Lễ tân Ngoại giao có thể hiện đường lối chính sách đối ngoại của một nhà nước?
Ở bất cứ nước nào, Lễ tân Ngoại giao cũng xuất phát từ đường lối chính sách đối ngoại, thể hiện và phục vụ đường lối chính sách đối ngoại đó.
Lễ tân Ngoại giao không phải là nội dung chủ yếu của hoạt động đối ngoại nhưng lại là những công việc cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đối ngoại. Đó là bộ phận cấu thành của hoạt động đối ngoại của một Nhà nước.
Ở bất cứ nước nào, Lễ tân Ngoại giao cũng xuất phát từ đường lối chính sách đối ngoại, thể hiện và phục vụ đường lối chính sách đối ngoại đó. Biện pháp lễ tân cũng như mức độ lễ tân thường được đề ra và thực hiện trên cơ sở vận dụng đường lối chính sách đối ngoại vào tình hình quan hệ cụ thể của từng nước, với từng đối tác. Các cuộc chiêu đãi ngoại giao dù hình thức tổ chức như thế nào, ít nhiều đều mang tính chất chính trị, vì đó là cuộc gặp mặt của những người đại diện các chủ thể trong quan hệ quốc tế, đồng thời cũng là phương tiện dể duy trì và phát triển quan hệ.
Trong lịch sử có không ít thí dụ về ý nghĩa chính trị của các quà tặng. Năm 1792, vua Quang Trung biếu nhà Thanh chiến lợi phẩm lấy được ở chiến dịch Vạn Tượng, sách binh thư Việt Nam và một quyển sử về triều đại Lê Chiêu Thống. Những tặng phẩm đó vừa có ý nghĩa biểu dương sức mạnh quân sự của quân đội Tây Sơn, vừa nói lên lòng tự hào về nghệ thuật quân sự của dân tộc mình, vừa vạch rõ cho Triều đình nhà Thanh biết rằng những hành động kết cấu với bọn phản động nhà Lê nhất định sẽ thất bại.
Ngày nay, trong các chuyến thăm viếng chính thức, lễ đặt vòng hoa tưởng niệm không đơn thuần là một nghi lễ mang tính hình thức. Chuyến viếng thăm Ba Lan dự định vào tháng 11/1984 của Phó Thủ tướng CHLB Đức Genscher đã bị hoãn lại vì hai bên không thỏa thuận được về địa điểm đặt vòng hoa. Thực chất đây là biểu hiện của thái độ chính trị khác nhau giữa hai quốc gia vốn có những vấn đề do lịch sử để lại.
Vừa là công cụ chính trị của hoạt động đối ngoại của một Nhà nước, Lễ tân ngoại giao đồng thời lại là phương tiện thực hiện và cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế. Nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia đã được thể hiện trong việc sắp xếp ngôi thứ của các trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại quốc gia tiếp nhận, trong việc sắp xếp chỗ ngồi cho các đoàn đại biểu tại các hội nghị quốc tế…
Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia được cụ thể hóa vào các quy định coi trọng các biểu tượng quốc gia như quốc kỳ, quốc huy hay quốc thiều mỗi nước, hoặc trong các nghi lễ đón tiếp dành cho các vị đứng đầu nhà nước, cũng như các đặc quyền dành cho đại diện các quốc gia. Nhiều nước đã quy định một số thủ tục lễ tân dựa trên các điều khoản của Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao.