Lễ dựng nêu - phong tục chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống

Trong các hoạt động vui xuân, đón tết đang diễn ra rộn ràng ở nhiều địa phương trong tỉnh, tại TP.Thủ Dầu Một, tết năm nay, người dân còn được hòa mình vào không khí mùa xuân qua nghi thức 'Lễ dựng nêu' đang được tái hiện. Đây là một phong tục chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống vào mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc, nhưng phần nào đã bị mai một trong thời gian qua.

Cây nêu được dựng tại Nhà truyền thống TP.Thủ Dầu Một với chủ đề “Cây nêu ngày tết - Gắn kết cộng đồng”

Tái hiện nét văn hóa ngày xuân

Trong dòng chảy thời gian, tục dựng cây nêu ngày tết phần nào cũng bị mai một. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, chỉ biết về nét đẹp này qua tài liệu, thông qua các phương tiện truyền thông. Vì thế, việc tái hiện nghi thức dựng cây nêu ngày tết là một trong những hoạt động đặc sắc được các cấp chính quyền, ngành văn hóa TP.Thủ Dầu Một đặc biệt quan tâm, thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một, cho biết trong chuỗi các hoạt động văn hóa diễn ra vào dịp tết năm nay, tục dựng cây nêu được TP.Thủ Dầu Một phát động đến các khu phố trên địa bàn để cùng thực hiện, nhằm góp phần giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy tính tự giác trong nhân dân về trang trí, làm đẹp cảnh quan tại khu phố, quê hương mình nhân dịp tết đến, xuân về.

Viết thư pháp “Nét bút ngày xuân”, hoạt động thu hút nhiều bạn trẻ tham gia

Để tạo không khí vui xuân mới cho nhân dân trên địa bàn, khu phố 8, phường Phú Lợi là một trong những khu phố tổ chức lễ dựng nêu sớm nhất. Ngày 19-1, nghi thức lễ dựng nêu ngay trước văn phòng khu phố được tiến hành. Ông Bùi Viết Bình, Trưởng ban Điều hành khu phố 8, cho biết đây là lần đầu tiên khu phố tổ chức dựng cây nêu. Hoạt động này có ý nghĩa rất nhiều với nhân dân, đặc biệt là các cháu thanh thiếu niên chưa biết cây nêu ngày tết như thế nào.

Tái hiện nét đẹp trong tết xưa

Nhằm tạo không gian vui xuân, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của các tầng lớp nhân dân, TP.Thủ Dầu Một đã thực hiện, ra mắt một số hoạt động ý nghĩa tại Nhà truyền thống thành phố, như: Viết thư pháp “Nét bút ngày xuân”, tạo hình bột sắc màu dân gian “tò he”; không gian “Hương vị tết quê”. Những ngày qua, các hoạt động này đã thu hút nhiều bạn trẻ đến tham gia.

Sáng 22-1 (đúng ngày 23 tháng chạp âm lịch), TP.Thủ Dầu Một cũng đã tổ chức nghi thức lễ dựng nêu mừng Xuân Ất Tỵ 2025 tại Nhà truyền thống thành phố, với chủ đề “Cây nêu ngày tết - Gắn kết cộng đồng”. Thông qua hoạt động này, góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần đoàn kết và gắn bó trong cộng đồng.

Lãnh đạo thành phố đã thực hiện nghi thức khai chiêng, khai trống, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân đã chứng kiến nghi thức lễ dựng nêu chứa đựng nhiều ý nghĩa thiêng liêng, truyền thống. Trên ngọn cây nêu còn giữ lại phần lá tre và gắn trang trí thêm những lời chúc mừng năm mới, lồng đèn đỏ, chuông gió… tạo thành một hình ảnh mùa xuân rất đẹp, đậm dấu ấn tết Việt trên đất Thủ - Bình Dương. Cây nêu được dựng lên, vươn cao giữa đất trời, tung bay trong gió như đánh dấu sự khởi đầu của một mùa xuân mới đã về với quê hương, với dân tộc.

Lưu giữ truyền thống

Tết Nguyên đán hàng năm có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Đây là dịp để mọi người tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, sum họp bên người thân và cùng hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới. Trong không khí vui tươi của mùa xuân mới, đón Tết cổ truyền dân tộc, người Việt Nam ta cũng tổ chức nhiều hoạt động, phong tục đặc sắc, thể hiện nét đẹp trong đời sống tinh thần, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có tục dựng cây nêu.

Ông Vũ Đình Chưởng, một người cao tuổi ở phường Phú Lợi, cho biết tục dựng cây nêu (hay lễ thượng nêu) có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán. Cây nêu thường được dựng lên vào ngày 23 tháng chạp âm lịch và hạ nêu vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm. “Vào ngày ông Công, ông Táo về chầu trời, người dân dựng cây nêu trước sân, đầu xóm để “thay” các vị thần bảo vệ gia đình, xóm thôn khỏi những điều xấu, xua đuổi những yếu tố không may mắn. Cây nêu cũng được xem như là cầu nối giữa con người với thần linh, giữa trời với đất, giữa âm với dương và thể hiện lòng biết ơn và cầu mong một năm mới bình an, thịnh vượng đến với mọi người, mọi nhà.

Cây nêu được dựng lên trong không khí phấn khởi của người dân, báo hiệu mùa xuân, ngày Tết cổ truyền dân tộc đã về. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc tái hiện, thực hiện nghi thức dựng cây nêu ngày tết không chỉ góp phần lưu giữ, phát huy nét đẹp truyền thống, mà còn góp phần tạo nên cảnh quan độc đáo, ấn tượng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn với việc thực hiện Đề án nâng cao chất lượng Cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn hóa văn minh đô thị” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Thông qua hoạt động này, TP.Thủ Dầu Một hy vọng mỗi người tiếp tục gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, cùng nhau xây dựng một môi trường sống tốt đẹp và văn minh” .

Hòa trong không khí mừng Đảng quang vinh - mừng Xuân Ất Tỵ 2025, ngày 22-1, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một cũng đã phối hợp với Ban Quản lý di tích đình thần Tương Bình Hiệp thực hiện dựng cây nêu trong khuôn viên đình thần (ảnh).

Đình thần Tương Bình Hiệp là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Việc dựng cây nêu tại đình không chỉ thu hút du khách và nhân dân trong cũng như ngoài địa phương đến tham quan, tìm hiểu giá trị của ngôi đình, mà còn giới thiệu đến mọi người những phong tục truyền thống lâu đời trong tết Việt.

HỒNG THUẬN

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/le-dung-neu-phong-tuc-chua-dung-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-a340553.html
Zalo