LỄ QUỐC TANG NGUYÊN CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐỨC LƯƠNG: Khát khao cống hiến cho đất nước
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương có vai trò lớn trong nhiều quyết sách quan trọng của Đảng và Chính phủ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Trong cuộc trò chuyện với Báo Người Lao Động, TS Hoàng Thế Ngữ - người được làm việc trực tiếp với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gần 20 năm, trong đó có tới 9 năm trong vai trò thư ký khi ông đảm nhiệm vị trí Phó Thủ tướng Chính phủ - bùi ngùi chia sẻ nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người kiệm lời nhưng làm nhiều, luôn vì công việc và rất kiên định với nhiệm vụ và quyết định của mình.
"Mở đường" cho doanh nghiệp nhà nước
Theo TS Hoàng Thế Ngữ, ông Trần Đức Lương là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng (làm trong) ngành địa chất. Năm 1955, sau khi tập kết ra miền Bắc, ông vào làm việc trong ngành địa chất với công việc là công nhân (CN) kỹ thuật, rồi học khóa đào tạo cán bộ sơ cấp địa chất đầu tiên của Việt Nam.
"Tôi ấn tượng rất sâu sắc về anh Trần Đức Lương dù ban đầu không được đào tạo chính quy song với quyết tâm và ý chí vươn lên trong nghề nghiệp, anh đã qua quá trình đào tạo chuyên môn từ sơ cấp, trung cấp rồi đại học và trở thành kỹ sư địa chất.
Trưởng thành từ người CN, với sự phấn đấu phi thường, anh Trần Đức Lương đã kinh qua nhiều cương vị ở ngành địa chất, rồi đảm nhiệm vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước. Dù ở cương vị nào, anh cũng thể hiện tinh thần luôn học hỏi và khát khao cống hiến cho đất nước" - ông Ngữ nói.

Năm 1997, TS Hoàng Thế Ngữ, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đá quý và Vàng Việt Nam, báo cáo Chủ tịch nước Trần Đức Lương về viên đá quý ruby bảo vật quốc gia. (Ảnh tư liệu do TS Hoàng Thế Ngữ cung cấp)
Đặc biệt, theo ông Ngữ, trên mỗi cương vị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đều có nhiều đóng góp vào quá trình đổi mới tư duy quản lý kinh tế, góp phần đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển.
"Anh Trần Đức Lương khi là Phó Thủ tướng Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và ban hành Quyết định 217 của Hội đồng Bộ trưởng năm 1987 nhằm ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh. Đây là quyết định đầu tiên được ban hành sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) nhằm mở cửa kinh tế từ bao cấp sang thị trường xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, đưa doanh nghiệp (DN) nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường" - TS Hoàng Thế Ngữ kể lại.
Theo ông Ngữ, để xây dựng được Quyết định 217, lúc đó, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đã trực tiếp nghiên cứu mô hình phát triển DN nhà nước ở nhiều quốc gia, từ đó xác định quan hệ giữa Nhà nước và DN nhà nước hoạt động thế nào cho hiệu quả… Từ đó, chuyển DN nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiền đề để phát triển kinh tế thị trường như ngày nay.
Chưa dừng lại, là Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực công nghiệp, ông Trần Đức Lương đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngành dầu khí trong giai đoạn phát triển mới. Đây là thời kỳ dầu khí trở thành ngành kinh tế hàng đầu, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, đặc biệt từ việc khai thác thành công mỏ Bạch Hổ qua Liên doanh Vietsovpetro - kết quả hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Liên Xô.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương còn được giao trọng trách "tổng đạo diễn" đề án xây dựng Cụm Dịch vụ - Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật quanh quần đảo Trường Sa, gọi tắt là DK1, mà điểm nổi bật là xây dựng hệ thống nhà giàn trên biển.
Nhóm chủ trì đề án này do ông Trần Đức Lương lãnh đạo đã làm việc không kể ngày đêm, với nhiều sáng tạo kỹ thuật nổi trội đem lại hiệu quả kinh tế và an toàn, quyết tâm hoàn thành trong thời gian ngắn nhất, với chất lượng cao nhất. Từ đó, hệ thống nhà giàn DK1 khi hoàn thành đã trở thành những cột mốc chủ quyền trên biển của Việt Nam, là chốt tiền tiêu, là vành đai thép bảo vệ khu vực khai thác dầu khí.
Nhà giàn DK1 còn là chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân vững lòng hơn khi vươn khơi bám biển. Đây là cụm công trình có giá trị kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đặc biệt quan trọng của đất nước.
Gần gũi, chân tình
Theo TS Hoàng Thế Ngữ, bên cạnh đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… của đất nước thì ông Trần Đức Lương khi còn đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước luôn quan tâm tới ngành địa chất, chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản của Việt Nam. Hằng năm, ngành địa chất có một ngày hội truyền thống, khi có điều kiện, ông đều tham gia gặp gỡ, thăm hỏi cán bộ - công nhân viên trong ngành, khi có vấn đề mới đều cố gắng nghe anh em chia sẻ để có phương án giải quyết.
Ấn tượng mãi không phai mờ và cảm phục của ông Ngữ đối với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương vì ông là người đầu tiên phát hiện khoáng sản đá quý ruby ở Việt Nam. Ký ức của ông Ngữ trở ngược lại thời điểm năm 1986 khi ông Trần Đức Lương với cương vị là Tổng cục trưởng cùng với đoàn công tác của tổng cục đi kiểm tra phương án tìm kiếm vàng vùng Lục Yên, Yên Bái.
"Trong quá trình đi, một số anh em rút trong túi ra mấy mẩu đá màu đỏ và hỏi anh Trần Đức Lương rằng: Anh ơi đây là đá gì có màu đỏ rất đẹp mà em thấy người dân địa phương nhặt về để chơi, cho vào bể cá, trưng bày trong nhà? Cầm viên đá trong tay và nhìn ngắm, anh Lương khẳng định với các đồng nghiệp đây là đá quý ruby, một loại khoáng sản quý hiếm giá trị rất cao. Ngay sau đó, anh đã yêu cầu anh em trong đoàn tuyệt đối không làm lộ thông tin mà cần giữ bí mật để tránh khai thác lậu" - ông Ngữ hồi tưởng.
Sau sự kiện này, ông Trần Đức Lương đã tham mưu và chỉ đạo ngành địa chất triển khai các công việc tìm kiếm, đánh giá tiềm năng nguồn tài nguyên quý hiếm đó, nhằm phát triển ngành đá quý và trang sức.
Sau 9 năm đảm nhiệm thư ký cho Phó Thủ tướng Trần Đức Lương, ông Ngữ được điều sang giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đá quý và Vàng Việt Nam (VIGECO). Trong số sản phẩm ruby do VIGECO khai thác có 2 viên ruby quý hiếm, kích thước lớn, đã được các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước đánh giá là rất quý, giá trị cao, hiếm có. Đó là viên ruby trong suốt màu đỏ tươi "máu chim bồ câu", trọng lượng 2.160 g - 13.500 carat (trọng lượng ban đầu 2.700 g). Và viên ruby màu đỏ đậm, có hiệu ứng sao 6 cánh, trọng lượng 1.960 g - 9.800 carat (trọng lượng ban đầu 2.500 g).
Ở thời điểm đó - năm 1997, khi ở cương vị Chủ tịch nước, khi biết thông tin VIGEGO khai thác được những viên đá quý lớn chất lượng cao, ông Trần Đức Lương đã đề nghị VIGEGO đem 2 viên đá quý trên tới để ông được xem tận mắt và trực tiếp nghe báo cáo về giá trị, cũng như những đánh giá của các chuyên gia hàng đầu thế giới. Sau đó, nguyên Chủ tịch nước đồng ý với phương án không thương mại hóa mà giữ 2 viên ruby là bảo vật quốc gia.
Quyết sách muốn thành công thì cần truyền thông tốt
TS Hoàng Thế Ngữ ghi nhớ mãi câu nói của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: "Quy luật bất biến của triết học về lượng và chất là khi chưa đủ lượng không bao giờ sinh ra chất mới". Liên hệ tới các quyết sách quan trọng, nguyên Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng một ý tưởng muốn thành công, trở thành hiện thực trong cuộc sống thì phải được đại đa số ủng hộ. Muốn được nhiều người ủng hộ thì phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục.
"Anh Trần Đức Lương lưu ý với tôi rằng đá quý Việt Nam là ngành có tiềm năng phát triển lớn nhưng cần truyền thông tốt hơn, bài bản hơn để nhiều người biết, thông tin tới được lãnh đạo Đảng và Chính phủ, từ đó xây dựng các chính sách đưa ngành phát triển. Bài học từ thành công về Quyết định 217 của Hội đồng Bộ trưởng năm 1987 cũng cho thấy đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chỉ đạo là chìa khóa quan trọng. Thời điểm đó, anh Trần Đức Lương trực tiếp tới nhiều nhà máy, xí nghiệp quốc doanh trên khắp cả nước và các địa phương để tuyên truyền, nói chuyện về chính sách mới, hướng dẫn cách triển khai sao cho chính sách đi vào thực tế và phát huy hiệu quả" - ông Ngữ hồi tưởng.
Chủ biên cụm công trình quan trọng
Hơn 30 năm gắn bó với ngành địa chất, ông Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành. Nổi bật trong đó, nguyên Chủ tịch nước là đồng chủ biên cụm công trình nghiên cứu lập bản đồ địa chất Việt Nam tỉ lệ 1/500.000, công trình được xuất bản năm 1988, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005; là công trình nền tảng cho những nghiên cứu khoa học, quy hoạch và đề án phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành công - nông nghiệp, an ninh quốc phòng... sau này.