Lấy ý kiến mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy
Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đề xuất xử phạt đến 100 triệu đồng
Nhằm bảo đảm việc xử phạt nghiêm minh, có tính khả thi, phù hợp với thực tế, góp phần bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công an dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân (trong vòng 60 ngày).
Theo đó, dự thảo Nghị định gồm 04 chương, 41 điều, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bao gồm: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đối với trường hợp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định khác nhau giữa Nghị định này với các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân.
Ai được lập biên bản vi phạm phòng cháy, chữa cháy?
Ngoài ra, dự thảo Nghị định của Bộ Công an quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này bao gồm: Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 30, 31, 32, 33, 34 và Điều 35 Nghị định này.
Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp; Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Kiểm lâm; Kiểm ngư; Thanh tra, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm.
Công chức, viên chức thuộc UBND các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại Nghị định này.
Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước chuyên ngành được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.