Lễ chùa đầu năm: Nét văn hóa của người Việt
Với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống. Đây không chỉ là dịp để tỏ bày ước nguyện về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, mà còn để cộng cảm, hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh.
![Du khách dâng hương tại chùa Vồm, phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_361_51436097/65a78afeb1b058ee01a1.jpg)
Du khách dâng hương tại chùa Vồm, phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa).
Trong tiết trời se lạnh của mùa xuân, dòng người tìm đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) mỗi lúc một đông. Chị Nguyễn Thị Hoa (TP Thanh Hóa) cùng gia đình đến đây dâng hương, vãn cảnh từ sáng sớm, chia sẻ: "Theo tín ngưỡng của người Việt, đi lễ đầu năm không chỉ để cầu mong một năm mới may mắn, bình an mà đó còn là dịp để con người gạt bỏ đi những muộn phiền trong cuộc sống. Chính vì vậy, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân năm mới là tôi cùng gia đình lại đi đến các ngôi đình, chùa, các khu di tích lịch sử - văn hóa để dâng hương, và du xuân. Dịp đầu xuân năm Ất Tỵ 2025, đến với Lam Kinh, ngoài việc thành kính dâng nén hương thơm để tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước, tôi cũng cầu mong cho gia đình được bình an, hạnh phúc, công việc thuận lợi, con cái học hành chăm ngoan".
Ông Nguyễn Xuân Toán, Trưởng Ban quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, cho hay: "Để phục vụ Nhân dân và du khách trong dịp tết cổ truyền, từ ngày 27/1 đến hết ngày 1/2 (tức từ ngày 28 tháng chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày mùng 4 tháng giêng năm Ất Tỵ), Ban quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh đã miễn phí vé cho người dân và du khách đến tham quan, dâng hương. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tại khu di tích, như: Viết câu đối, cho chữ đầu xuân tại đền thờ vua Lê Thái Tổ; tổ chức Lễ khai xuân tại đền thờ vua Lê Thái Tổ (ngày 4 tháng giêng)... Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho Nhân dân và du khách, Ban quản lý đã tăng cường các phương án phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, bố trí người túc trực, tiếp đón người dân một cách chu đáo, tận tình, đảm bảo dâng hương thành kính, tôn nghiêm".
Đền, chùa vốn là chốn thanh tịnh, bình yên, bởi thế nên những ngày đầu năm mới, từ người già đến con trẻ ai ai cũng háo hức khoác lên mình những bộ trang phục chỉnh tề nhất để đi lễ chùa đầu năm. Chị Vi Thị Hoa, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức cho rằng: "Đối với các bạn trẻ, đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, mà vào dịp đầu năm, tôi và các bạn sinh viên trong trường thường rủ nhau đi lễ chùa, trước là để cầu mong cho bản thân, gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, sau là để du xuân vãn cảnh. Đến các điểm di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, chúng tôi được hòa mình vào không gian linh thiêng, tìm được sự thư thái cho tâm hồn sau một năm học hành căng thẳng. Đây cũng là dịp để chúng tôi được tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc, quá trình hình thành phát triển của các di tích và các nhân vật lịch sử được thờ phụng. Từ đó, thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nét đẹp truyền thống mà các thế hệ cha anh đi trước đã dày công tạo dựng".
Theo chân dòng người hành hương về các ngôi đình, đền, chùa dịp đầu xuân năm mới như, đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn), chùa Vồm (phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa), Công viên Văn hóa tâm linh Hòn Bò (xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa), Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh), đền Cửa Đạt (Thường Xuân), Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền Nưa – Am Tiên (Triệu Sơn)... chúng tôi cảm nhận được phong tục đi lễ ngày tết đã trở thành một nhu cầu hưởng thụ văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Việc đi lễ không chỉ giúp cho người dân giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn của tiền nhân mà còn hướng con người tới giá trị của chân - thiện - mỹ, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ gia đình và cộng đồng.
Để nét đẹp trong văn hóa truyền thống đi lễ chùa đầu năm luôn được phát huy và gìn giữ, ban quản lý các đền, chùa, di tích lịch sử - văn hóa và các địa phương trong tỉnh đã sớm xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch cụ thể, trọng tâm là đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, các hoạt động bán hàng, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn tuyên truyền để người dân chủ động, tự giác thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong quá trình chiêm bái, thưởng ngoạn.