Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024: Gìn giữ nét văn hóa linh thiêng từ nghìn đời

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đền Thánh Nguyễn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, huyện Gia Viễn cùng người dân dâng hương tưởng nhớ Đức Thánh Nguyễn.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, huyện Gia Viễn cùng người dân dâng hương tưởng nhớ Đức Thánh Nguyễn.

Tới dự có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Lễ hội Đền Thánh Nguyễn là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Ninh Bình, được tổ chức hằng năm, nhằm tri ân, tưởng nhớ công đức của Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Ngài là một vị thiền sư tài năng, có nhiều công lao đóng góp đối với đời sống chính trị, tư tưởng văn hóa của Đại Việt thời Lý; là một trong số ít các thiền sư được Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại. Đặc biệt, năm 1136, sư chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông, được phong làm Quốc sư; có vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo thời Lý nói riêng và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung; được coi là ông tổ y dược và ông tổ nghề đúc đồng.

Chung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không là một không gian văn hóa đậm chất lịch sử và huyền tích. Ngài là một trong số rất ít những nhân vật lịch sử được dân gian phong Thánh và có vị trí đặc biệt trong lòng người dân cũng như văn hóa Việt Nam.

Sau khi Thiền sư mất, để tưởng nhớ công ơn, Vua Lý đã ban sắc thần dân thiên hạ, gia thần trong ấp, tất cả dân Đàm Xá hành lễ ở nơi Minh Không hóa, rước thần hiệu của ngài về lập thần miếu để thờ phụng ... từ trên Sơn Tây đến Ái Châu đều thờ phụng ngài, lấy Đàm Xá làm nơi thờ chính. Đến nay có hơn 570 nơi phụng thờ Đức Thánh Nguyễn tại các địa phương trong cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khởi trống khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khởi trống khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024.

Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 16/4 đến ngày 18/4 (tức ngày mùng 8/3 đến mùng 10/3 âm lịch).

Trong phần lễ chính gồm có: lễ mở cửa đền, lễ mộc dục, lễ cáo yết, lễ rước bách thần, lễ tế yên vị, lễ dâng hương, lễ tế chính; hát Chầu kệ…; phần hội tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và khu ẩm thực nhằm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm dân dã, độc đáo của huyện Gia Viễn đến nhân dân và du khách.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn Phạm Văn Tam phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn Phạm Văn Tam phát biểu tại buổi lễ.

Đồng chí Phạm Văn Tam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội truyền thống Đền Thánh Nguyễn năm 2024 cho biết, bản sắc văn hóa trong lễ hội Đền Thánh Nguyễn đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân huyện Gia Viễn và du khách thập phương. Những năm gần đây, để gìn giữ nét văn hóa độc đáo, phát huy giá trị lịch sử truyền thống, lễ hội Đền Thánh Nguyễn được nâng tầm về quy mô và nội dung, không gian tổ chức.

Đặc biệt, năm nay, bên cạnh việc duy trì không gian văn hóa tâm linh độc đáo của 13 nghi lễ truyền thống thể hiện sự tôn kính đối với Đức Thánh Nguyễn Minh Không còn có 20 nội dung phần hội dân gian đặc sắc, hấp dẫn.

Đây là những nét văn hóa phi vật thể quý báu đang được khôi phục, kế thừa và phát triển mà huyện đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền công nhận lễ hội Đền Thánh Nguyễn là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chương trình nghệ thuật mang đậm màu sắc sử thi với nội dung "Theo dấu chân Đức Thánh Nguyễn".

Chương trình nghệ thuật mang đậm màu sắc sử thi với nội dung "Theo dấu chân Đức Thánh Nguyễn".

Gìn giữ và phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội Đền Đức Thánh Nguyễn như gìn giữ hồn cốt linh thiêng của mảnh đất Gia Viễn giàu truyền thống lịch sử văn hóa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Viễn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung luôn trân trọng, tự hào và tạo mọi điều kiện để lễ hội diễn ra trang trọng, vui tươi, thực sự trở thành một sinh hoạt tinh thần giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi chốn đi về của đông đảo nhân dân và du khách. Qua đó, góp phần khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/le-hoi-den-thanh-nguyen-nam-2024-gin-giu-net-van-hoa-linh-thieng-tu-nghin-doi-post805071.html
Zalo