Lễ hội đầu Xuân: Vui, nhưng cần tránh lãng phí
Lễ hội văn hóa được tổ chức góp phần mang lại không khí vui tươi cho người dân, cũng như bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, trước việc hàng loạt lễ hội diễn ra dồn dập vào dịp đầu năm cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất, cũng như vấn nạn tại lễ hội vẫn tiếp diễn. Do đó, việc tăng cường quản lý, tránh tình trạng lạm dụng, tổ chức tràn lan, gây lãng phí nguồn lực là yêu cầu bức thiết hiện nay.
![Cảnh chen chúc thường gặp tại lễ hội chùa Hương. Ảnh: Tư liệu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_624_51465972/49460f7c3f32d66c8f23.jpg)
Cảnh chen chúc thường gặp tại lễ hội chùa Hương. Ảnh: Tư liệu
Công tác tổ chức lễ hội còn bất cập...
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), mỗi năm, cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội các loại, thể hiện sự đa dạng, phong phú, mang tính chất riêng biệt của mỗi dân tộc, vùng, miền…
Các lễ hội hướng đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh cha ông, những bậc anh hùng, những vĩ nhân có công lao to lớn trong việc gìn giữ, bảo vệ và xây dựng đất nước. Do vậy, lễ hội cũng là nét đẹp văn hóa và là một hình thức giáo dục truyền thống văn hóa đối với thế hệ trẻ hiện nay.
Theo các chuyên gia về văn hóa, những giá trị truyền thống của lễ hội là không có gì đáng bàn cãi, tuy nhiên, vấn đề đáng bàn hiện nay là công tác tổ chức lễ hội tại một số địa phương còn thiếu thực chất, nặng hình thức.
Dù các hiện tượng phản cảm, biến tượng tại lễ hội như lợi dụng tổ chức lễ hội để trục lợi, vấn nạn “chặt chém”..., tại lễ hội không còn được nhắc đến nhiều như trước đây, song cũng chưa được chấn chỉnh triệt để.
Đơn cử như tình trạng bán thịt thú rừng, thịt động vật ở chùa Hương (TP. Hà Nội) tồn tại nhiều năm nay vẫn tiếp diễn trong mùa lễ hội 2025; dịch vụ lễ bái tại Đền Bà Chúa Kho (tỉnh Bắc Ninh). Hay tại Lễ hội Tây Thiên (tỉnh Vĩnh Phúc) năm nay, du khách còn phản ánh về việc hạ tầng không đảm bảo, hàng quán chèo kéo khách gây lộn xộn; tình trạng đốt vàng mã vẫn tiếp diễn… gây ảnh hưởng đến vẻ tôn nghiêm của di tích, cũng như tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và lãng phí mà theo lý giải của đại diện Ban quản lý di tích là do công tác chuẩn bị chưa được đảm bảo, do liên quan đến nhiều cấp, ngành.
“Về nguyên tắc, khi đã cho phép tổ chức lễ hội thì mọi công tác chuẩn bị phải đảm bảo, từ cơ sở vật chất, hạ tầng đến an ninh. Tổ chức lễ hội - nơi sẽ tập trung rất đông du khách mà không đảm bảo điều kiện, an toàn là không được” - một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cho biết.
Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa tại địa phương chịu trách nhiệm chung đối với công tác tổ chức lễ hội theo quy định, song cũng chưa "tròn vai". Nguyên nhân là do có quá nhiều lễ hội diễn ra mỗi năm và tập trung vào một thời điểm, trong khi việc kiểm soát và quản lý cũng vẫn còn nhiều bất cập, chưa quyết liệt và thống nhất giữa các địa phương. Đơn cử như tại tỉnh Vĩnh Phúc, có khoảng 400 lễ hội truyền thống lớn, nhỏ, được tổ chức chủ yếu vào dịp sau Tết Nguyên đán khiến cơ quan chức năng cũng khó có thể kiểm soát một cách kỹ lưỡng.
Nhà nghiên cứu dân tộc học Việt Nam - PGS,TS. Nguyễn Văn Huy cho rằng, nhiều tệ nạn xảy ra tại lễ hội vừa qua một phần là do... quá tải lễ hội khiến cơ quan chức năng không thể kiểm soát, làm tốt công tác tổ chức.
“Đây là vấn đề cần được lưu tâm, khi việc tổ chức lễ hội dồn vào cùng một thời điểm sẽ khiến cho công tác quản lý không đảm bảo, chưa kể việc người lao động tham gia lễ hội sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh” - PGS,TS. Nguyễn Văn Huy lưu ý.
![Vẫn còn tình trạng lãng phí trong thực hành tín ngưỡng khi người dân còn thói quen đốt vàng mã số lượng lớn...](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_624_51465972/6d3d27071749fe17a758.jpg)
Vẫn còn tình trạng lãng phí trong thực hành tín ngưỡng khi người dân còn thói quen đốt vàng mã số lượng lớn...
Qua thực tiễn, đại diện một doanh nghiệp may tại khu công nghiệp Phố Nối (tỉnh Hưng Yên) cho biết, thời điểm đầu năm, sau nghỉ tết luôn là khoảng thời gian căng thẳng với doanh nghiệp, khi nhiều lao động xin nghỉ phép, hoặc chậm trở lại làm việc để tham dự lễ hội.
“Do phải đáp ứng đơn hàng theo hợp đồng mà lao động chưa trở lại nên công ty sẵn sàng nhận lao động mới mà không đòi hỏi hồ sơ tuyển dụng” - đại diện công ty cho hay.
Quản lý ra sao?
Không phủ nhận các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, lan tỏa thông qua lễ hội, song trong tình hình mới, việc tổ chức lễ hội cần được xem xét phù hợp để tránh lãng phí nguồn lực.
Đặc biệt là vào thời điểm đầu năm, việc diễn ra quá nhiều lễ hội cùng thời điểm cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến hoạt động lao động, sản xuất, khi người dân vẫn có tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”; gác việc để vui hội cầu may…
![Làm tốt công tác chuẩn bị cho lễ hội là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo lễ hội được diễn ra thuận lợi. Ảnh: N.Lộc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_624_51465972/4df903c3338ddad3839c.jpg)
Làm tốt công tác chuẩn bị cho lễ hội là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo lễ hội được diễn ra thuận lợi. Ảnh: N.Lộc
Tuy nhiên, tâm lý vui xuân kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thời gian và hiệu quả làm việc; từ đó tác động tiêu cực đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Để chấn chỉnh tình trạng này, ngay đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 4/2/2025 đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, cần tăng cường công tác quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi; không đốt vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức lễ hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, đánh bạc
Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 4/2/2025
Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thủ trưởng các cơ quan trung ương; các đoàn thể chính trị xã hội tích cực tham gia tuyên truyền, vận động việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, trong sáng trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội.
Trước những vấn đề tồn tại chưa được khắc phục trong thời gian dài, gây phản cảm và lãng phí (như trục lợi tại lễ hội, sắm đồ lễ tốn kém; tổ chức lễ hội nặng về hình thức...), PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc tổ chức và quản lý lễ hội phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn.
Chuyên nghiệp ở đây không có nghĩa là lễ hội nào cũng giống lễ hội nào mà cần có sự phân công công việc và đi kèm với đó là trách nhiệm cụ thể. Cần bao quát toàn bộ vấn đề lễ hội, vì đây là sự kiện xã hội tổng thể, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ là ngành văn hóa.
Cả nước hiện có hơn 8.000 lễ hội, với bình quân khoảng 20 lễ hội lớn nhỏ diễn ra trong ngày (tập trung chủ yếu vào dịp đầu năm, từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch), đáp ứng đời sống tinh thần vô cùng phong phú của nhân dân, đồng thời tôn vinh những nét văn hóa đa dạng, độc đáo của dân tộc. Nhưng cũng vì thế mà câu chuyện về việc kiểm soát và quản lý lễ hội… vẫn là vấn đề nhức nhối được đặt ra mỗi khi tết đến xuân về.
Trước thực trạng công tác tổ chức lễ hội còn bất cập hiện nay, Bộ VH,TT&DL đang thực hiện rà soát, đánh giá lại vai trò, chức năng và truyền thống của lễ hội để có định hướng tổ chức cho phù hợp.
Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho biết, Bộ đang thực hiện Ðề án Số hóa các dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đây được xem như một cuộc tổng kiểm kê của ngành văn hóa về lễ hội, gạn lọc để chuẩn hóa thông tin lễ hội, tổ chức lễ hội tốt hơn.
“Ðến nay, những dữ liệu về lễ hội truyền thống đã hoàn tất và được số hóa. Ðây là cơ sở quan trọng phục vụ công tác quản lý lễ hội. Cũng nhờ đó mà vài năm trở lại đây, các lễ hội truyền thống có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức, quản lý: trang trọng, an toàn, tiết kiệm, văn minh hơn” - bà Hiền nói; đồng thời cho biết cơ quan chức năng đang tiếp tục đánh giá để có điều chỉnh công tác tổ chức lễ hội cho phù hợp với tình hình mới.
Về giải pháp trước mắt, nhằm giảm thiểu các mặt trái của việc tổ chức lễ hội đến hoạt động sản xuất ngay đầu Xuân Ất Tỵ, mới đây, Bộ VH,TT&DL cũng có văn bản gửi các địa phương, trong đó lưu ý, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước.
Đồng thời, các địa phương cần chú trọng tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, nhân dân và khách du lịch, đặc biệt, "cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; vận động nhân dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ” - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết.
Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý lễ hội để đảm bảo tính chuyên nghiệp, an toàn, nhiều ý kiến cũng đề nghị về lâu dài, các cơ quan chức năng, các địa phương cần tiến hành tổng rà soát, đánh giá, phân loại một cách khoa học để loại bỏ những lễ hội không còn phù hợp, giảm tần suất tổ chức lễ hội như hiện nay.