Lễ giỗ gắn kết tình thân

Đám giỗ bà nội, má tôi lui cui chuẩn bị mọi thứ từ ba bốn ngày trước. Từ nếp, đậu gói bánh đến cả chục loại gia vị, sau mới đến thịt, rau, củ sao cho đủ số lượng mâm cúng ông bà, đãi khách và cháu con trong họ tộc ở xa.

Ảnh minh họa: KT

Ảnh minh họa: KT

Chị gái tôi quen cách sống ở phố thị nên nói má nấu nướng chi cho cực nhọc, đặt người ta nấu cho nhanh. Quả thực thời bây giờ, dịch vụ nấu ăn “nở rộ” khắp nơi, đến tận các xã vùng sâu như ở quê tôi. Chỉ cần gọi đặt trước, thỏa thuận giá, đến ngày đám tiệc, người ta sẽ giao mâm cỗ tới. Tiện lợi đến mức nhiều gia đình cần gà luộc để cúng chỉ cần gọi điện thoại thì độ chừng một giờ sau đã có người ship tận nơi. Gia chủ chẳng phải vất vả nấu nướng mà mọi thứ vẫn tươm tất.

Má tôi nói giỗ ở quê không phải chỉ là cỗ bàn và chuyện ăn uống mà là dịp họp mặt, gắn kết họ hàng và những thành viên trong gia đình. Tự mình nấu mâm cỗ là để cháu con bớt chút thời gian quây quần bên nhau, phụ nhau lo việc chung. Mỗi người góp một tay, cùng chăm chút những món ăn thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Vì vậy, suốt mấy chục năm về làm dâu, má vẫn giữ truyền thống tự nấu cỗ xếp mâm mỗi lần trong nhà có giỗ.

Không khí nhộn nhịp khi các bác, các cô, các chị, các anh xúm lại, phân chia công việc làm mọi người như xích lại gần hơn. Mỗi người vừa làm, vừa kể chuyện gia đình, con cái hoặc công việc sau một thời gian dài chẳng có dịp gặp nhau. Hàng xóm cũng có dịp ôn lại một thời tối lửa tắt đèn khi ngồi bên nhau nấu nướng, chuyện trò.

Dù dịch vụ đặt cỗ tiệc tiện lợi ở thời hiện đại nhưng tôi vẫn thích được ngắm nhìn thân bằng quyến thuộc tụ hội về trong một dịp đặc biệt như ngày giỗ để cùng nhau hướng về tổ tiên./.

Nghĩa Hành

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/le-gio-gan-ket-tinh-than-a184451.html
Zalo