Lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương ban hành Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức...
Quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh xăng dầu
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Dự thảo Nghị định đã được Văn phòng Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Thành viên Chính phủ.
Dự thảo Thông tư đã quy định về kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kết nối các dữ liệu kinh doanh xăng dầu (dữ liệu cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh xăng dầu, dữ liệu hệ thống phân phối xăng dầu, dữ liệu nhập - xuất - tồn kho xăng dầu) với Bộ Công Thương, tương thích với chương trình điện tử do Bộ Công Thương quy định.
Căn cứ hồ sơ, tài liệu về thực hiện kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu do thương nhân cung cấp, Vụ Thị trường trong nước chuyển hồ sơ, tài liệu về thực hiện kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu của thương nhân tới Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá, gửi thông báo xác nhận việc hoàn thành/chưa hoàn thành kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu của thương nhân với Bộ Công Thương tới Vụ Thị trường trong nước.
Đối với xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân sản xuất xăng dầu được xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu theo kế hoạch đăng ký với Bộ Công Thương theo Mẫu số 07 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này. Bộ Công Thương xem xét đề nghị xuất khẩu xăng dầu của thương nhân trên cơ sở cân đối nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ trong nước, để đảm bảo việc xuất khẩu không ảnh hưởng đến cung cầu xăng dầu tại thị trường trong nước.
Chỉ thương nhân có Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu.
Cách tính giá xăng dầu được quy định ra sao?
Dự thảo Thông tư cũng quy định nguyên tắc xây dựng, điều chỉnh yếu tố cấu thành trong công thức giá bán xăng dầu. Theo đó, yếu tố cấu thành trong công thức giá bán xăng dầu được xây dựng căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành có liên quan, kết quả tổng hợp số liệu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu và tình hình thực tế hoạt động kinh doanh xăng dầu trong từng thời kỳ.
Các khoản chi phí định mức trong giá bán xăng dầu là khoản chi phí tổng hợp tối đa được rà soát, đánh giá và xây dựng trên cơ sở nguồn số liệu theo quy định tại Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Đối với các sản phẩm xăng dầu, Bộ Công Thương không công bố giá thế giới, các thương nhân căn cứ công thức tính các khoản chi phí cấu thành giá xăng dầu tại Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu và Thông tư này để xác định.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sau khi điều chỉnh giá bán xăng dầu phải thực hiện công bố giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối và thông báo về Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Công Thương và cơ quan Quản lý thị trường nơi thương nhân có hệ thống phân phối.
Thương nhân phân phối xăng dầu sau khi điều chỉnh giá bán xăng dầu phải thực hiện công bố giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối và thông báo về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Công Thương và cơ quan Quản lý thị trường nơi thương nhân có hệ thống phân phối.
Để bình ổn giá xăng dầu, trên cơ sở chủ trương bình ổn giá của Chính phủ, Bộ Công Thương chủ trì triển khai, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện một hoặc một số phương thức để xác định nguyên nhân biến động giá theo quy định Nghị định số 85/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giá và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Trình tự, thủ tục, tổ chức bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 85/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giá và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành có liên quan tổ chức thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 85/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giá và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Xem dự thảo Thông tư tại đây.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Dự thảo Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan, các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, chuyên gia kinh tế và trình Chính phủ cho ý kiến, ban hành.