Lễ hội đền Bà Chúa Kho: Chen chân xin lộc

Hằng năm, Lễ hội đền Bà Chúa Kho thu hút hàng vạn du khách thập phương. Năm nay, người đến đền Bà Chúa Kho chủ yếu xin lộc, ít vay tiền như những năm trước.

Không dám vay vì lo không trả được

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, ngày 8/2 và đầu giờ sáng 9/2, dòng người nô nức đổ về đền Bà Chúa Kho ở phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh). Từng tốp xe ô tô khách và xe ô tô con mang biển số ở nhiều tỉnh, thành nối tiếp nhau đi đến cửa đền. Càng về trưa và chiều, lượng du khách thập phương đến đền Bà Chúa Kho càng đông. Khu nhà sắp lễ của đền luôn chật kín người. Nơi thờ Bà Chúa Kho, dòng người chen chân đến làm lễ, có thời điểm đông không thể đi vào trong đền.

Người dân đến lễ đền Bà Chúa Kho vào dịp đầu năm mới.

Người dân đến lễ đền Bà Chúa Kho vào dịp đầu năm mới.

Vừa làm lễ bái Bà Chúa Kho xong, chị Nguyễn Thu Hiền (46 tuổi) ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngồi vãn cảnh trong đền. Chị Hiền chia sẻ, đầu năm, chị phải đi đền, chùa thì trong tâm mới thấy yên tâm, nếu không đi được chị thấy trong người khó chịu. Chị đi theo đoàn ở cùng huyện Hưng Hà đến đền Bà Chúa Kho. Đây là năm thứ 3 chị đến đây. Chị làm nghề buôn bán, tuy nhiên đến đền Bà Chúa Kho, chị chỉ xin lộc và cầu bình an, sức khỏe. Lễ vật chị mua sắm cũng đơn giản, chỉ cành vàng bạc bằng hàng mã có giá hơn 100 nghìn đồng. “Tôi không dám vay tiền Bà Chúa Kho vì sợ mình đường xa không đi trả lễ vào cuối năm được. Tôi đi cầu để trong tâm cảm thấy bình an. Tôi cũng nghĩ dù làm nghề gì mình cũng phải chịu khó làm việc, chứ không trông chờ vào việc vay mượn tiền của Bà Chúa Kho hay thần linh mà tự dưng có được. Cả đoàn chúng tôi hơn 30 người đều chỉ xin lộc, không ai vay tiền Bà Chúa Kho”, chị Hiền chia sẻ.

Khu vực sắp lễ ở đền Bà Chúa Kho.

Khu vực sắp lễ ở đền Bà Chúa Kho.

Đang sắp lễ vào cửa đền, anh Nguyễn Văn Ánh (33 tuổi) ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, thông qua bạn bè mà anh biết đến đền Bà Chúa Kho. Đây là lần đầu tiên anh đến viếng đền Bà Chúa Kho. Anh làm nghề kinh doanh tài chính. Đến cửa đền, anh cũng chỉ xin lộc, chứ không dám vay tiền Bà Chúa Kho vì sợ không trả được lễ. “Tôi rất bất ngờ vì đền Bà Chúa Kho lại đông người đến như vậy. Tôi đi lễ chùa, đền đầu năm để cầu sức khỏe, bình an và mong muốn năm mới hanh thông, trong tâm cảm thấy thoải mái, hoan hỉ, chứ không quá mê tín”, anh Ánh cho hay.

Hàng vạn người xin lộc đầu năm

“Tôi thấy doanh nghiệp lớn, hoặc ông chủ làm ăn to mới đến đền Bà Chúa Kho vay tiền đầu năm, cuối năm trả lễ, còn phần đông người dân đến xin lộc”.

Ông Lê Anh Thư

Hòa chung vào dòng người đến đền Bà Chúa Kho, Chị Q. (xin giấu tên) ở thành phố Hà Nội chia sẻ, chị cùng với 10 người khác thành lập đoàn đi đến đây đầu năm mới. Chị làm nghề kinh doanh và theo tín ngưỡng thờ Mẫu. Bởi vậy, theo chị Q, bà Chúa Kho cai quản tiền bạc nên chị mong muốn đến cửa đền bà xin lộc. Chị không vay tiền bà Bà Chúa Kho. Chị cho rằng, chị theo tín ngưỡng thờ Mẫu là mong muốn có nơi tâm linh làm điểm tựa cho tinh thần, gửi gắm ước nguyện. Chị cho rằng 30% thành công trong cuộc sống là từ may mắn và tâm linh. Tuy nhiên, theo chị, không nên lầm lẫn tín ngưỡng với mê tín. Ranh giới tín ngưỡng với mê tín rất mong manh. “Tôi đến đền bà Chúa Kho là đi theo tín ngưỡng thờ Mẫu, nuôi dưỡng thiện lương, tôi không đến để vay tiền”, chị Q. cho hay.

Không để xảy ra “chặt chém”

Ông Lê Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND phường Vũ Ninh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội đền Bà Chúa Kho cho biết, đền Bà Chúa Kho thường đông du khách thập phương vào dịp Tết. Hằng năm, từ mùng 2 đến mùng 5 Tết là cao điểm, có ngày đền Bà Chúa Kho đón 7.000 lượt du khách. Từ ngày mùng 6 đến ngày 11 tháng Giêng có khoảng 2.000 người/ngày đến cửa đền, ngày 12 tháng Giêng giỗ Bà Chúa Kho thì du khách đông hơn.

So với trước kia, nhận thức của người dân đến đền Bà Chúa Kho đã có sự thay đổi. Du khách đến đây phần lớn không còn tâm lý vay tiền Bà Chúa Kho lấy vốn làm ăn. Lễ dâng lên cửa đền cũng không còn rình rang, đồ sộ như trước. Người dân chủ yếu là mua lễ với giá trị từ 70 nghìn đến 100 nghìn đồng để vào đền Bà Chúa Kho. Đặc biệt, không còn tình trạng lôi kéo, chặt chém du khách mua lễ vào đền. “Tôi thấy doanh nghiệp lớn, hoặc ông chủ làm ăn to mới đến đền Bà Chúa Kho vay tiền đầu năm, cuối năm trả lễ, còn phần đông người dân đến xin lộc”, ông Thư chia sẻ.

Nguyễn Thắng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/le-hoi-den-ba-chua-kho-chen-chan-xin-loc-post1715567.tpo
Zalo