Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: 'Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời'. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Đây là dịp để những người con bày tỏ sự hiếu nghĩa, tấm lòng thảo thơm đối với cha mẹ.

 Trong lễ báo hiếu, vợ chồng anh Piên (làng Đê Gôh, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) mời rượu và dâng chén thịt đầy cho mẹ (ảnh nhân vật cung cấp).

Trong lễ báo hiếu, vợ chồng anh Piên (làng Đê Gôh, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) mời rượu và dâng chén thịt đầy cho mẹ (ảnh nhân vật cung cấp).

Thông thường, sau khi lập gia đình, tách hộ ở riêng được 5 năm, 10 năm, người con sẽ xin phép cha mẹ tổ chức lễ báo hiếu để tạ ơn công sinh thành, dưỡng dục. Quy mô tổ chức lễ báo hiếu tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình. Xưa kia, người giàu có thì làm lễ bằng con trâu, con bò… Nhưng hiện nay, hầu hết người Bahnar làm lễ báo hiếu bằng con heo; nếu anh em họ hàng đông thì làm lễ bằng con heo lớn, còn họ hàng ít thì làm con heo vừa phải.

Trước khi tiến hành nghi lễ, người con phải chuẩn bị một số lễ vật gồm: heo, gà, rượu ghè để cúng và ăn uống. Ngoài ra, phải chuẩn bị thêm các lễ vật cần thiết khác như: chăn khố, quần áo thổ cẩm, giày dép, chén bát... để biếu cha mẹ, anh chị em ruột.

Ông Guin (làng Bla-Troéc, xã Kdang, huyện Đak Đoa) cho biết: Khi đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, người con sẽ thưa với cha mẹ, chọn ngày lành tháng tốt để mang các lễ vật sang nhà cha mẹ tiến hành lễ báo hiếu. Theo phong tục của người Bahnar, các cặp vợ chồng trẻ, mới tách hộ ở riêng thì lúc nào cũng cố gắng làm ăn, tích góp của cải, xây dựng kinh tế mong muốn làm lễ báo hiếu, tạ ơn cha mẹ. Đồng thời, cầu chúc cho cha mẹ sức khỏe dồi dào, luôn cùng đồng hành, chỉ dẫn con cái phát triển kinh tế.

Theo già làng Ayó (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa), lễ báo hiếu cha mẹ chỉ gói gọn trong từng gia đình, dòng tộc. Sau phần lễ, trong không gian ấm cúng của gia đình, rượu ghè đổ đầy nước, thịt heo, thịt gà đã nướng sẵn, người con làm lễ, lấy tô múc đầy thịt heo và các món ngon dâng lên cha mẹ, cầu chúc cho cha mẹ sức khỏe, đồng thời tặng những bộ quần áo thổ cẩm, khố truyền thống hoặc những vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Tiếp theo, lần lượt mời anh chị em ruột thưởng thức rượu ghè và mỗi người cũng được nhận 1 chén thịt heo. Lúc này, gia đình quây quần bên nhau, cùng chúc mừng cho người làm lễ, cùng kể lại những kỷ niệm thời thơ ấu đã được cha mẹ nuôi nấng.

Già làng Ayó chia sẻ thêm: “Việc con cái làm lễ báo hiếu là bày tỏ tấm lòng thương yêu cha mẹ, không quên công ơn cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng nên người. Con cái tổ chức lễ để cha mẹ được ăn uống những sản vật do chính bàn tay lao động của mình làm ra. Còn con heo thì to hay nhỏ không quy định, nhưng vào ngày lễ phải mời gọi anh em, họ hàng cùng chung vui”.

Anh Piên (41 tuổi, làng Đê Gôh, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) vừa tổ chức lễ báo hiếu. Anh cho biết: “Dù giàu sang hay nghèo khó, từ xưa đến nay, người Bahnar luôn mong muốn được làm lễ báo hiếu cha mẹ. Đây là cách thể hiện sự biết ơn đối với công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ từ khi sinh ra đến lớn khôn nên mọi người đều mong muốn được làm”.

Còn anh Lứi (40 tuổi, làng Djrông, xã Adơk, huyện Đak Đoa) thì tâm sự: “Bản thân tôi đến thời điểm này vẫn chưa làm lễ báo hiếu cha mẹ nên rất ái ngại. Tôi sẽ phấn đấu để có điều kiện làm lễ báo hiếu cha mẹ, cầu chúc cho cha mẹ được khỏe mạnh, sống an vui. Đây cũng là dịp để tôi chỉ bảo cho con cháu duy trì nếp sống biết tôn trọng, yêu thương người lớn, là cách ứng xử nhân văn đã tồn tại bao đời nay của dân tộc”.

Trong cuộc sống ngày nay, người Bahnar vẫn gìn giữ phong tục báo hiếu nhằm giáo dục, chỉ bảo con cháu phải biết yêu thương, kính trọng cha mẹ. Qua đó, mối quan hệ trong gia đình, anh em ngày càng gắn kết, quý mến nhau hơn… Đây là một nét đẹp trong đời sống văn hóa ứng xử của cộng đồng người Bahnar cần được giữ gìn và phát huy.

A DƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/le-bao-hieu-thom-thao-tam-long-con-cai-post311037.html
Zalo