Lễ hội tổ chức văn minh, trật tự hơn

Một điều mà nhiều du khách rất dễ nhận ra ở các lễ hội năm nay là công tác tổ chức có nhiều chuyển biến, đổi mới theo hướng ngày càng văn minh, trật tự, quy củ hơn. Những đổi mới, chuyển biến này đã tạo thuận lợi, thoải mái cho du khách, bớt phiền hà, lộn xộn so với những năm trước.

Phủ Tây Hồ, Hà Nội là một trong những điểm hành lễ đầu năm thu hút lượng khách rất đông. Cũng chính vì thu hút lượng khách đông không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh, thành lân cận nên việc trông giữ xe ở phủ Tây Hồ đã từng gây bức xúc vì tình trạng “chặt chém”, chèo kéo khách gửi xe. Các nhà dân xung quanh phủ Tây Hồ đua nhau tự lập bãi trông giữ xe, thu phí cao quá giá quy định gấp nhiều lần. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, việc trông giữ xe tại phủ Tây Hồ trong mùa lễ hội năm nay đã có nhiều đổi mới.

Ban Tổ chức đã bố trí 2 điểm trông giữ xe ôtô và xe máy có phép của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Quốc Anh và Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Tây Hồ gần Phủ Tây Hồ. Đặc biệt, các điểm trông giữ phương tiện này đều không sử dụng tiền mặt mà thu qua quét mã QR và thẻ VETC giúp công khai, minh bạch trong công tác quản lý, nộp thuế cho Nhà nước. Các bãi trông giữ xe rộng nên đáp ứng hầu hết nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, Công an phối hợp với các lực lượng chức năng đã bố trí phân luồng phương tiện từ xa và di chuyển theo vòng tròn nên không xảy ra tình trạng ùn tắc, lộn xộn giao thông.

Chị Lan Hương, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc về phủ Tây Hồ lễ phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, công tác tổ chức tại phủ Tây Hồ có nhiều đổi mới, không có tình trạng ùn tắc phương tiện, gửi xe “chặt chém” giá cao như những năm trước tôi đi. Đặc biệt, bãi trông giữ xe ôtô lại trừ thẳng tiền qua thẻ VETC rất tiện cho khách”.

Những đổi mới trong công tác tổ chức, quản lý tại chùa Hương nhận được nhiều phản hồi tích cực của du khách.

Những đổi mới trong công tác tổ chức, quản lý tại chùa Hương nhận được nhiều phản hồi tích cực của du khách.

Tại lễ hội chùa Hương, Hà Nội-một trong những lễ hội thu hút đông du khách nhất dịp đầu năm, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều cảnh lộn xộn, phản cảm bên lề lễ hội như những năm trước đã được cải thiện. Nếu như mùa lễ hội những năm trước đây, ngay tại ngã 3 Ba La- Hà Đông đã xuất hiện rất nhiều “cò mồi” bám theo khách để chèo kéo khách đi đò, nghỉ trọ cũng như sử dụng các dịch vụ ăn uống thì từ ngày khai hội chùa Hương năm 2025 cho đến thời điểm hiện tại, điều rất dễ nhận ra là không còn bóng dáng “cò mồi” đi xe máy đu bám, chèo kéo khách dọc đường vào chùa Hương hay cảnh nhà đò mặc cả, kì kèo “xin thêm tiền” hay thu giá cao khách đi đò. Thay vào đó là việc Ban Tổ chức lễ hội đã tích hợp các loại vé với nhau, dùng quét mã QR giúp công khai minh bạch hơn trong công tác quản lý, nộp thuế phí Nhà nước và chi trả công, lương cho người lái đò. Khu vực chờ đò cũng không còn cảnh chen lấn, tắc đò do việc bố trí chở đò quay vòng phục vụ khách.

Đặc biệt, tại khu vực bến Trò, nơi trước đây vốn bị các phương tiện thông tin truyền thông phản ánh về tình trạng thịt thú rừng bày bán tràn lan gây phản cảm ở lễ hội thì năm nay, số lượng các hàng ăn treo móc thú phản cảm hầu như không còn.

Anh Nguyễn Văn Tịnh, chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống ở khu vực bến Trò chia sẻ: “Chúng tôi không kinh doanh thịt thú rừng mà đều là thịt các vật nuôi, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chúng tôi cũng giải thích rõ để khách không hiểu lầm”.

Bất ngờ trước những thay đổi tại lễ hội chùa Hương năm nay, anh Nguyễn Quang Minh, một du khách đến từ tỉnh Phú Thọ phấn khởi chia sẻ: “Năm nay cả gia đình tôi đi lễ hội chùa Hương nhưng không còn cảnh chen lấn, xô đẩy hay phải chứng kiến những cảnh phản cảm như treo thịt thú rừng. Cảnh quan đẹp, vệ sinh môi trường được đảm bảo”.

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số lễ hội, khu di tích, tình trạng phản cảm, lộn xộn như nhét tay vào tượng phật, chơi trò đỏ đen tôm cua cá ăn tiền... hầu như không còn xảy ra. Thay vào đó, công tác tổ chức, quản lý đã được đổi mới, thắt chặt hơn, ý thức tham gia lễ hội của người dân đã được nâng cao một cách rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Dung, trú tại tỉnh Hà Nam chia sẻ: “Tôi đi một số lễ hội như lễ hội Đền Hùng, lễ hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội đền Sóc... thì đều có cảm nhận khâu tổ chức được tốt hơn, không xảy ra tình trạng lộn xộn. Như ở lễ hội Sóc, không còn tình trạng tranh cướp lộc giò hoa tre”.

Tham gia các lễ hội trong dịp đầu năm, cầu mong bình an cho một năm mới là nét đẹp văn hóa tinh thần của phần lớn người dân. Những năm trước đây, những hình ảnh phản cảm, lộn xộn tại các lễ hội đã gây không ít bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, tại mùa lễ hội năm nay, tại nhiều lễ hội, công tác tổ chức, quản lý đã có đổi mới và nhận nhiều phản hồi tích cực của du khách.

Ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, mùa lễ hội năm 2025, ngay từ đầu năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý công tác tổ chức lễ hội, kịp thời ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn về công tác quản lý, tổ chức; xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát về hoạt động lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội trong Tết và mùa lễ hội 2025. Đến nay, việc quản lý và tổ chức các lễ hội đã đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/le-hoi-to-chuc-van-minh-trat-tu-hon-i759937/
Zalo