng kiến tiếp tục thu hẹp tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, UK... Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc chỉ hồi phục trong ngắn hạn chứ chưa thật sự bền vững khi có nguy cơ phải đối mặt các mức thuế quan mới từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, trong khi vẫn đang phải ứng phó với các yếu tố bất lợi khác, nhu cầu trong nước còn yếu, giá đầu ra tiếp tục sụt giảm...
Bức tranh vĩ mô tại Việt Nam rất tích cực với GDP tăng trưởng mạnh 7,09% nhờ sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ngành du lịch duy trì đà tăng trưởng mạnh, xuất nhập khẩu và giải ngân FDI tiếp tục lập kỷ lục, lạm phát trong tầm kiểm soát...Tăng trưởng tín dụng bứt tốc trong các tháng cuối năm, đạt 15,08% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, điểm trừ là các diễn biến không mong muốn trên thị trường tài chính với việc lợi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn dài bật tăng trong tháng 12, lãi suất huy động các NHTM tiếp tục xu hướng tăng vốn bắt đầu trong nửa đầu tháng 11. Trong khi đó, tỷ giá tiếp tục đà tăng lên mức cao 25.580 VND/USD do chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Việt Nam vẫn ở mức đáng kể từ đó làm tăng giá hàng hóa và nguyên vật liệu nhập khẩu từ thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, sau 2 năm thực hiện Nghị định 08/2023/NĐ-CP, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp dự kiến sẽ dồn về nửa sau năm 2025, đặc biệt là quý 3 với lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lên tới khoảng 120 nghìn tỷ đồng, trong đó 46% thuộc về các doanh nghiệp bất động sản.
Về mặt định giá, với sự điều chỉnh của VN-Index trong những ngày đầu năm 2025, P/E của VN-Index giảm từ 13,29x cuối tháng 12/2024 xuống 12,97x tại ngày 9/1/2025, thấp hơn -1 độ lệch chuẩn (Std) của chỉ số này trong 1 năm qua. P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 dự kiến ở mức thấp hơn do kết quả kinh doanh cả thị trường được dự báo tiếp tục phục hồi trong quý cuối năm.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 11,92x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (17,42x) và VNSML (14,21x).