Lễ hội cầu ngư Làng Cam Lâm: Niềm tin vào một năm bình an, bội thu

Lễ hội Cầu Ngư là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của ngư dân Cam Lâm (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với Cá Ông – vị thần hộ mệnh của những người gắn bó với biển khơi. Đồng thời, đây cũng là dịp để ngư dân cầu mong một năm thuận buồm xuôi gió, đánh bắt bội thu và cuộc sống an lành.

Tục thờ Cá Ông – Nét đẹp văn hóa tâm linh của ngư dân Cam Lâm

Tục thờ Cá Ông (cá Voi) gắn liền với lễ hội Cầu Ngư là nét văn hóa đặc trưng của cư dân ven biển, trong đó có Hà Tĩnh, góp phần gìn giữ và nâng cao giá trị tín ngưỡng, lễ hội truyền thống trong kho tàng văn hóa dân tộc. Tại làng Cam Lâm (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân), tục thờ Cá Ông chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Đền Đông Hải (còn gọi là đền Cá Ông), tọa lạc tại thôn Lâm Hoa, chính là nơi tổ chức nghi lễ tín ngưỡng thờ vị Đông Hải Đại Vương, được duy trì từ hàng trăm năm nay.

 Hàng trăm người dân tham gia lễ đón bằng công nhận Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hàng trăm người dân tham gia lễ đón bằng công nhận Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo sử sách, làng Cam Lâm được hình thành bởi ba vị tiền hiền Trần Canh, Lê Công Toản và Nguyễn Như Tiến (một số tài liệu ghi là cụ Nguyễn Nhật Tân), khi họ xin bãi cát hoang ven biển để khai hoang, lập ấp. Từ vùng đất cằn cỗi, Cam Lâm nay đã trở thành một làng chài trù phú. Nghề đánh cá gắn liền với tập tục lâu đời của cư dân vùng biển. Truyền thuyết kể rằng, một buổi sáng, người dân Cam Lâm phát hiện bộ xương cá voi trôi dạt vào bãi cát làng. Do Cá Ông được xem là vị thần hộ mệnh, thường giúp đỡ ngư dân khi gặp nạn giữa biển khơi, nên bà con đã tổ chức chôn cất trang trọng và lập bàn thờ cúng bái. Ban đầu, nơi thờ tự chỉ là một gian nhà đơn sơ, nhưng về sau, khi đời sống khấm khá hơn, người dân đã xây dựng hẳn một ngôi đền thờ nghiêm cẩn. Đền thờ này sau đó được một triều vua ban sắc phong, tôn vinh thần Đông Hải với danh hiệu: “Đương giới quản hải đạo ngư ông lịch nậm linh ứng uông nhuận tùng ba lịch triều phong tặng hàm hoàng quang đại thượng đẳng tối linh thần”.

 Đền Đông Hải (ở thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên) là nơi gắn liền với Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm.

Đền Đông Hải (ở thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên) là nơi gắn liền với Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm.

Đền Đông Hải tọa lạc trên diện tích gần 2.000m², với kiến trúc hình chữ Đinh (T), mang vẻ đẹp uy nghi, trầm mặc. Chính giữa ngôi đền là phần mộ Cá Ông được ốp đá hoa cương màu đen. Hai bên thượng điện có 17 ngôi mộ Cá Ông chôn nối tiếp nhau. Phía trong là hương án, trên đặt bộ ba long ngai bài vị sơn son thếp vàng, cùng bát hương và các đồ thờ cúng truyền thống. Đền hiện còn lưu giữ bốn đạo sắc phong cổ và đến năm 2017, nơi đây đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Theo ông Đinh Trọng Liến, Trưởng ban lễ hội làng Cam Lâm, tục thờ thần Cá Ông gắn liền với lễ hội Cầu Ngư của người dân nơi đây đã có từ hàng trăm năm nay, đồng thời hòa quyện với tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng. Đây không chỉ là một phong tục quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân, mà còn thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với Cá Ông – vị thần hộ mệnh giữa đại dương. Bên cạnh đó, lễ hội cũng là dịp để ngư dân gửi gắm ước vọng về một năm ra khơi thuận lợi, bình an, với những chuyến biển đầy ắp tôm cá, mang lại no ấm và phồn thịnh cho quê hương.

 Người dân tiến hành rước bằng vào làng Cam Lâm...

Người dân tiến hành rước bằng vào làng Cam Lâm...

Lễ hội cầu ngư - Lễ trọng lớn nhất trong năm của ngư dân vùng biển

Theo các tư liệu nghiên cứu, Lễ hội Cầu Ngư tại làng Cam Lâm có từ hàng trăm năm trước, gắn liền với tục thờ Cá Ông (cá voi) – vị thần bảo hộ của ngư dân vùng biển. Các sắc phong được lưu giữ tại đền Đông Hải cho thấy, dưới triều Nguyễn, vua Thành Thái (năm 1894) và vua Khải Định (năm 1924) đã ban sắc phong, giao cho trang Cam Lâm (nay là làng Cam Lâm) phụng thờ Đông Hải Cự Ngư Linh Ứng Chi Thần, hay còn gọi là Đông Hải Linh Ứng tôn thần. Việc thờ phụng này cũng gắn liền với Lễ hội Cầu Ngư – một sự kiện quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân nơi đây.

Lễ hội Cầu Ngư tại làng Cam Lâm được tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm, gồm hai phần: phần lễ và phần hội.

 Đại diện Cục Di sản văn hóa Bộ VH-TT-DL trao bằng chứng nhận Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho xã Xuân Liên

Đại diện Cục Di sản văn hóa Bộ VH-TT-DL trao bằng chứng nhận Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho xã Xuân Liên

Phần lễ diễn ra trang trọng với hai nghi thức chính: lễ tế tại đền Đông Hải và lễ rước Đông Hải Đại Vương ra biển. Đây là dịp để ngư dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu và những chuyến ra khơi an toàn. Ban nghi lễ được tuyển chọn kỹ lưỡng, gồm các bậc cao niên đức độ, uy tín trong làng, không vướng tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ, đọc văn tế bày tỏ lòng biết ơn với Cá Ông – vị thần luôn che chở ngư dân trên biển. Lễ hội không chỉ cầu ngư mà còn mang ý nghĩa cầu phúc, cầu an, mong ước một năm "trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang".

Phần hội là không gian vui tươi, náo nhiệt với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống. Ngư dân và du khách cùng tham gia các trò chơi dân gian như vật cổ truyền, đua thuyền, bơi lội, kéo co, bóng chuyền bãi biển… Đặc biệt, những tích trò Kiều, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh do các câu lạc bộ nghệ thuật của làng biểu diễn đã trở thành nét đặc sắc không thể thiếu trong lễ hội. Khi đêm xuống, lễ phóng đăng trên biển và thả thuyền cúng các linh hồn ngư dân quá cố diễn ra, tạo nên không gian tâm linh thiêng liêng, thu hút đông đảo người dân và du khách.

 Lễ rước Đông Hải Đại Vương ra biển - một nghi thức trong Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm (xã Xuân Liên, Nghi Xuân).

Lễ rước Đông Hải Đại Vương ra biển - một nghi thức trong Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm (xã Xuân Liên, Nghi Xuân).

Trước mỗi kỳ lễ hội, không khí chuẩn bị diễn ra nhộn nhịp khắp làng. Các bô lão họp bàn, phân công nhiệm vụ, các đội nghệ thuật tập luyện các tiết mục biểu diễn. Đội đua thuyền chuẩn bị thuyền và rèn luyện tay chèo, trong khi các cụ cao niên say sưa luyện cờ tướng. Phụ nữ trong làng lo chuẩn bị bánh ống – món bánh truyền thống dẻo thơm dùng trong các dịp lễ trọng. Những đặc sản biển tươi ngon nhất cũng được chọn lựa để chế biến, thi tài trong dịp hội làng.

Dù thời gian có thay đổi, Lễ hội Cầu Ngư tại làng Cam Lâm vẫn được duy trì với những nghi thức trang trọng, mang đậm bản sắc vùng biển. Đặc biệt, cứ ba năm một lần, lễ hội được tổ chức quy mô lớn hơn với các nghi lễ quan trọng như Tế Cá Ông, rước Đông Hải Linh Ứng tôn thần, cùng hàng loạt hoạt động văn hóa truyền thống phong phú. Với những giá trị văn hóa – tâm linh độc đáo, ngày 21/2/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm diễn ra hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng

Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm diễn ra hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng

Ngư dân Trần Hải Bình (thôn Lâm Vượng, xã Xuân Liên) tự hào chia sẻ: “Lễ hội Cầu Ngư mang đậm giá trị văn hóa tinh thần của ngư dân, được cha ông gìn giữ qua bao thế hệ. Năm nay, niềm vui càng nhân lên khi lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Du khách Minh Nam đến từ TP. Vinh (Nghệ An) bày tỏ ấn tượng: “Đến làng Cam Lâm, tôi không chỉ được ngắm bãi biển Xuân Liên với những đoàn thuyền tấp nập ra khơi, mà còn được hòa mình vào một lễ hội giàu bản sắc văn hóa. Không khí lễ hội sôi động với nhiều nghi thức trang nghiêm, cùng những màn trình diễn nghệ thuật dân gian độc đáo. Đây thực sự là một trải nghiệm ý nghĩa giúp tôi hiểu hơn về đời sống tinh thần của ngư dân miền biển”.

 Xã Xuân Liên tổ chức lễ hội cầu ngư trang trọng với sự tham gia của hàng trăm người dân trong vùng.

Xã Xuân Liên tổ chức lễ hội cầu ngư trang trọng với sự tham gia của hàng trăm người dân trong vùng.

Chia tay làng Cam Lâm, du khách vẫn vẹn nguyên ấn tượng về một vùng quê ven biển trù phú, với lễ hội giàu bản sắc và lòng hiếu khách của người dân. Giữa tiết Xuân tràn ngập niềm vui, không khí lễ hội rộn ràng đã để lại trong lòng bao người những xúc cảm sâu lắng về tình người, tình biển, cùng niềm tin vào một năm bình an, bội thu…

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-hoi-cau-ngu-lang-cam-lam-niem-tin-vao-mot-nam-binh-an-boi-thu-post332694.html
Zalo