Lấy nông, lâm nghiệp là động lực phát triển, nông dân Sơn Động dần bỏ cái nghèo phía sau
Sơn Động (Bắc Giang) có nhiều nông sản tiêu biểu do các HTX, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh. Việc chú trọng sản xuất theo quy trình an toàn, có chứng nhận của các HTX đang thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương và hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sản xuất nông sản, hàng hóa an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, các HTX ở Sơn Động không ngại đầu tư cho sản xuất nhằm thu được những trái ngọt cho chính thành viên, người lao động.
Sản xuất an toàn, hướng đi bền vững
Đến nay, nhiều HTX đã đầu tư vào việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt huyện đang phối hợp cùng với Liên minh HTX tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam đồng hành cùng các HTX trong việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã sản phẩm, giúp các HTX có thể đạt được các chứng nhận OCOP 3 sao trở lên, chứng nhận hữu cơ, chứng nhận VietGAP… nhằm mở rộng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Còn đối với các HTX, những đơn vị này đã xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân, hướng dẫn họ áp dụng các kỹ thuật canh tác an toàn, bền vững. Một số HTX đã đầu tư vào hệ thống nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động, và các công nghệ tiên tiến khác để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm đạt chất lượng cao của các HTX nhận được sự quan tâm của đối tác, người tiêu dùng.
Đơn cử, mô hình nuôi ong rừng của HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động hiện đã được chứng nhận OCOP. Nhờ đó, quá trình tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. HTX có hơn đàn ong nội, nuôi ở những cánh rừng trên địa bàn các xã Tuấn Đạo, Yên Định, An Bá và thị trấn Tây Yên Tử cung cấp ra thị trường bình quân 70-75 tấn mật mỗi năm.
Ong được các thành viên nuôi theo hướng hữu cơ cho chất lượng mật ổn định, thơm ngon, bán được giá. Đến nay mật ong của HTX đã bán tại nhiều đại lý, cửa hàng tân dược ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Khánh Hòa.
Nhờ vậy, HTX tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao mức sống cho hơn 40 hộ gia đình. Thu nhập của mỗi thành viên bình quân 5 triệu đồng/tháng, cá biệt có người thu 10 triệu đồng/tháng.
Tương tự, sau một thời gian hoàn thiện các điều kiện, trong đó có tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết sản xuất, xây dựng bao bì, mẫu mã, đầu năm 2024, Hương nến Bồng Am của HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động đã được chứng nhận 3 sao. Hiện HTX liên kết với 6 hộ tham gia sản xuất, mỗi ngày làm ra hơn 10 vạn thẻ hương, tiêu thụ thuận lợi.
Hay việc đầu tư cho quy trình sản xuất và hậu thu hoạch một cách cẩn trọng đã giúp sản phẩm OCOP 3 sao nấm lim xanh của HTX Nấm lim xanh Sơn Động, xã Cẩm Đàn mang lại thu nhập cao cho thành viên, nông dân liên kết với HTX. Hiện giá bán trung bình nấm lim xanh từ 700-950 nghìn đồng/kg, trừ chi phí.
Còn tại HTX Phú Cường xã Vân Sơn, từ 200 con gà bố mẹ, đến nay, quy mô chăn nuôi đã lên hơn 1 nghìn con gà bố mẹ và duy trì 2-3 nghìn con gà thương phẩm. Đặc biệt, HTX có sản phẩm đầu tiên đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP - trứng gà sáu ngón. Hiện mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường hơn 7 nghìn quả trứng gà 6 ngón với giá cao hơn khoảng 15% so với trứng gà thường.
Hỗ trợ các HTX nhỏ, hộ gia đình phát triển sản xuất
Theo Nghị quyết của HĐND huyện, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP sẽ được hỗ trợ kinh phí. Cụ thể là sản phẩm 3 sao được hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm 4 sao hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm 5 sao được hỗ trợ tối đa 250 triệu đồng/sản phẩm. Trong khi sản xuất theo quy trình có chứng nhận sẽ giúp việc tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng thuận lợi hơn.

Mật ong của HTX Sơn Động được đầu tư bao bì, mẫu mã.
Chính vì vậy, với quan điểm lấy nông, lâm nghiệp là động lực để địa phương thoát khỏi huyện nghèo, huyện đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang ưu tiên hỗ trợ các HTX nhỏ, hộ gia đình phát triển sản xuất, đưa sản phẩm vào chuỗi liên kết.
Quá trình sản xuất, chứng nhận, hoàn thiện hồ sơ của các HTX luôn có sự đồng hành của cơ quan chuyên môn của huyện. Bên cạnh đó, các HTX cũng được Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp có uy tín và tạo điều kiện đưa sản phẩm tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, các HTX cũng được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn ứng dụng chuyển đổi số, bán hàng trên sàn thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tiêu biểu như HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động và HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh đã lập website thuận tiện cho khách hàng tra cứu tìm hiểu thông tin hàng hóa.
Chứng nhận chất lượng, mở rộng thị trường
Nhờ đẩy mạnh hỗ trợ và đồng hành cùng các HTX trong việc hoàn thiện quy trình sản xuất, đạt chứng nhận và có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các HTX đã tạo thuận lợi giúp cho người dân tăng thu nhập.
Từ đây, tỷ lệ nghèo đa chiều tại Sơn Động đã giảm đáng kể. Địa phương cũng đã hình thành và nhân rộng được nhiều mô hình giảm nghèo từ các lĩnh vực khác nhau như trồng rừng, nuôi ong, chế biến dược liệu, chăn nuôi… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nông hộ.
Việc có chứng nhận chất lượng, như VietGAP hay OCOP đã giúp các HTX ở Sơn Động nâng cao giá trị sản phẩm. Sản phẩm có chứng nhận có giá bán cao hơn so với sản phẩm thông thường, giúp tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, sản phẩm có chứng nhận được người tiêu dùng tin tưởng và ưa chuộng hơn, giúp các HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo dựng uy tín.
Nhờ chú trọng sản xuất an toàn và có chứng nhận, nhiều HTX ở Sơn Động đã đạt được những hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ngay như sản phẩm OCOP 3 sao nấm lim xanh của HTX Nấm lim xanh Sơn Động có giá bán trung bình từ 700-950 nghìn đồng/kg, giúp người dân lãi khoảng 300-400 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định, thậm chí là khá cao nhờ tham gia HTX.