Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc
Với việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tháng 12/2024, Lễ hội Báo Bản truyền thống của làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình năm 2025 được tổ chức tưng bừng, đặc biệt hơn khi gắn liền với sự kiện kỷ niệm 555 năm thành lập làng và Lễ đón bằng chứng nhận 'Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia'.
Xứng tầm Di sản phi vật thể quốc gia
Tại lễ đón Bằng chứng nhận "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" diễn ra sáng 10/2, đồng chí An Đôn Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Mô cho biết, lễ hội Báo Bản đã phản ánh một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, giai đoạn mở mang bờ cõi về phương nam.
Ở Lễ hội Báo Bản và không gian văn hóa Nộn Khê, hình ảnh của Vua Lê Thánh Tông dẫn đầu đoàn quân nam tiến chinh phạt Chiêm Thành và tướng Nguyễn Phục cùng đoàn quân lương hỗ trợ vẫn luôn hiện hữu cùng các truyền thuyết liên quan. Các sự kiện này gắn với địa danh đặc biệt quan trọng thời kỳ cổ đại, trung đại: cửa biển Thần Phù. Nơi đây đã ghi dấu ấn của biết bao anh hùng dân tộc, chiến công của họ tạo nên sự linh thiêng về tâm linh và sự quan trọng trong chiến lược về chính trị, quân sự trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Về giá trị khoa học, Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê góp phần bổ sung cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống lễ hội ở nước ta, cung cấp những tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa vùng đất cửa sông ven biển Thần Phù khi xưa. Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê góp phần khẳng định sự đúng đắn của chính sách khai hoang lấn biển của Vua Lê Thánh Tông ở thế kỷ XV.
Lễ hội Báo Bản là những lát cắt đương đại trên vùng đất có bề dày lịch sử gắn với vị thế địa văn hóa, địa chính trị trải qua những triều đại phong kiến. Vì vậy, trong quá trình lưu truyền, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ là chất liệu quan trọng của các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của người dân Việt Nam xưa, cũng như quá trình tiếp biến văn hóa trong đời sống hiện đại ngày nay, góp phần thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Về vai trò lịch sử của di sản văn hóa phi vật thể của Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê đối với đời sống văn hóa cộng đồng: Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê là một lễ trọng của người dân làng Nộn Khê từ xưa đến nay, điều này cho thấy vai trò quan trọng của lễ hội đối với đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Được tham gia trực tiếp vào quá trình chuẩn bị tổ chức lễ hội là trách nhiệm, nghĩa vụ và là niềm tự hào của các thành viên trong làng. Lễ hội là dịp để khẳng định, củng cố và bồi đắp tinh thần đoàn kết mà tổ tiên của 8 dòng họ, đó là: họ Bùi, họ Đinh, họ Phạm, họ Cao, họ Lê, họ Mai, họ Trần và họ Nguyễn đã gây dựng nên từ thủa đầu lập làng Nộn Khê.
Có thể nói, Lễ hội Báo Bản đã trở thành một miền ký ức thiêng liêng trong tâm trí của biết bao người con của làng Nộn Khê. Lễ hội Báo Bản đã thỏa mãn nhu cầu sum họp của những người con quê hương trong không khí thiêng liêng của sự biết ơn, của tình làng nghĩa xóm để giáo dục, trao truyền qua các thế hệ về truyền thống đoàn kết, biết ơn, đạo lý uống nước nhớ nguồn, khích lệ tinh thần tương thân tương ái, truyền thống hiếu học.
Không chỉ mang đến và thỏa mãn các giá trị tinh thần cho người dân Nộn Khê, lễ hội Báo Bản còn mang lại giá trị vật chất, kinh tế cho một bộ phận người dân nơi đây. Được chính thức khôi phục lại từ năm 1986, lễ hội Báo Bản được cộng đồng dân làng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để tổ chức theo đúng lễ nghi truyền thống.
Với những giá trị nổi bật, ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3987/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Diễn văn kỷ niệm 555 năm thành lập làng Nộn Khê và khai mạc lễ hội Báo Bản truyền thống xuân Ất Tỵ 2025 nêu rõ: Làng Nộn Khê xưa là vùng đất bồi chua mặn, hoang vu, lau sậy um tùm. Theo “Phả ký thế Tộc họ Bùi" thì từ niên hiệu Hồng Đức thứ nhất, năm 1470, cụ Thủy tổ Bùi Công Mẫn quê gốc cũ ở Lục Nộn, Nam Châu (tức Hà Nam ngày nay) theo chính sách phát triển kinh tế của Triều Lê đã lập nên ấp Nộn Khê với ý nghĩa Nộn là Non, Khê là Suối, tức "dòng suối mới khơi nguồn non xanh trong mát". Cụ Bùi Công Mẫn lập ấp đúng ngày 14 tháng Giêng, nên hằng năm nhân dân làng Nộn Khê lấy ngày 14 tháng Giêng, dịp Tết Thượng Nguyên để tổ chức Lễ Báo Bản - đây là một Lễ trọng của làng. Bản là gốc, Báo Bản là nhớ tới gốc, là báo đáp công đức của tiền nhân.
Trải qua 555 năm, qua nhiều thăng trầm lịch sử, với sự nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương của các thế hệ người dân trong làng, làng Nộn Khê đã có nhiều đổi thay, khang trang, sạch đẹp hơn, trở thành một miền quê trù phú nhưng vẫn giữ được truyền thống văn hiến lâu đời cũng như bản sắc văn hóa của một làng quê có bề dày lịch sử... Đến nay, làng Nộn Khê có 4 xóm đều được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Để bảo vệ, phát huy di sản, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục nâng cao vai trò quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn hoạt động của lễ hội; tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về lễ hội; nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng và tư liệu hóa lễ hội Báo Bản. Đồng thời dàn dựng các tác phẩm chèo, kịch, chương trình nghệ thuật phục vụ tại lễ hội; phát huy vai trò của cộng đồng, tăng cường xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội...
Phát huy giá trị truyền thống
Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê năm nay diễn ra trong ba ngày, từ ngày 9-11/2/2025 (tức ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch). Đây không chỉ là dịp để con cháu trong làng tỏ lòng thành kính với tổ tiên và tri ân các vị anh hùng dân tộc mà còn là sự kiện gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa lâu đời của địa phương.
Nét độc đáo của Lễ hội Báo Bản là kính báo lên thành hoàng, các bậc tiên tổ về sự thành đạt, hiếu học của con em và thành tích của làng đạt được trong năm cũ. Trong đó, phần lễ sẽ tổ chức tế, dâng hương tôn vinh công lao các vị tiền nhân đã có công khai phá, lập làng và tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ - những người con quê hương đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ quê hương, đất nước.
Phần hội diễn ra sôi động, tươi vui với nhiều hoạt động đặc sắc: múa rồng, múa lân, đánh đu, đánh cờ, tổ tôm điếm, đấu vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, kéo co, các hoạt động thi đấu thể dục-thể thao như thi đấu bóng đá, bóng chuyền, biểu diễn văn nghệ, hội thi đấu chim chào mào hót.
Lễ hội Báo Bản là dịp để con cháu xa gần hướng về nguồn cội, báo đáp công đức các bậc tiền nhân. Đây là dịp để con em xa quê hương và du khách thập phương về dự hội vãn cảnh, cầu mong những điều tốt lành đến với bản thân, gia đình.
Một nét đặc sắc lễ hội Báo Bản ở Nộn Khê còn giữ được đó là hai phiên chợ đêm vào tối 12 và 13 tháng Giêng thu hút hàng nghìn người về dự với nhiều món ăn dân dã, truyền thống, mang đậm hương vị quê hương như bánh đúc, bánh gai, bánh cuốn, bún riêu, bún ốc...
Lễ hội Báo Bản cũng là chất liệu cho những con người Nộn Khê tài hoa sáng tác những áng thơ văn, tùy bút về quê hương, đất nước. Trải dài trên mấy trăm năm, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, nhiều người Nộn Khê thích thơ, yêu thơ và làm thơ. Có rất nhiều áng văn thơ được người dân Nộn Khê sáng tác về lễ hội Báo Bản, về lịch sử hình thành và phát triển của làng.
Ông Bùi Ngọc Chĩ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Nộn Khê cho biết, Câu lạc bộ thơ Nộn Khê được thành lập cách đây hơn 30 năm, mục đích là giữ gìn truyền thống, cổ vũ, động viên những người yêu thơ tiếp tục sáng tác thơ, làm dày kho báu thơ ở một làng trăm năm văn vật. Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn và năm nay, chào mừng 555 năm ngày thành lập làng (1470-2025), Câu lạc bộ thơ Nộn Khê ra mắt tập thơ thứ năm gồm các tác phẩm không chỉ do chính người dân Nộn Khê sáng tác mà còn của những người con đi làm ăn xa gửi về để tham gia.
Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê không chỉ góp phần giáo dục truyền thống văn hóa của địa phương mà còn là nơi hội tụ và lan tỏa tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, cũng là sợi chỉ kết nối các thế hệ người dân địa phương dù đang sinh sống ở khắp các vùng miền trên cả nước, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương.
Một số hoạt động tại Lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê: