Lấy ý kiến về đề xuất sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TPHCM
TPHCM đang triển khai lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để thành lập thành phố mới, nhằm mở rộng không gian phát triển cho ba địa phương.

Phiếu lấy ý kiến của người dân. Ảnh: TTXVN
Sáng 13-4, các phường ở thành phố Thủ Đức phát phiếu lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành TPHCM mới. Người dân chọn "đồng ý" hoặc "không đồng ý" và có thể ghi ý kiến khác vào phiếu, TTXVN đưa tin.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, cho biết thành phố đang lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập các phường theo yêu cầu của Sở Nội vụ.
Người dân có thể tìm hiểu đề án trên trang thông tin của UBND TPHCM, quận, huyện và tại trụ sở UBND xã, phường. Các ý kiến sẽ được tổng hợp và báo cáo về Thành phố.
Theo Sở Nội vụ TPHCM, việc lấy ý kiến cử tri sẽ diễn ra tại các khu dân cư, khu phố, ấp hoặc liên khu, tùy theo điều kiện từng địa phương vào ngày 12 và 13-4.
UBND cấp xã sẽ tổng hợp ý kiến, lập báo cáo và trình cấp ủy hoặc HĐND xã (nếu có) để thống nhất, rồi gửi lên UBND cấp huyện qua Phòng Nội vụ. Toàn bộ quy trình dự kiến hoàn tất vào ngày 14-4.
TPHCM có diện tích hơn 2.095 km2, dân số gần 10 triệu người và 273 đơn vị hành chính cấp xã. Bình Dương rộng hơn 2.694 km2, dân số hơn 2,4 triệu người còn Bà Rịa - Vũng Tàu rộng hơn 1.982 km2, dân số khoảng 1,3 triệu người. Các địa phương này đều có mức phát triển cao ở Đông Nam Bộ.
Theo đề án, TPHCM sau sáp nhập sẽ có diện tích hơn 6.772 km2, dân số hơn 13,7 triệu người và 190 đơn vị hành chính cấp cơ sở.
Trung tâm hành chính - chính trị chính đặt tại 86 Lê Thánh Tôn (quận 1, TPHCM), hai cơ sở còn lại tại trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương (đường Lê Lợi, thành phố Thủ Dầu Một) và trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (số 1 Phạm Văn Đồng, thành phố Bà Rịa).
Việc thành lập siêu đô thị này nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và thúc đẩy liên kết vùng theo Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị đồng thời tạo động lực phát triển cho toàn khu vực Đông Nam Bộ.
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII bế mạc, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.