Lễ hội A Pier - khúc hát trỉa lúa
HNN - Dưới làn sương mỏng manh, lững lờ trôi trên những triền núi A Lưới buổi sáng sớm, tôi theo chân bà con xã Trung Sơn về sân làng để dự một lễ hội đặc biệt - lễ hội A Pier (lễ hội xuống giống cây trồng). Không gian rộn ràng trong âm thanh của cồng chiêng và những gùi lễ vật thơm lừng lúa nếp mới. Đó là ngày người Pa Cô đánh thức đất trời và gửi gắm ước vọng về một mùa màng bội thu.

Còn làm nương là còn A Pier. Ảnh: Phạm Tuyết
Lễ hội của niềm tin và hy vọng
Lễ hội A Pier là một trong những lễ thức cổ truyền quan trọng bậc nhất của người Pa Cô, thường được tổ chức vào đầu mùa trỉa lúa, khi núi rừng bắt đầu chuyển mình đón nắng xuân. Theo phong tục, lễ hội được tổ chức với 6 nghi lễ chính, gắn liền với đời sống nông nghiệp, tâm linh và tín ngưỡng lâu đời của cộng đồng.
Từ sáng sớm, già làng Hồ Văn Hạnh, Nghệ nhân ưu tú, người giữ lửa văn hóa Pa Cô, đã có mặt tại sân làng để chủ trì nghi lễ. Giữa vòng tròn người dân, ông mặc trang phục thổ cẩm, tay cầm chùm lúa giống, bước đi chậm rãi và uy nghi.
“Tổ tiên dạy rằng, muốn mùa màng no đủ, phải bắt đầu bằng sự kính trọng đất trời. Lễ A Pier không chỉ là cúng lúa, mà còn là sự đoàn kết, sự biết ơn”, già Hạnh nói, giọng trầm ấm như tiếng suối ngầm giữa đại ngàn.
Buổi lễ mở đầu bằng cuộc họp của các trưởng họ, đó là nghi lễ họp bàn. Già làng cùng đại diện các dòng họ chọn ngày lành (theo lịch truyền thống Klang, Tâm Prang) và phân công người chuẩn bị lễ vật, thường là gà, heo, xôi nếp than và rượu cần.
Sau đó là nghi lễ khai rẫy thiêng, già làng chọn một mảnh đất tượng trưng làm “mẫu rẫy” để gieo lúa đầu tiên. Già làng cầm thanh la sàng giống, vừa sàng vừa khấn, cầu mong hạt lúa được vàng óng, chắc hạt như chính tiếng ngân của thanh la.
Lễ trỉa lúa chính thức diễn ra ngay trên nương rẫy của từng gia đình. Trong tiếng khèn réo rắt, những người phụ nữ Pa Cô nhẹ nhàng thả từng hạt lúa xuống lỗ “A Pật”, miệng ngân nga bài hát ru đồng ruộng: “Mẹ lúa ơi, cho con mọc xanh tốt, cho con dài bông chắc hạt, cho nương bản được đủ đầy”.
Nghi thức đánh thức giống lúa là một trong những điểm nhấn đầy tính tượng trưng. Người Pa Cô tin rằng, để hạt giống “tỉnh dậy”, phải làm nó “giật mình”. Già làng dùng đoạn tre đập mạnh vào đá tạo ra tiếng nổ vang vọng núi rừng, như lời gọi gửi vào lòng đất.
Sau đó là lễ làm rào chắn, nghi thức này vừa thực tế, vừa mang ý nghĩa bảo vệ thành quả lao động, che chở cho cây lúa trước thú dữ và thiên tai.
Cuối cùng là nghi lễ “Rửa Ca ria”. Phụ nữ trong bản ra suối, rửa nông cụ và ca hát cầu mưa thuận gió hòa. Họ vừa hát, vừa vốc nước rửa từng chiếc giỏ, từng lưỡi cuốc, như đang thanh tẩy những lo toan, những điều không may mắn để chuẩn bị cho vụ mùa mới trọn vẹn.
Khi nghi thức kết thúc, bản làng tụ hội bên bếp lửa, cùng ăn cơm lam, uống rượu cần, múa những điệu múa truyền thống bên tiếng cồng chiêng rộn ràng. Những chàng trai, cô gái Pa Cô khoác tay nhau nhảy múa để cầu nguyện một mùa màng bội thu.
Già Hạnh hô to: “Hễ còn làm nương thì còn A Pier. Con cháu phải biết quý hạt giống, quý rẫy nương, quý đồng bào mình”.
Sản phẩm du lịch độc đáo
Hiện nay, chính quyền huyện A Lưới đã bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa lễ hội A Pier theo hướng du lịch cộng đồng. Bà Tar Dư Tư, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin huyện A Lưới, chia sẻ: “Chúng tôi phối hợp với các nghệ nhân, già làng để xây dựng kịch bản chuẩn hóa lễ hội A Pier. Một mặt giữ đúng hồn cốt truyền thống, mặt khác có thể đưa vào các tour trải nghiệm dành cho du khách”.
Theo bà Tư, các hoạt động như tham gia gieo hạt, múa dân ca, uống rượu cần, học làm nông cụ truyền thống... đã được tích hợp vào các chương trình du lịch sinh thái ở A Lưới. Nơi đây có núi non hùng vĩ, có chiều sâu văn hóa bản địa độc đáo, rất được khách du lịch trong nước và quốc tế ưa chuộng.
“Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức tái hiện A Pier theo mùa, kết hợp cùng các lễ hội khác như A Da Koonh, Âr Pục…, để tạo chuỗi sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng của đồng bào Pa Cô”, bà Tư cho biết.
Lễ hội A Pier - lễ hội của đất trời và của niềm tin người Pa Cô, vẫn âm thầm lan tỏa trong từng nương rẫy, vang vọng trong lời khấn của già làng và sống động trong từng bước chân du khách. Những ai tìm về bản làng chắc hẳn sẽ khó quên câu chuyện mùa vụ được kể bằng điệu múa, ánh lửa và tiếng cười rộn ràng của đồng bào Pa Cô giữa núi rừng Trường Sơn.