Lấy ý kiến về mức phạt hành chính vi phạm đất đai và môi trường tại Hà Nội
Ngày 28-4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội và dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương dự hội nghị
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương dự hội nghị.
Dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố gồm 8 điều. Trong đó, đáng chú ý mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 123/2024/NĐ-CP trên địa bàn thành phố, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố gồm 8 điều, trong đó quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cao hơn mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP trên địa bàn thành phố, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm k khoản 1 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức tiền phạt gấp 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân.
Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cao sự cần thiết ban hành 2 Nghị quyết để đưa vào thực thi, góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô; giúp các cấp chính quyền quản lý tốt hơn và ngăn chặn các vi phạm phát sinh.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ý kiến, cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất tại các khu vực trọng điểm; cần cụ thể hóa, ghi rõ thẩm quyền xử phạt; thiết lập cơ chế giám sát và phản hồi từ cộng đồng; công khai danh tính cá nhân, tổ chức vi phạm trên phương tiện truyền thông…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình HĐND thành phố Hà Nội ban hành.