Lễ hội Đảo Dấu - Linh thiêng tín ngưỡng người dân miền biển

Hằng năm, vào đầu tháng 2 âm lịch, người dân Hải Phòng nói riêng và nhân dân vùng duyên hải Bắc Bộ nói chung đều nô nức tham dự Lễ hội Đảo Dấu. Đây là lễ hội truyền thống của người dân miền biển Đồ Sơn, Hải Phòng, được tổ chức với ý nghĩa không chỉ cầu mong 'phong điều vũ thuận', 'quốc thái dân an', mà còn nhắc nhở các thế hệ con cháu giữ gìn đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công 'khai sơn phá thạch' lập nên mảnh đất Đồ Sơn. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.

Đền thờ Nam Hải Thần Vương được người dân Đồ Sơn và du khách rất ngưỡng vọng. Ảnh: ST

Đền thờ Nam Hải Thần Vương được người dân Đồ Sơn và du khách rất ngưỡng vọng. Ảnh: ST

Lung linh huyền tích

Theo phong thủy xưa, Hòn Dấu được coi là vùng đất thiêng với địa thế đắc địa, tựa như một viên ngọc được bao bọc bởi chín ngọn núi - chín con rồng đang hướng về chầu. Theo truyền thuyết kể lại, vào đời nhà Trần, sau trận thủy chiến với quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288, các ngư dân của vạn chài Đồ Sơn phát hiện thi thể một vị tướng nhà Trần hy sinh trôi dạt vào đảo. Hôm sau, khi mọi người ở vạn chài trong đất liền ra làm lễ mai táng, ngay tại chỗ ngài nằm, mối đã đùn lên bao quanh thành mộ. Cho là điềm ứng, người dân đã lập ngôi miếu tranh để phụng thờ. Những ngày sau đó, người dân làng chài thường thấy vị võ tướng hiển linh thành ông già râu tóc bạc phơ. Tên "Cụ" được dân làng chài tôn vinh từ thuở đó.

Tương truyền vào thời Hậu Lê, vua Lê ngự giá kinh lý vùng Đồ Sơn rồi nghỉ đêm trên đảo, nằm mơ thấy ông già râu tóc bạc trắng tay cầm cần câu, lưng đeo giỏ cá, tự xưng là Thần Đảo. Hôm sau, Vua lên thuyền kể lại cho tùy tùng đi theo cùng nghe và phán rằng: "Nếu là Thần linh hãy cho ta ứng báo". Vừa dứt lời, một con cá to quẫy mạnh nhảy lên thuyền. Thấy linh nghiệm, nhà vua liền phong tước hiệu cho ngài là "Lão đảo Đại Thần Vương" và truyền chỉ cho dân địa phương tu sửa đền để phụng thờ.

Thời nhà Nguyễn, trong một dịp kinh lý ngang qua đảo Dấu, thuyền của vua Tự Đức bất ngờ gặp sóng to, gió lớn. Nghe các quan lại địa phương bẩm tấu về sự linh thiêng của ngôi đền trên đảo, vua liền lên đền khấn vái. Thật lạ kỳ, sau khi nhà vua khấn xong, bỗng nhiên trời quang mây tạnh, gió yên biển lặng. Vua Tự Đức liền sắc phong cho ngài là Nam Hải Thần Vương.

Đảo Dấu còn mang trong mình nhiều huyền tích, với sự linh thiêng của Nam Hải Thần Vương. Tâm sự với phóng viên báo Kiểm toán, chị Phạm Thị Hường - một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này - cho biết, theo lời kể của các bậc cao niên, từ khi xây đền thờ Cụ Dấu, cá heo kéo đến hàng đàn tung tăng bơi lội quanh đảo. Cứ mỗi lần cá heo nối đuôi nhau bơi từ ngoài khơi vào gần bờ, là trời yên biển lặng. Nhưng khi thấy cá heo bơi từ bờ ra khơi xa, vừa bơi, vừa nhảy vút lên khỏi mặt biển, là sắp có biển động. Từ đó, cứ thấy cá heo bơi vào bờ, là ngư dân Đồ Sơn yên tâm ra khơi, lần nào về cũng tôm cá đầy khoang.

Sự kỳ lạ ở Hòn Dấu còn ẩn hiện trong lễ hội Đảo Dấu. Năm nào cũng vậy, cứ đến nửa đêm mồng 9/2 - đêm diễn ra lễ hội thả thuyền tạ ơn "thần đảo" giúp ngư dân thuận buồm xuôi gió - dù trước đó, biển đang bình lặng cũng nổi sóng, gió rất lớn, trời lất phất mưa. Sau lễ tiễn thuyền giấy, trời yên biển lặng trở lại. Người Đồ Sơn tin rằng, đó là điềm báo Cụ Dấu về với ngư dân...

Chính những câu chuyện về sự linh ứng của thần đảo đã giúp cho Hòn Dấu dù trải qua hàng trăm năm, vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ với những cây cổ thụ có niên đại nhiều thế kỷ.

Nét đẹp văn hóa tâm linh miền cửa biển

Ngày nay, lễ hội truyền thống Đảo Dấu đã trở thành điểm nhấn văn hóa tâm linh, thể hiện phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc sắc của ngư dân vùng cửa biển Đồ Sơn nói riêng và vùng duyên hải phía Bắc nói chung.

Trước những ngày diễn ra Lễ đêm chính hội (ngày mùng 8-10/2 âm lịch), ngay từ ngày mùng 1 đầu tháng, Lễ dâng hương và Thượng cờ khai hội - nghi thức văn hóa tâm linh truyền thống, mở đầu cho Lễ hội Đảo Dấu Đồ Sơn - được thực hiện một cách trang trọng.

Theo truyền thống, Lễ dâng hương sẽ diễn ra tại Đền Nghè - ngôi đền hàng tổng cổ kính của vùng đất Cửu Long tranh châu, tọa lạc trên mảnh đất thiêng dưới chân núi Ngọc (phường Vạn Hương), thờ Thiên thần duệ hiệu “Điểm Tước Chi Thần”. Ngài được tôn vinh là vị thần tối cao (chủ thần), là Thành hoàng chung cho cả vùng Đồ Sơn. Đền Nghè còn thờ “Lục Vị Tiên Công” - tương truyền, là sáu vị đứng đầu sáu dòng họ đầu tiên, có công “khai sơn phá thạch” vùng đất Đồ Sơn, được Nhân dân đời đời ghi nhớ.

Sau lễ dâng hương, Lễ thượng cờ sẽ diễn ra tại đền thờ Nam Hải Thần Vương trên Đảo Dấu. Giữa muôn trùng sắc biếc của mây, trời, non, nước; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, tiếng chiêng trống rộn ràng, lòng người giao hòa, thành kính, thiêng liêng, Lễ “Thượng cờ khai hội” theo nghi thức truyền thống của người dân miền biển chính thức được thực hiện, giúp du khách tham dự cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa tâm linh từ bao đời nay của người dân miền biển, được gìn giữ, phát huy, lan tỏa trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Điểm đặc trưng của lễ hội Đảo Dấu là nghi lễ rước đèn về đêm và tế lễ, thả thuyền giấy diễn ra từ 23h đêm ngày 09/02 âm lịch đến sáng hôm sau. Theo quan niệm của những người đi biển ở Đồ Sơn, rước đèn về đêm là rước thần hiển linh để phù hộ cho nhân dân trong vùng. Đặc biệt, đồ lễ dâng lên không thể thiếu các đoàn tàu thuyền bằng mã trang trí rực rỡ được người dân đưa ra làm lễ tại đền. Đồ lễ ở đây không hóa (đốt), mà đến nửa đêm được thả ra biển để tỏ lòng biết ơn của cư dân vạn chài với Nam Hải Thần Vương đã luôn che chở, bảo vệ,…

Với truyền thống lâu đời, lễ hội Hòn Dấu không chỉ gắn với giá trị văn hóa tâm linh của người dân vạn chài Đồ Sơn nói riêng, miền biển Bắc Bộ nói chung, mà còn mang tâm nguyện của các tầng lớp nhân dân trong giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người miền biển./.

Đảo Dấu (còn gọi là đảo Hòn Dấu) có diện tích 12,5 km2, cách đất liền quận Đồ Sơn khoảng 700m. Đây là một hòn đảo nguyên sinh, trên đảo không có hộ dân sống cố định. Phần lớn diện tích đảo được bao bởi rừng nguyên sinh nên không khí trong lành. Trên đảo có 35 cây đa búp đỏ từ 400 đến 700 năm tuổi đã được công nhận là cây di sản Việt Nam vào năm 2013. Bao quanh đảo là những gềnh đá nhấp nhô, quanh năm sóng vỗ. Năm 2009, đảo Dấu được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng Di tích - danh lam thắng cảnh quốc gia. Đây là hòn đảo có mật độ di sản dày đặc, từ di tích văn hóa như Đền thờ Nam Hải Thần Vương, đến di sản thiên nhiên như quần thể đa búp đỏ, và di tích lịch sử như tòa nhà hải đăng cổ nhất Việt Nam.

M. THÚY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/le-hoi-dao-dau-linh-thieng-tin-nguong-nguoi-dan-mien-bien-37934.html
Zalo