LĐLĐ quận Hai Bà Trưng: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, công nhân lao động nhằm giúp người lao động nâng cao nhận thức và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, hàng năm Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng đều phối hợp với Ủy ban nhân dận quận và Báo Lao động Thủ đô tổ chức các cuộc Đối thoại trực tiếp với đoàn viên, người lao động, đại diện các Công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động về chính sách pháp luật và quan hệ lao động; tiếp và tư vấn pháp luật cho hàng trăm người lao động liên quan đến ký kết hợp đồng lao động, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,…

Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng mong muốn thông qua những hoạt động này giúp cán bộ Công đoàn, đoàn viên và người lao động hiểu rõ hơn về các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; lĩnh vực công đoàn...

Điển hình, vào ngày 24/5 vừa qua, Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng đã phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức buổi đối thoại trực tiếp về những chính sách mới liên quan đến pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch LĐLĐ quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Kim Dung phát biểu tại buổi đối thoại trực tiếp với đoàn viên, người lao động về những chính sách mới liên quan đến pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch LĐLĐ quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Kim Dung phát biểu tại buổi đối thoại trực tiếp với đoàn viên, người lao động về những chính sách mới liên quan đến pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội.

Tại buổi đối thoại, đoàn viên, người lao động tại các đơn vị đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, điển hình như việc có nên rút bảo hiểm xã hội một lần không?; người tham gia bảo hiểm xã hội chậm đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian bao lâu thì bị tính lãi?; làm thế nào để biết doanh nghiệp có đóng đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động; giáo viên trường công và trường tư mức đóng bảo hiểm xã hội có khác nhau không?; quyền lợi về an toàn lao động của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được quy định như thế nào?; cải cách tiền lương từ tháng 7/2024 thì những giáo viên lâu năm có tiếp tục được hưởng tiền thâm niên không?; điều kiện để được về hưu sớm theo diện tinh giản biên chế?;…

Không chỉ đông đảo đoàn viên, người lao động mà cả các cán bộ Công đoàn cũng có những thắc mắc mong muốn được giải đáp để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Ngay tại buổi đối thoại, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc của người lao động, giúp người lao động đảm bảo quyền lợi chính đáng của bản thân và gia đình.

Là một trong số gần 300 đoàn viên, người lao động có mặt tại buổi đối thoại, chị Đường Thị Thu Hương, đoàn viên Trường Tiểu học Đồng Nhân đã đặt câu hỏi về giáo viên trường công và tư thục mức đóng bảo hiểm xã hội có khác nhau không?

Giải đáp thắc mắc của chị Đường Thị Thu Hương, chuyên gia Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết: “Về cơ bản, giáo viên trường công lập sẽ hưởng lương theo hệ số nhân với lương cơ sở, còn trường tư thục thì tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động quyết định và mức lương tối thiểu không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Về quy định mức lương khác nhau, nhưng tỷ lệ đóng BHXH giống nhau, đều đóng 32% trên tổng số tiền lương, tiền công. Nói chung là đóng BHXH nhưng 32% này đóng 4 nguồn quỹ khác nhau, theo 4 luật khác nhau là Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Việc làm...”.

Chị Lê Lan Phương, Công ty cổ phần Colowide Việt Nam hỏi về cách tính lương làm thêm giờ các dịp lễ, Tết.

Chị Lê Lan Phương, Công ty cổ phần Colowide Việt Nam hỏi về cách tính lương làm thêm giờ các dịp lễ, Tết.

Cũng tại buổi Đối thoại trực tiếp, chị Lê Lan Phương, đoàn viên Công ty cổ phần Colowide Việt Nam hỏi: Cách tính lương làm thêm giờ các dịp lễ, Tết cho cộng tác viên làm bán thời gian như thế nào? Người lao động làm thất thoát tài sản, bỏ ca làm việc, vi phạm kỷ luật dẫn đến các trung tâm thương mại phạt hành chính công ty thì công ty có quyền sử dụng hình thức kỷ luật nào với người lao động?

Giải đáp thắc mắc của chị Lê Lan Phương, luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Bộ luật Lao động năm 2019 không có quy định về cộng tác viên, nên áp dụng cộng tác viên như với lao động thời vụ. Nếu sử dụng như với doanh nghiệp bất động sản thực hiện khoán việc với cộng tác viên thì đây gần như là một thỏa thuận dân sự.

Do vậy, nếu cộng tác viên đó không phải là lao động của doanh nghiệp, thì không áp dụng chế độ nghỉ ngơi, làm thêm giờ theo Bộ luật Lao động, mà do cơ chế khác giải quyết. Còn nếu sử dụng cộng tác viên đó làm thêm thường xuyên trong doanh nghiệp, thì lưu ý trường hợp trốn đóng BHXH.

Về bồi thường, người lao động khi thực hiện nhiệm vụ tại doanh nghiệp mà gây thiệt hại cho doanh nghiệp, theo Điều 129 Bộ luật Lao động quy định rõ về bồi thường.

Theo đó, người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Do thiệt hại gây ra do người lao động đang làm việc, nên khi bồi thường phải tính toán. Nếu khấu trừ lương thì trong 1 năm không được khấu từ quá 3 tháng để đảm bảo đời sống cho người lao động.

Ngoài chị Lê Lan Phương và chị Đường Thị Thu Hương, rất nhiều đoàn viên khác đặt câu hỏi và đã được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch LĐLĐ quận Hai Bà Trưng những buổi đối thoại trực tiếp vô cùng ý nghĩa, bởi đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thêm kiến thức để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bản thân cũng như góp phần duy trì mối quan hệ lao động hài hòa với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng giúp các cán bộ Công đoàn có thêm kiến thức, kinh nghiệm để truyền tải cho đoàn viên, người lao động và trực tiếp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công việc của mình.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ldld-quan-hai-ba-trung-day-manh-tuyen-truyen-giao-duc-phap-luat-cho-nguoi-lao-dong-171941.html
Zalo